Trong lịch sử đã từng xảy ra rất nhiều thảm họa, một số là do thiên tai, một số là do con người gây ra. Nguyên nhân dẫn đến thảm họa cũng vô cùng đa dạng, khó hiểu.
1. Cú xì hơi chết chóc nhất trong lịch sử: Khoảng lễ Vượt Qua năm 44 sau Công nguyên, khi hàng chục ngàn người Do Thái tập trung tham gia lễ hội và các hoạt động kỷ niệm lễ Vượt Qua, một lính La Mã đóng quân phía trên đền thờ đột nhiên quay người lại, chĩa mông về phía đám đông rồi xả một tiếng rắm. Những người Do Thái ở phía dưới vô cùng tức giận, họ phẫn nộ đệ đơn khiếu nại lên tổng đốc La Mã, yêu cầu trừng phạt người lính kia. Trước khi quan tổng đốc kịp phản ứng, một số thanh niên thiếu kiên nhẫn đã nhặt đá ném vào người lính kia. (Ảnh: 163, Sohu)
Người La Mã nổi tiếng với sự tàn bạo đối với người Do Thái, vì vậy khi bạo loạn xảy ra, quan tổng đốc lo sợ bị liên lụy đã gọi thêm quân lính La Mã đến. Người Do Thái nhìn thấy quân tiếp viện của La Mã thì vô cùng hoảng sợ, một số người bị đánh đã tranh nhau chạy ra khỏi cổng đền, những người khác cũng đổ xô nhau bỏ chạy. Tuy nhiên, số người trên quảng trường quá đông, họ chen lấn, giẫm đạp lên nhau, dẫn đến việc 10.000 người thiệt mạng trong thảm họa này.
2. Cuộc chiến giữa người và rắn ở Saint-Pierre: Tháng 4/1902, "Núi Hói" sừng sững trên bầu trời Saint-Pierre, Martinique xuất hiện những hoạt động núi lửa bất thường. Do người dân địa phương đã quá quen với điều này, nên không ai đặc biệt chú ý đến những lỗ thông hơi mới xuất hiện và các trận động đất nhỏ xảy ra thường xuyên. Tuy nhiên, đến đầu tháng 5, tro bụi núi lửa bắt đầu liên tục rơi xuống, không khí tràn ngập mùi lưu huỳnh khó chịu. Điều này khiến những ngôi nhà của họ xây dựng trên sườn núi không còn thích hợp để sinh sống nữa.
Tồi tệ hơn nữa, đúng lúc này hơn 100 con rắn độc từ đỉnh núi bò xuống và xâm nhập vào khu dân cư của Saint-Pierre. Những con rắn dài gần 2 mét này đã giết chết 50 người và vô số động vật, chỉ đến khi bị những con mèo hoang khổng lồ của thị trấn tiêu diệt thì tai họa rắn mới kết thúc. Tiếp đó, bùn đất từ vụ lở đất đổ xuống biển, sau đó là sóng thần, khiến hàng trăm người thiệt mạng. Ba ngày sau, núi lửa Peleé cuối cùng cũng phun trào, một dòng dung nham nóng rực hung dữ như tuyết lở lao thẳng xuống thị trấn. Trong vòng ba phút, Saint-Pierre đã bị phá hủy hoàn toàn. Trong số 30.000 dân, chỉ có 2 người sống sót, những người còn lại đều thiệt mạng.
3. Sự kiện giẫm đạp do hiểu lầm: Ngày 19/9/1902, hai nghìn người ủng hộ đã tập trung tại nhà thờ Baptist Shiloh ở Birmingham, Alabama để nghe bài phát biểu của nhà lãnh đạo phong trào người da đen Booker T. Washington. Nhà thờ mới được xây dựng, từ cổng đi vào nhà thờ phải đi qua một đoạn cầu thang dốc. Sau khi Washington kết thúc bài phát biểu, một số khán giả đã xảy ra tranh cãi khi rời đi, có người la lên "fight" (đánh nhau). Trong tiếng Anh-Mỹ, "fight" và "fire" (cháy) có âm thanh gần giống nhau, vì vậy một số người đã nghe thành "cháy".
Tiếng hô này giống như một hồi kèn xung trận, mọi người ùa nhau ra cửa, lao lên cầu thang. Những người đến cầu thang trước bị những người phía sau đẩy ngã. Những người khác ngã đè lên họ, cho đến khi lối vào bị chặn hoàn toàn bởi một bức tường người cao gần 3 mét. Washington và các linh mục đã cố gắng trấn an đám đông nhưng không có kết quả, họ chỉ có thể bất lực đứng sang một bên. Họ tận mắt chứng kiến 115 anh chị em của mình bị giẫm đạp hoặc ngạt thở đến chết.
4. Vụ nổ đồng hồ đo khí đốt: Ngày 14/11/1927, chiếc đồng hồ đo khí đốt hình trụ lớn nhất thế giới, nằm ở trung tâm công nghiệp Pittsburgh, Pennsylvania, đã bị rò rỉ. Khoảng 10 giờ sáng, khi các thợ sửa chữa đang tìm kiếm điểm rò rỉ bằng đèn khò, ngọn lửa đã đốt cháy khí đốt bị rò rỉ.
Bể chứa khí đốt tự nhiên có dung tích 5 triệu mét khối bị hất tung lên trời, sau đó phát nổ dữ dội. Một số mảnh kim loại lớn nặng hơn 100 pound văng ra xa, áp suất và hỏa hoạn kết hợp lại đã gây ra thiệt hại trên diện tích gần 2,6 km vuông. Vụ tai nạn khiến 28 người thiệt mạng và hàng trăm người bị thương.
5. Diễn tập biến thành bi kịch: Các nhân viên cứu hỏa của thành phố Gillingham, hạt Kent, Anh, hàng năm đều dựng một "ngôi nhà" tạm thời bằng gỗ và vải bạt để thực hiện một màn trình diễn chữa cháy được yêu thích tại sự kiện thường niên ở Công viên Gillingham. Theo thông lệ, họ sẽ chọn một số cậu bé dũng cảm tham gia diễn tập để tăng tính tương tác cho sự kiện. Ngày 11/7/1929, 9 cậu bé từ 10 đến 14 tuổi và 6 lính cứu hỏa mặc trang phục tiệc cưới đã leo lên tầng ba của "ngôi nhà".
Kế hoạch là sử dụng bom khói để tạo ảo giác rằng tòa nhà đang bốc cháy ở tầng một, sau đó dùng dây thừng và thang để giải cứu những người "dự tiệc cưới" đang bị mắc kẹt, sau khi tất cả mọi người được cứu thì sẽ đốt ngôi nhà trống để trình diễn việc sử dụng vòi phun nước chữa cháy. Do một số sai sót, ngọn lửa thật đã bùng lên trước, khán giả bắt đầu vỗ tay hoan hô hiệu ứng chân thực và ngoạn mục mà họ đang chứng kiến. Khi 2 cậu bé toàn thân bốc cháy nhảy từ trên lầu xuống đất và chết, sự cuồng nhiệt của khán giả đạt đến đỉnh điểm, họ nghĩ đó là người giả. Chỉ đến khi các lính cứu hỏa bên ngoài lái xe cứu hỏa đến hiện trường, họ mới biết rằng một thảm họa thực sự đã xảy ra. Tất cả 15 người tại hiện trường đều thiệt mạng.
Video: Sau thảm họa tàu Titan, giới siêu giàu e ngại du lịch vũ trụ?.