Ngoài Công văn 4040, Bộ còn nhiều cái chậm với thực tế dạy và học ở cơ sở
Phản ánh, góp ý không nhằm ngoài mục đích mong muốn có những chỉ đạo kịp thời, đúng thời điểm để những người thực hiện đỡ mất công vô ích và mang lại hiệu quả cao
Để ứng phó với dịch bệnh, tạo thuận lợi cho việc dạy và học online mùa dịch, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Công văn 4040 vào ngày 16/9/2021, trong khi nhiều địa phương đã tổ chức giảng dạy được 2 tuần.
Cùng với việc các trường phải chỉ đạo chuyên môn lại và giáo viên phải thay đổi kế hoạch đã lên từ trước nên việc chính thức áp dụng Công văn 4040 trễ tới 3 tuần thực học.
Vì thế, trong ngành đã xảy ra nhiều tranh luận về cả nội dung công văn và thời điểm ra đời. Người bảo, Công văn 4040 được ban hành kịp thời, sau ít ngày có thông báo của Văn phòng Chính phủ. Nhiều người lại cho rằng, công văn ban hành quá chậm, tạo nhiều áp lực đối với giáo viên.
Sau 05 ngày có Thông báo số 240/TB-VPCP, Bộ Giáo dục ban hành công văn 4040 là không chậm trễ so với chỉ đạo nhưng lại chậm trễ quá nhiều so với thực tế giảng dạy
Nếu nói, công văn 4040 ra đời sau 5 ngày có thông báo số 240/TB-VPCP là không chậm trễ nhưng so với tình hình giảng dạy thực tế lại quá chậm.
Thường thì đầu tháng 8 mỗi năm, giáo viên đã trở lại trường để chuẩn bị cho công tác giảng dạy vào cuối tháng 8 hoặc đầu tháng 9. Nếu trường bắt đầu học vào đầu tháng 9 thì nhà trường đã chỉ đạo giáo viên đã lên kế hoạch giảng dạy trước đó cả tuần.
Vì sự chậm trễ này, dẫn đến nhiều địa phương phải tổ chức tập huấn lại cho giáo viên cốt cán, trường học tổ chức lại tập huấn cho giáo viên và nhiều thầy cô giáo phải làm lại kế hoạch giáo dục đã làm từ trước đó.
Một người, một nhóm người bỏ ra vài ngày để làm lại kế hoạch thì không đáng ngại nhưng hàng triệu giáo viên trong cả nước phải bỏ công làm lại, đó chính là sự lãng phí thời gian, công sức, tiền của (nhiều nơi in ra rồi còn phải bỏ).
Công văn ra đời chậm nên khi về các địa phương họ cũng yêu cầu giáo viên phải gấp rút hoàn thành. Có môn học giảm hơn 1/4 khối lượng kiến thức mà thời lượng vẫn giữ nguyên thì việc giãn nội dung bài học thực sự là rất vất vả, nhất là Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Có nơi, Sở chỉ đạo 3 ngày giáo viên phải làm xong kế hoạch dạy học sửa đổi với 12 tuần kiến thức trọng tâm, nhiều thầy cô giáo cho biết phải thức thâu đêm cày mới xong.
Công văn 4040 có thể ra đời sớm hơn?
Công văn 4040 có thể ra đời sớm hơn? Câu trả lời của chúng tôi là hoàn toàn có thể. Bởi, đây không phải là lần đầu tiên nước ta gặp tình hình dịch bệnh kéo dài như thế. Năm học 2019-2020, do tình hình dịch bệnh kéo dài, Bộ Giáo dục đã có nhiều lần ban hành công văn điều chỉnh nội dung giáo dục.
Ngay trong năm học 2020-2021, ngay từ giữa tháng 5 nhiều tỉnh thành đã gặp diễn biến phức tạp của dịch bệnh, học sinh đã phải nghỉ hè trước quy định 2 tuần. Và trong tháng 6, tháng 7 nhiều tỉnh thành phía Nam, tình hình dịch bệnh trở nên căng thẳng, dự báo học sinh không thể kịp đến trường đúng quy định.
Vậy thì lẽ ra, ngay từ những thời điểm này Bộ Giáo dục phải có một sự chuẩn bị kỹ, chu đáo bằng việc có nhiều (ít nhất là 2) phương án dự phòng.
Một là, phương án dành cho điều kiện dạy học bình thường.
Hai là, phương án dành cho điều kiện dạy và học trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Và, cuối tháng 8 nếu dịch chưa được khống chế, đương nhiên các địa phương sẽ triển khai phương án giảng dạy thứ hai là dạy và học trong tình hình dịch bệnh phức tạp.
Do có sự chuẩn bị trước nên việc áp dụng ngay các phương án dự phòng sẽ giúp nhà trường triển khai chuyên môn kịp thời, sẽ giúp giáo viên làm kế hoạch nhanh chóng mà không phải sửa tới sửa lui.
Vậy thì tại sao, Bộ Giáo dục không thể ban hành Công văn 4040 sớm hơn mà phải đợi Chính phủ chỉ đạo? Phải chăng vì hiện tượng “sợ sai”, mà lãnh đạo trường chờ Phòng chỉ đạo, lãnh đạo phòng chờ Sở chỉ đạo, lãnh đạo Sở chờ Bộ chỉ đạo và lãnh đạo Bộ chờ… Chính phủ chỉ đạo?
Không riêng gì Công văn 4040, không ít vấn đề liên quan giáo dục vẫn còn chậm trễ triển khai trong ngành
Ví như triển khai việc góp ý các dự thảo thông tư, góp ý chương trình và sách giáo khoa. Thường thì chúng tôi đã đọc những bài viết về việc góp ý một số dự thảo thông tư vừa ban hành trên cổng thông tin điện tử của Bộ hay trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam cả tháng trời mới thấy các trường đưa yêu cầu cho giáo viên góp ý.
Do đưa trễ nên thường hối thúc rất nhanh, chỉ vài ngày, thậm chí một ngày nhưng đã đòi kết quả báo cáo. Thế là phần vì bận việc giảng dạy, phần vì mệt mỏi nên không ít thầy cô chọn giải pháp đồng ý với dự thảo để rồi khi thực hiện sau này mới thấy có những điều khoản hỡi ôi.
Rồi đến việc học bồi dưỡng thường xuyên các chuyên đề cũng không đúng thời điểm nên dẫn đến hiệu quả của việc học không cao. Thời gian giáo viên học tốt nhất là vào đầu tháng 8.
Bởi, ở thời điểm này, giáo viên chưa phải giảng dạy nhưng năm nào cũng thế, cứ vào đầu năm học hoặc vào thời điểm học sinh ôn tập chuẩn bị thi cũng là lúc các thầy cô đang vô cùng bận rộn nhưng vẫn bị buộc học modun (trong thời hạn cho phép).
Dù những chỉ đạo đúng đắn, hợp lý nhưng ban hành sai thời điểm cũng sẽ mang lại hiệu quả không cao.
Bởi thế, phản ánh, góp ý không nhằm ngoài mục đích mong muốn có những chỉ đạo kịp thời, đúng thời điểm hơn để những người thực hiện đỡ mất công vô ích và mang lại hiệu quả công việc cao hơn.