Ngó sen là bộ phận nào của cây sen?

Mặc dù ngó sen được sử dụng nhiều trong ẩm thực và y học, nhiều người vẫn chưa biết đây là bộ phận nào của cây sen.

Ngó sen không chỉ cớ vai trò quan trọng trong ẩm thực nhờ hương vị đặc biệt và giá trị dinh dưỡng cao mà còn có nhiều công dụng trong y học. Việc sử dụng ngó sen đúng cách và hợp lý sẽ giúp cải thiện sức khỏe, hỗ trợ điều trị nhiều bệnh lý.

Ngó sen là bộ phận nào của cây sen?

Ngó sen là phần thân rễ non của cây sen, nằm dưới lớp bùn sâu trong đầm lầy. Khi cây sen phát triển, thân rễ của nó lan rộng và tạo thành các nhánh mới, chính những nhánh non này là ngó sen. Ngó sen có màu trắng, hình trụ dài, mềm và giòn, bên trong có cấu trúc rỗng với nhiều lỗ nhỏ li ti chạy dọc theo chiều dài.

Người Việt Nam đa phần thích ăn ngó sen non, khi hái lên nó vẫn còn nhỏ và mảnh như cái ống. Nhiều người khác lại thích ăn ngó sen đã phát triển thành củ sen. Không ít người hiểu lầm ngó sen và củ sen là 2 bộ phận khác nhau nhưng thực chất là một, là phần thân của cây hoa sen.

Nhiều người rất thích ăn các món từ ngó sen nhưng không biết ngó sen là bộ phận nào của cây sen. (Ảnh: Countryside Life)

Nhiều người rất thích ăn các món từ ngó sen nhưng không biết ngó sen là bộ phận nào của cây sen. (Ảnh: Countryside Life)

Ngó sen thường được thu hoạch vào mùa hè và mùa thu, khi cây sen đang trong giai đoạn phát triển mạnh mẽ nhất. Đây cũng là thời điểm ngó sen đạt được độ giòn và hương vị ngon nhất.

Quy trình thu hoạch ngó sen khá công phu và đòi hỏi sự khéo léo. Người ta phải lội xuống đầm lầy, dùng tay hoặc các công cụ đặc biệt để tách ngó sen ra khỏi thân rễ chính. Sau khi thu hoạch, ngó sen cần được rửa sạch và bảo quản cẩn thận để giữ được độ tươi ngon và giòn.

Giá trị dinh dưỡng của ngó sen

Ngó sen chứa nhiều dưỡng chất quan trọng, bao gồm:

- Vitamin và khoáng chất: Ngó sen là nguồn cung cấp phong phú các loại vitamin như vitamin C, vitamin B6 và các khoáng chất như kali, canxi, sắt, có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch, cải thiện chức năng tim mạch và hỗ trợ sự phát triển xương.

- Chất xơ: Ngó sen chứa lượng chất xơ cao, giúp cải thiện hệ tiêu hóa, ngăn ngừa táo bón và duy trì sự khỏe mạnh của đường ruột. Chất xơ cũng có tác dụng kiểm soát đường huyết và giảm cholesterol trong máu.

- Chất chống oxy hóa: Ngó sen giàu chất chống oxy hóa, giúp bảo vệ cơ thể khỏi sự tấn công của các gốc tự do, ngăn ngừa lão hóa và giảm nguy cơ mắc các bệnh mãn tính như ung thư, bệnh tim mạch.

Tác dụng của ngó sen

- Làm đẹp da: Hàm lượng vitamin C và khoáng chất trong ngó sen có tác dụng thúc đẩy quá trình chuyển hóa tế bào, giúp ngăn ngừa tình trạng da thô ráp. Người thường xuyên dùng ngó sen sẽ cải thiện được các vấn đề về da, giúp làn da mịn màng, trắng hồng tự nhiên.

- Giảm căng thẳng: Hàm lượng vitamin B trong ngó sen có tác dụng an thần, giúp thư giãn tinh thần, tạo sự vui vẻ và lạc quan. Những người muốn giảm căng thẳng, ngăn ngừa trầm cảm có thể ưu tiên thực phẩm này.

- Hỗ trợ giảm cân: Ngó sen chứa hàm lượng chất xơ dồi dào, có khả năng thúc đẩy nhu động ruột hoạt động hiệu quả hơn, kích thích hỗ trợ hệ tiêu hóa, nhờ đó giảm cảm giác thèm ăn, giúp quá trình ăn kiêng trở nên dễ dàng hơn

- Ngăn ngừa táo bón: Những dưỡng chất có trong ngó sen như vitamin C, vitamin B, chất xơ cùng các chất điện giải giúp nhuận tràng tự nhiên, ngăn ngừa chứng táo bón và kích thích hệ tiêu hóa hoạt động hiệu quả hơn.

- Tốt cho gan: Ngó sen là một trong những loại thực phẩm rất tốt cho gan nhờ khả năng thanh nhiệt và đào thải các độc tố tích tụ trong cơ quan nội tạng quan trọng này. Nhờ đó mà gan luôn được bảo vệ khỏe mạnh.

- Hỗ trợ điều trị mất ngủ: Mất ngủ là tình trạng nhiều người gặp phải, nếu kéo dài sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe. Để điều trị mất ngủ, bạn có thể ăn ngó sen để bổ sung cho cơ thể những dưỡng chất cần thiết như đường glucoza, canxi, photpho, sắt, vitamin C, arginin, tyrosin…

Lưu ý khi sử dụng ngó sen

Ngó sen là thực phẩm tốt cho sức khỏe nhưng khi sử dụng, bạn cũng cần lưu ý một số vấn đề dưới đây.

- Không nên ăn ngó sen sống: Ngó sen sinh trưởng và phát triển trong bùn, nơi trú ngụ của nhiều vi khuẩn và ký sinh trùng, nếu ăn sống sẽ có thể gặp nguy hiểm. Nên nấu chín kỹ để đảm bảo sức khỏe cho bản thân và gia đình.

- Không nên ăn ngó sen thường xuyên: Ngó sen mang tính hàn, nếu ăn nhiều và thường xuyên sẽ dễ bị đau bụng, tiêu chảy. Vì vậy, nên sử dụng ngó sen một cách hợp lý, kết hợp với chế độ ăn uống cân đối và đa dạng.

- Bệnh nhân tiểu đường nên hạn chế: Trong ngó sen có nhiều tinh bột, người mắc bệnh tiểu đường không nên ăn nhiều.

NGUYỆT ÁNH (Tổng hợp)

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/ngo-sen-la-bo-phan-nao-cua-cay-sen-ar884189.html