Ngô Thanh Vân muốn xử nghiêm khắc kẻ livestream lén phim 'Cô Ba Sài Gòn'
Nhà sản xuất Ngô Thanh Vân tuyên bố không nhân nhượng, yêu cầu cơ quan luật pháp xử lý nghiêm khắc vụ livestream lén phim Cô Ba Sài Gòn vừa qua khi phim này đang chiếu rạp.
Sáng 15-11, Ngô Thanh Vân - đại diện Công ty VAA và bà Ngô Thị Bích Hiền - đại diện của BHD, đơn vị phát hành bộ phim "Cô Ba Sài Gòn" đã có mặt tại PA83 – Công An Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, chính thức làm việc vụ livestream bộ phim "Cô Ba Sài Gòn". Vụ việc xảy ra vào 15 giờ chiều ngày 13-11 tại LOTTE Cinema Vũng Tàu.
Theo thông tin từ phía Ngô Thanh Vân, hiện tại, toàn bộ hồ sơ sự việc đã được chuyển đến Công an tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu để nhanh chóng giải quyết. Công an tỉnh đã tiếp nhận hồ sơ, sẽ cùng chính quyền địa phương điều tra và xác minh đối tượng N.V.T cùng những đối tượng khác lợi dụng livestream (nếu có) để câu like, câu view cho các Fanpage khác.
Công an tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu cũng xác định đây là hành vi phạm pháp mới, nghiêm trọng. Đa số các bạn trẻ vẫn chưa nhận thức được hành vi sai trái này, phát ngôn trên mạng xã hội không có tính xây dựng cộng đồng, cổ súy cho những hành vi không văn minh như thế. Những hành động như trên không chỉ làm thiệt hại cho nhà sản xuất mà còn gây tác động xấu đến xã hội và cộng đồng.
Nhà sản xuất Ngô Thanh Vân ban đầu có ý định bỏ qua cho hành động bột phát của bạn trẻ N.V.T (19 tuổi). Tuy nhiên, cô xét thấy đối tượng này chưa nhận thức được về hành vi của mình nên quyết định nhờ tới các cơ quan công quyền và nhà trường xử lý vụ việc này.
Ngô Thanh Vân và nhà phát hành "Cô Ba Sài Gòn" ủy quyền cho Văn phòng luật sư Phan Law trong các bước tiếp theo để phối hơp cùng các cơ quan chức năng.
Ngô Thanh Vân kêu gọi các khán giả yêu mến điện ảnh, mong muốn cho điện ảnh Việt Nam phát triển cùng "Nói không với livestream trong rạp chiếu phim".
Cùng lúc đó, trên mạng xã hội Facebook, Ngô Thanh Vân viết: "Chúng tôi sẽ tiếp tục cùng công an tỉnh điều tra và ra những quyết định xử phạt nặng. Thay vì ý định ban đầu là bỏ qua sự việc khi đối tượng có nhận thức về hành vi của mình, chúng tôi sẽ nghiêm khắc với tất cả các hành vi xâm hại bản quyền điện ảnh đã và đang manh nha diễn ra. Chúng tôi không nhân nhượng!"
Theo quy định, hướng dẫn về tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan được quy định, hướng dẫn tại Điều 225 Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 ngày 27 tháng 11 năm 2015 có nội dung sau:
Người nào không được phép của chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan mà cố ý thực hiện một trong các hành vi sau đây, xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan đang được bảo hộ tại Việt Nam, thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại cho chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc hàng hóa vi phạm trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm:
a) Sao chép tác phẩm, bản ghi âm, bản ghi hình;
b) Phân phối đến công chúng bản sao tác phẩm, bản sao bản ghi âm, bản sao bản ghi hình.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Thu lợi bất chính 300.000.000 đồng trở lên;
d) Gây thiệt hại cho chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan 500.000.000 đồng trở lên;
đ) Hàng hóa vi phạm trị giá 500.000.000 đồng trở lên.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
4. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Pháp nhân thương mại thực hiện hành vi quy định tại khoản 1 Điều này, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 02 năm;
c) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.