Ngoại giao cá nhân - dấu ấn thú vị tại cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Trung
Khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến điền trang Filoli xanh tươi ở ngoại ô San Francisco, Tổng thống Mỹ Joe Biden, người đang chờ đón ông, đã rút điện thoại ra giới thiệu bức ảnh một người đàn ông đứng trước Cầu Cổng Vàng.
“Tôi biết chứ. Đó là tôi của 38 năm về trước”, ông Tập Cận Bình mỉm cười nói.
“Ông chẳng thay đổi chút nào”, Tổng thống Biden hóm hỉnh nhận xét, khiến các quan chức và nhân viên đều bật cười.
Sau đó, khi tiễn ông Tập Cận Bình ra chiếc xe limousine Hồng Kỳ do Trung Quốc sản xuất để rời đi, ông Biden khen đó là một “chiếc xe đẹp”, rất giống với chiếc “Beast” của Tổng thống Mỹ.
Nở một nụ cười, ông Tập Cận Bình đề nghị một trợ lý giới thiệu nội thất của chiếc xe với ông chủ Nhà Trắng.
Những chi tiết này nằm trong nhiều cử chỉ ngoại giao cá nhân được thể hiện tại cuộc gặp ngày 16/11 đã được mong đợi từ lâu giữa hai nhà lãnh đạo hàng đầu thế giới.
Về phần Chủ tịch Trung Quốc, Phó giáo sư Alfred Wu tại Trường Chính sách công Lý Quang Diệu nhận xét ông Tập Cận Bình đang cố gắng chứng tỏ với người dân Trung Quốc rằng ông có thể tự mình đương đầu với nhà lãnh đạo Mỹ.
“Nhưng liệu ông ấy có thể thuyết phục được công chúng Mỹ rằng Trung Quốc không phải là mối đe dọa hay không thì đó lại là một chuyện khác”, ông Wu nói thêm.
Hội nghị thượng đỉnh đặc biệt bên lề Hội nghị Các nhà lãnh đạo kinh tế Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) này diễn ra trong bối cảnh mối quan hệ song phương gần đây có dấu hiệu tan băng.
Quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington đã chạm đáy vào đầu năm 2023 sau khi Mỹ bắn hạ khí cầu khí tượng của Trung Quốc và ban hành một loạt biện pháp hạn chế đối với các công ty Trung Quốc, ngăn cản họ tiếp cận công nghệ chip tiên tiến, với lý do an ninh quốc gia.
Do đó, cuộc gặp mặt kéo dài 4 giờ giữa các nhà lãnh đạo của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã được lên kế hoạch nhằm mục đích tạo cơ sở cho mối quan hệ cũng như tạo tiền đề hợp tác bất chấp những khác biệt giữa hai bên trong hàng loạt vấn đề.
Trong cuộc gặp chính thức, ông Biden thậm chí còn gửi lời chúc “Chúc mừng sinh nhật” tới Phu nhân Chủ tịch Trung Quốc Bành Lệ Viện.
Tiếp đến, sau khi dùng bữa trưa gồm món mì ravioli ricotta với khoai tây chiên atisô, gà nướng tarragon và bánh meringue hạnh nhân, hai nhà lãnh đạo đã đi tản bộ và trò chuyện trong khuôn viên điền trang Filoli.
Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Trung đã đạt được nhiều kết quả, nổi bật trong đó là việc hai ông nhất trí nối lại hợp tác quân sự và thành lập một lực lượng đặc nhiệm nhằm hạn chế việc sản xuất fentanyl - loại thuốc phiện là nguyên nhân hàng đầu gây ra tình trạng sử dụng ma túy quá liều ở Mỹ.
Sau hội nghị, trả lời câu hỏi của phóng viên về việc ông có tin tưởng nhà lãnh đạo Trung Quốc hay không, ông Biden nói rằng qua 68 giờ thảo luận trực tiếp với ông Tập Cận Bình với tư cách là Phó Tổng thống dưới thời ông Barack Obama, ông Biden tự tin bản thân hiểu về ông Tập Cận Bình cũng như cách thức làm việc của chính trị gia này.
“Chúng tôi có những bất đồng. Ngài ấy có quan điểm khác với tôi về nhiều thứ. Nhưng ngài ấy đã thẳng thắn”, Tổng thống Biden nói và cho biết thêm rằng cả hai đã cam kết sẽ nhấc máy nếu người kia gọi.
Bà Rorry Daniels, Giám đốc điều hành Viện Chính sách Xã hội châu Á có trụ sở tại New York, đánh giá lời cam kết này là một sự đảm bảo cá nhân rằng “việc hỗ trợ giải quyết những va chạm khó tránh khỏi có thể xảy ra khi các quan chức cấp cao gặp nhau”.
Video ông Biden tiễn ông Tập Cận Bình ra xe và khen xe Hồng Kỳ (Nguồn: Phoenix TV):
Ông Manoj Kewalramani, một nhà nghiên cứu về Trung Quốc tại trung tâm giáo dục chính sách công Ấn Độ, Viện Takshashila, cho biết những cử chỉ ngoại giao như vậy là tín hiệu cho thấy họ mong muốn được làm việc cùng nhau vào lúc này.
“Cả hai đều khá nổi tiếng với nhau từ thời còn là cấp phó. Ngoài ra, hãy nhớ rằng ông Tập Cận Bình và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã có nhiều cuộc đi dạo và trò chuyện không chính thức trong năm 2018 và 2019. Nhưng điều đó vẫn không thay đổi hướng đi của mối quan hệ”, nhà nghiên cứu Kewalramani nói với The Straits Times, đề cập đến mối căng thẳng đang diễn ra giữa Ấn Độ và Trung Quốc.
Ông Kewalramani lưu ý rằng vẫn tồn tại sự khác biệt rõ ràng trong quan điểm của cả hai bên về bản chất của mối quan hệ. Ông Biden khẳng định rõ ràng rằng Mỹ và Trung Quốc đang cạnh tranh. Nhưng ông Tập Cập Bình rõ ràng không chấp nhận điều đó, khi cho rằng cạnh tranh giữa các nước lớn không thể giải quyết được các vấn đề mà Trung Quốc, Mỹ và thế giới đang phải đối mặt.
Ông Stephen Olson, nhà nghiên cứu cấp cao tại Hinrich Foundation, tổ chức từ thiện có trụ sở ở châu Á, cho biết cả hai nước đều hy vọng rằng sẽ có thêm các khía cạnh hợp tác trong mối quan hệ của họ. Nhưng theo ông, họ cũng thừa nhận rằng những điểm xung đột cơ bản vẫn tồn tại và sẽ không biến mất chỉ sau một đêm.
“Chủ tịch Tập Cạn Bình đã nhiều lần bày tỏ quan điểm rằng Mỹ đang cố gắng đàn áp Trung Quốc. Không chắc là quan điểm của ông ấy đã thay đổi đáng kể”, nhà nghiên cứu này lập luận.
Về phần mình, Trợ lý Giáo sư Dylan Loh tại Phòng Chính sách công và Các vấn đề toàn cầu thuộc Đại học Công nghệ Nanyang cho biết, cuộc gặp đã giúp cả hai bên hiểu rõ hơn về lằn ranh đỏ của nhau. Điều đó sẽ dẫn đến mối quan hệ ít đối kháng và thù địch hơn.
Và có vẻ như Bắc Kinh cũng đang tìm cách giảm bớt giọng điệu gay gắt với Washington. Phát biểu với các nhà báo sau hội nghị thượng đỉnh, nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc Vương Nghị cho biết có hy vọng rằng hai nước có thể trở thành đối tác thay vì làm đối thủ, và hợp tác trên các lĩnh vực cùng quan tâm.
Ngoại trưởng Vương Nghị khẳng định: “Bằng cách này, tương lai của quan hệ Trung Quốc - Mỹ sẽ tươi sáng”.
Lập trường đó đã được Chủ tịch Tập Cận Bình nhắc lại trong bài phát biểu trước các doanh nhân tại buổi dạ tiệc vào tối cùng ngày. Trong giây tâm sự thẳng thắn, ông hồi tưởng lại khoảng thời gian ở Mỹ gần 4 thập kỷ trước, khi ông sống cùng một gia đình tại Iowa.
“Đó là cuộc gặp mặt trực tiếp đầu tiên của tôi với người dân Mỹ và đó là một trải nghiệm khó quên”, nhà lãnh đạo Trung Quốc chia sẻ. Ông nói thêm rằng mặc dù cả hai nước có thể có lịch sử, văn hóa và giá trị xã hội khác nhau, nhưng về cốt lõi, cả hai dân tộc đều tốt bụng, thân thiện, chăm chỉ và thực tế.
Chủ tịch Trung Quốc kết luận: “Cho dù tình hình (toàn cầu) có thay đổi như thế nào, logic lịch sử về sự chung sống hòa bình giữa Trung Quốc và Mỹ sẽ không thay đổi, mong muốn cơ bản của nhân dân hai nước về trao đổi và hợp tác sẽ không thay đổi, cũng như những kỳ vọng chung của người dân trên toàn thế giới về sự phát triển ổn định của quan hệ Trung-Mỹ sẽ không thay đổi”.