Ngộ độc rượu dịp Tết: Nguy hại khôn lường

Cứ vào dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán, số ca phải nhập viện điều trị vì ngộ độc rượu có xu hướng gia tăng. Nhiều trường hợp bị ngộ độc tập thể. Bên cạnh ngộ độc rượu thông thường, số ca ngộ độc rượu methanol trong những năm gần đây không có xu hướng giảm.

Ngộ độc Aconitin do uống rượu ngâm củ ấu tẩu

Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Thanh Nhàn đã tiếp nhận 2 bệnh nhân trong cùng một gia đình vào viện trong bệnh cảnh tụt huyết áp, rối loạn nhịp thất phức tạp do ngộ độc Aconitin sau uống 100ml rượu ngâm củ ấu tẩu.

Cụ thể, nam bệnh nhân N.V.H. (49 tuổi) có tiền sử tăng huyết áp - đái tháo đường type 2. Bệnh nhân H. có sử dụng rượu ngâm củ ấu tẩu cùng nam bệnh nhân N.H.Q. (68 tuổi). Sau khi uống khoảng 30 phút, cả 2 bệnh nhân đều có biểu hiện tê môi, tê đầu lưỡi, chóng mặt, đau tức nặng ngực và được đưa vào Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Thanh Nhàn.

Khi vào viện, bệnh nhân H. được chẩn đoán bị ngộ độc Aconitin biến chứng rối loạn nhịp thất phức tạp - toan chuyển hóa rất nặng, được xử trí đặt sonde dạ dày, rửa dạ dày. Ngoài ra, bệnh nhân còn được dùng các thuốc vận mạch, chống rối loạn nhịp thất và được lọc máu liên tục.

Cứ vào dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán, số ca phải nhập viện điều trị vì ngộ độc rượu có xu hướng gia tăng.

Cứ vào dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán, số ca phải nhập viện điều trị vì ngộ độc rượu có xu hướng gia tăng.

Sau khi lọc máu 12 giờ đồng hồ, tình trạng bệnh nhân cải thiện tốt, hết toan chuyển hóa, không còn rối loạn nhịp thất. Sau 2 ngày điều trị, bệnh nhân được xuất viện.

Củ ấu tẩu thường được dùng trong Đông y làm rượu thuốc để xoa bóp chữa các chứng đau, tê, nhức, mỏi. Tuy nhiên, trong thành phần của nó chứa Aconitin là một chất rất độc. Nhiều tài liệu mô tả liều từ 0,02-0,05 mg/kg thể trọng có thể gây chết người.

Ngộ độc củ ấu tẩu hay gặp trong trường hợp tự tiện dùng thuốc mà không theo chỉ định của thầy thuốc có kinh nghiệm. Một số tình huống hay gặp trên thực tế là uống nhầm rượu xoa bóp có ngâm ấu tẩu, chế biến món ăn (cháo ấu tẩu, thịt hầm ấu tẩu) không đúng cách… Nếu không biết cách cấp cứu, có thể nguy hiểm đến tính mạng.

Trong trường hợp uống nhầm rượu ngâm củ ấu tẩu hoặc bệnh nhân tự ý dùng thuốc có chứa Aconitin…, chất này ngấm rất nhanh qua da và niêm mạc dạ dày, ruột để vào máu gây nên các triệu chứng.

Đầu tiên là các rối loạn cảm giác tại chỗ, cảm giác kiến bò ở lưỡi rồi mất hết cảm giác dẫn tới tê môi, lưỡi, họng và mặt, đôi khi gây cảm giác như đầu to ra; các chi cũng có thể mất cảm giác.

Các triệu chứng khác thường gặp là cảm thấy lo sợ, khó chịu, buồn bã chân tay, tiếp theo là các rối loạn thần kinh thực vật: Buồn nôn, nôn mửa, vã mồ hôi, chảy nước dãi, co giật thớ cơ, có thể ngất, hạ thân nhiệt…

Theo các bác sĩ Bệnh viện Thanh Nhàn, khi xác định có biểu hiện ngộ độc củ ấu tẩu, bệnh nhân cần được xử trí cơ bản như các trường hợp ngộ độc khác.

Đầu tiên là gây nôn, cho uống than hoạt tính nếu người bệnh còn tỉnh, sau đó nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế gần nhất. Tuyệt đối không để người bị ngộ độc ở nhà để tự theo dõi và điều trị vì bệnh nhân có thể tử vong nhanh chóng do suy hô hấp hoặc loạn nhịp tim.

Các chuyên gia y tế khuyến cáo, vì củ ấu tẩu rất độc nên người dân tuyệt đối không tự ý sử dụng. Khi dùng các chế phẩm thuốc có thành phần là củ ấu tẩu phải hết sức thận trọng và theo đúng hướng dẫn của thầy thuốc. Không tự chế biến củ ấu tẩu làm thức ăn. Các loại rượu ngâm ấu tẩu dùng để xoa bóp phải được dán nhãn rõ ràng, cất giữ nơi an toàn, xa tầm tay trẻ em và để tránh nhầm lẫn khi sử dụng.

Để lại di chứng nặng nề

Trong khi đó, tại Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, vào dịp trước, trong và sau Tết, ngộ độc rượu có sự gia tăng đột biến và hầu hết các ca đều nặng. Đáng nói, đa số những trường hợp này đều để lại di chứng nặng nề.

Điển hình, một bệnh nhân 20 tuổi là du học sinh người Lào đang học tập tại Hà Nội, sau bữa nhậu kéo dài nhiều giờ cùng hai người bạn khác, anh phải vào nhập viện điều trị vì ngộ độc rượu ethanol.

Bệnh nhân ngộ độc rượu điều trị tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai.

Bệnh nhân ngộ độc rượu điều trị tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai.

Gần đây là 3 trường hợp nam độ tuổi từ 46 đến 72 được chẩn đoán ngộ độc cồn công nghiệp methanol được chuyển từ tuyến dưới lên Bệnh viện Bạch Mai. Cả 3 bệnh nhân nhập viện trong tình trạng hôn mê sâu, tụt huyết áp, nhiễm toan chuyển hóa nặng, khi chụp phim cắt lớp não đã có tổn thương hoại tử, chảy máu và phù nề nặng lan tỏa trên não.

Kết quả xét nghiệm nồng độ cồn methanol trong máu rất cao, lên tới vài trăm ml/dL. Mặc dù đã được giải độc và cấp cứu theo phác đồ nhưng đã có một bệnh nhân tử vong, một bệnh nhân mặc dù đã điều trị tối đa nhưng tiên lượng xấu và gia đình đã làm thủ tục xin về.

Ngoài ra, Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai còn hay tiếp nhận nhiều ca uống rượu quên ăn đến khi nhập viện đường máu bệnh nhân về 0; nguy hiểm đến tính mạng.

Điển hình như một bệnh nhân khác, vốn có tiền sử nghiện rượu, thường xuyên uống rượu mà bỏ bữa không ăn, nên đến khi nhập viện, bệnh nhân đã bị tổn thương não rất nặng nề.

TS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống Độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, trong dịp cuối năm và sau kỳ nghỉ Tết, số lượng bệnh nhân ngộ độc rượu methanol thường gia tăng. Điều đáng nói, ngộ độc methanol do uống phải rượu giả khiến người uống không biết và nghĩ rằng bị say rượu.

Thậm chí, biểu hiện khi ngộ độc rượu methanol lại chậm và âm thầm nên phần lớn bệnh nhân đến viện muộn, khi đã bị tổn thương não, mắt. “Mặc dù được điều trị tích cực, song tỷ lệ tử vong vẫn chiếm 30-50%. Nếu bệnh nhân không tử vong cũng dễ bị di chứng mù mắt, hoặc di chứng ở não, gan...” – TS Nguyễn Trung Nguyên cảnh báo.

Các bệnh nhân đến viện thường ở dưới hai diện. Thứ nhất là ngộ độc cấp do một lần uống quá nhiều rượu. Hai là lạm dụng rượu trong thời gian quá dài.

Ngộ độc methanol do uống phải rượu giả khiến người uống không biết và nghĩ rằng bị say rượu.

Ngộ độc methanol do uống phải rượu giả khiến người uống không biết và nghĩ rằng bị say rượu.

Các lý do vào viện nhẹ nhất là nôn mửa hoặc nặng hơn là lơ mơ, lẫn lộn, kích thích, thậm chí là hôn mê. Những trường hợp trở nặng hơn có thể co giật, phù não. Về tim mạch thì có thể là tụt huyết áp, hạ thân nhiệt, hạ đường máu".

“Methanol là chất rất độc, chỉ cần uống 5 - 15ml có thể gây ngộ độc nặng; từ 15ml trở lên có thể gây mù lòa; từ 30ml trở lên có thể gây tử vong. Hạn chế rượu bia, uống rượu rõ nguồn gốc, vẫn là những yếu tố then chốt để ngăn chặn ngộ độc rượu” - TS Nguyễn Trung Nguyên khuyến cáo.

Đề cập đến vấn đề này, bác sĩ Lê Thị Phương Thảo - Phòng điều trị nghiện chất, Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai cho hay, thời gian hấp thu phụ thuộc uống lúc no (hấp thu chậm hơn) hay lúc đói (hấp thu nhanh hơn).

Khi rượu được hấp thu vào hệ tuần hoàn, nó được phân bố tới não và toàn bộ các mô trong cơ thể vì rượu hòa tan hoàn toàn trong nước ở cơ thể. Do đó, rượu gây ảnh hưởng đến não, gan và nhiều cơ quan khác trong cơ thể.

Bác sĩ Lê Thị Phương Thảo khuyến cáo, người dân không nên uống quá 5 ngày/tuần. Đối với nam không nên uống quá 1 - 1,5 chai/lon bia/ngày; cốc bia: 2 cốc/ngày và không quá 2 ly rượu vang/ngày, 2 ly rượu (40 độ)/ngày. Nữ thì bằng ½ của nam và không uống quá 5 ngày/tuần.

Để phòng tránh ngộ độc cồn công nghiệp methanol, người dân hãy lựa chọn những sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ đảm bảo, rõ ràng. Người dân cũng nên hạn chế tối đa việc uống rượu.

Đặc biệt, để tăng cường các biện pháp phòng, chống tác hại của rượu, bia trong dịp Tết Nguyên đán và các dịp lễ hội năm 2024, Bộ Y tế đề nghị UBND tỉnh, TP chỉ đạo đẩy mạnh hoạt động thông tin, giáo dục, truyền thông. Bên cạnh đó, tập trung tuyên truyền về phòng, chống tác hại của rượu, bia đối với sức khỏe con người, gia đình và cộng đồng, để bảo đảm an toàn giao thông, trật tự và an toàn xã hội.

Ngộ độc rượu diễn ra rải rác quanh năm nhưng cao điểm thường bắt đầu từ trước tới sau tết Nguyên Đán, bệnh nhân nhập viện trong nhiều tình trạng khác nhau từ nhẹ đến nặng. Đa số các trường hợp ngộ độc rượu là do uống phải rượu trắng “3 không”: Không nhãn mác, không nguồn gốc, không rõ thành phần. Những loại rượu này chủ yếu bán trôi nổi ngoài thị trường, thậm chí đưa vào cả các quán nhậu.

Thanh Bình

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/ngo-doc-ruou-dip-tet-nguy-hai-khon-luong.html