Ngộ độc rượu ngâm củ thương lục: 'Thủ phạm' Phytolaccatoxin nguy hiểm sao?

Phytolaccatoxin là chất độc có trong tất cả các bộ phận của cây thương lục. Trường hợp ngộ độc nặng, bệnh nhân có thể tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.

Nhập viện vì uống rượu ngâm củ thương lục

Gần đây nhất là trường hợp 3 người đàn ông ở tỉnh Lào Cai bị ngộ độc và phải nhập viện sau khi uống rượu ngâm củ thương lục.

Thông tin trên báo Vietnamnet cho biết, vào cuối tháng 4/2023, gia đình ông T.K.P, ở huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai, tổ chức ăn uống cho 11 người ăn. Bữa cỗ gồm 8 món chính: Thịt ngan, thịt gà, thịt lợn, giò lợn, rau ngót, tiết canh ngan, rượu ngâm củ cây thương lục và rượu trắng.

Trong bữa ăn, có 3 người uống rượu ngâm củ thương lục do gia đình tự trồng và ngâm. Sau khi uống vài chén nhỏ, 3 người đều có biểu hiện đau bụng, buồn nôn, nôn, đi ngoài, mắt mờ nên được đưa vào viện cấp cứu.

Sau đó, Trung tâm Y tế Bảo Thắng lấy mẫu thực phẩm, rượu gửi Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia. Kết quả cho thấy, mẫu rượu ngâm củ thương lục và mẫu củ thương lục phát hiện độc tố Phytolaccatoxin.

 Ảnh: Sở Y tế Lào Cai.

Ảnh: Sở Y tế Lào Cai.

Đó không phải là những trường hợp đầu tiên ngộ độc rượu ngâm củ cây thương lục. Hồi tháng 6/2021, tỉnh Hòa Bình đã kích hoạt hệ thống báo động đỏ của bệnh viện cấp cứu 5 bệnh nhân ngộ độc do uống rượu ngâm với cây thương lục.

Được biết, 5 bệnh nhân nhập viện với các triệu chứng giống nhau như tê lưỡi, đau bụng dữ dội, nôn, tiêu chảy, vã mồ hôi, khó thở…

“Song song với việc cấp cứu các bệnh nhân, chúng tôi cần nhanh chóng tìm nguyên nhân gây độc. Người nhà của bệnh nhân mang rượu mà các bệnh nhân đã uống và loại cây mà họ sử dụng củ để ngâm rượu đến bệnh viện. Sau khi tham khảo ý kiến của các chuyên gia và tra cứu tài liệu, nhận định đây là cây thương lục, tên khoa học là Phytolacca acinosa Roxb. Củ và rễ của loại cây này rất giống nhân sâm", báo Sức khỏe & Đời sống dẫn lời bác sĩ khi đó.

Tháng 7/2017, Trung tâm Y tế TP Pleiku (Gia Lai) tiếp nhận điều trị cho 6 người bị ngộ độc sau khi uống rượu ngâm củ thương lục. Cụ thể, theo báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh, vào ngày 9/7/2017, một gia đình tại TP Pleiku tổ chức tiệc khai trương cửa hàng.

Sau khi ăn uống được 30 phút, 6 người đột nhiên có biểu hiện ngộ độc thực phẩm với các dấu hiệu chung như nôn mửa, chóng mặt, đi ngoài phân lỏng...và ngay lập tức được đưa đi cấp cứu.

Nguyên nhân vụ ngộ độc của 6 người này sau đó được xác định là do uống rượu ngâm củ cây thương lục.

Độc tố Phytolaccatoxin nguy hiểm sao?

Theo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Lào Cai, thương lục là loại cây thảo sống lâu năm. Cây có chiều cao trung bình khoảng 1,5m. Thân cây hình trụ nhẵn, không có lông, ít phân nhánh có màu xanh lục hoặc pha đỏ tím. Lá to, mọc so le với phiến lá hình trứng tròn, có cuống.

Rễ củ thương lục mập, có nét giống củ nhân sâm nên dễ nhầm lẫn. Quả mọng, có màu đỏ tím. Trong Đông y, cây thương lục có thể dùng làm thuốc chữa một số bệnh nhưng phải dùng theo hướng dẫn của thầy thuốc.

 Ảnh: Sở Y tế Lào Cai.

Ảnh: Sở Y tế Lào Cai.

Phytolaccatoxin là chất độc có trong tất cả các bộ phận của cây thương lục, khi ăn phải lượng nhiều sẽ có cảm giác tê môi, đầu lưỡi, đau bụng, vã mồ hôi, giãn đồng tử, tăng tiết đờm nhớt, nôn mửa, tụt huyết áp, co giật, liệt hô hấp, hôn mê và có thể tử vong nếu không cấp cứu kịp thời.

Để không mắc ngộ độc do độc tố tự nhiên, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm khuyến cáo người dân tuyệt đối không ăn các loại động, thực vật lạ; không tự ý sử dụng thuốc nam, thuốc đông y khi chưa có hướng dẫn của thầy thuốc; rượu ngâm (rượu thuốc) không nên uống nhiều.

Khi có ngộ độc thực phẩm xảy ra, cần lưu giữ và bảo quản toàn bộ thức ăn đã ăn để phục vụ công tác điều tra và tuyệt đối không sử dụng khi chưa có ý kiến của cơ quan chức năng, đưa bệnh nhân đến ngay cơ sở y tế gần nhất để điều trị và cấp cứu kịp thời.

Mời độc giả xem thêm video: TP.HCM: Gần 70 học sinh tiểu học ngộ độc sau bữa trưa tại trường

Nguồn video: THĐT

P.V (Tổng hợp)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/doi-song/ngo-doc-ruou-ngam-cu-thuong-luc-thu-pham-phytolaccatoxin-nguy-hiem-sao-1856498.html