Ngỡ ngàng kỹ thuật điêu luyện của người trồng đào Nhật Tân
Mục sở thị, chúng ta mới thấy hết không khí tất bật tại vườn đào. Người trồng đào Nhật Tân đang 'đánh', 'thiến', 'vặt', 'ép' cho đào nở hoa đúng Tết Nguyên đán.
Không khí tại các vườn đào Nhật Tân, phường Nhật Tân, quận Tây Hồ, Thành phố Hà Nội hết sức khẩn trương và sôi động. Chỗ này chuẩn bị làm đất, đào hố, đánh gốc, đưa vào chậu, chỗ kia tranh thủ vặt lá, uốn cành, chuẩn bị cho những công đoạn để hoa nở đúng dịp Tết Nguyên đán.
Ông Hiệp, nhà vườn Hiệp Vũ, phường Nhật Tân người có thâm niên trong nghề trồng đào Nhật Tân cho biết: Thời điểm này như mọi năm, người trồng đào Nhật Tân đã hoàn thành xong công đoạn “đánh” (đảo đào gốc) và "thiến" đào (khoanh gốc đào) và dần hoàn thiện công đoạn “vặt” (tuốt lá). Tuy nhiên do năm nay rét muộn, nhiệt độ ấm hơn những năm trước nên công đoạn “đánh” và “vặt” lá được làm muộn hơn.
Ông Hiệp bật mí: Năm nay, mọi công đoạn chăm sóc làm muộn hơn do thời tiết ấm. Nếu vẫn áp dụng thời gian giống năm trước, hoa đào sẽ nở sớm, không đúng vụ Tết Nguyên đán. Chính vì vậy, việc đào Nhật Tân có nở hoa đúng dịp Tết Nguyên đán hay không phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Người trồng phải theo dõi thời tiết, xác định tuổi đào, loại đào để quyết định thời gian thực hiện mỗi công đoạn.
"Kỹ thuật trồng đào của người Nhật Tân hiện đã phát triển ở mức cao, có thể “thúc”, “hãm” “ép” đào ra hoa đúng độ. Đấy là với thời tiết bình thường. Còn với thời tiết thất thường, khắc nghiệt thì kinh nghiệm và kỹ thuật cũng bó tay" - ông Hiệp giải thích.
Theo kinh nghiệm dân gian của những người trồng đào, có hai biện pháp để ức chế cây đào Nhật Tân phát triển và tạo sự phân hóa mầm hoa là “thiến” (khoanh vỏ) và “đánh” cây (đảo đào gốc). Trong đó, biện pháp “thiến” trước đây được bà con sử dụng rộng rãi hơn, còn bây giờ biện pháp sử dụng thuốc “hãm” và “đánh” cây được bà con sử dụng nhiều hơn. Sau khi khoanh vỏ khoảng 30 ngày cây xuất hiện mầm nụ ở nách lá, mầm nụ to dần, tuy nhiên nếu không vặt lá mà để tự nhiên thì hoa sẽ nở muộn và không tập trung. Chính vì vậy bên cạnh việc “thiến” và “đánh” cây, biện pháp “vặt” lá cũng rất quan trọng.
Thông thường, đào Nhật Tân được “vặt” - tuốt lá trước thời điểm Tết Nguyên đán khoảng 50 - 60 ngày. Cũng tùy từng giống đào mà thời gian tuốt lá cũng khác nhau. Ví dụ: Đào phai, đào bích gốc thường 50 ngày, đào hạt thường tuốt lá trước Tết khoảng 60 ngày, thậm chí có những giống đào phải tuốt trước Tết 90 ngày. Đây là khâu rất quan trọng để chuẩn bị cho công đoạn nuôi mắt, ra nụ đào sẵn sàng cho Tết Nguyên đán. Tuy nhiên việc tuốt lá cũng phải phụ thuộc vào thời tiết, trời rét tuốt lá sớm, còn trời ấm tuốt lá muộn hơn.
Có thể thấy, vất vả cả năm, người trồng đào Nhật Tân chỉ trông chờ vụ hoa đào nở đúng dịp Tết Nguyên đán. Hy vọng bằng kinh nghiệm, cùng với phương pháp “đánh”, “thiến”. “vặt”. “hãm”, “thúc” “ép”… hoa sẽ nở, người trồng đào Nhật Tân sẽ nở nụ cười tươi dịp Tết Nguyên đán 2024.