Ngoại giao đường sắt: Không chỉ là kết nối...
Pakistan, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ nối lại tuyến đường sắt container Islamabad-Tehran-Istanbul (ITI), mở ra nhiều hứa hẹn về phát triển quan hệ ngoại giao và lợi ích kinh tế.
Ngoại giao đường sắt trở thành một trong những hình thức ngoại giao phi truyền thống thú vị. Nhiều nước ưa chuộng cách thức hỗ trợ các ưu tiên kinh tế trong chính sách đối ngoại thông qua việc tạo ra mạng lưới đường sắt nhằm đạt được lợi ích kinh tế chung.
Sự quan tâm của các nước đối với ngoại giao đường sắt còn bởi các dấu hiệu địa kinh tế và địa chiến lược mà hình thức ngoại giao này mang lại. Đường sắt là một phương tiện giao thông đường bộ rất tiết kiệm, có thể đảm bảo các cơ hội kinh tế sau này.
Ngoại giao đường sắt không phải là một hiện tượng mới, trên thực tế đã được triển khai ở nhiều nơi trên thế giới, thúc đẩy hơn nữa các kết nối quốc tế và ngày càng trở thành một nhân tố quan trọng trong chính sách đối ngoại.
Gần đây, việc ba nước gồm Pakistan, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ nối lại tuyến đường sắt container Islamabad-Tehran-Istanbul (ITI) là ví dụ mới nhất về ngoại giao đường sắt.
Dịch vụ đường sắt container ITI khởi động từ năm 2009, nhưng đã bị tạm dừng vào năm 2011 do lũ lụt ở Pakistan. Quyết định khôi phục tuyến đường sắt này được đưa ra tại cuộc họp cấp bộ trưởng của Tổ chức Hợp tác kinh tế (ECO) vào năm 2020.
Mục đích của tuyến đường sắt ITI là tăng cường thương mại giữa ba nước thành viên sáng lập ECO là Thổ Nhĩ Kỳ, Pakistan và Iran. Hàng hóa vận chuyển bằng đường tàu chỉ mất 13 ngày, ít tốn kém và nhanh gấp 3 lần đường biển.
Nhờ ITI, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ có cơ hội tiếp cận Nam Á - nơi có mật độ dân số cao nhất trên toàn cầu. Theo đó, Pakistan cũng có thể tăng cường xuất khẩu với thị trường quốc tế, đặc biệt là châu Âu.
Với Iran, tuyến đường sắt ITI giúp nước này đối phó với lệnh cấm vận của Mỹ, bởi thay vì USD, các nước ECO trao đổi bằng đồng nội tệ.
Cùng với ITI, Iran gần đây đã ký kết thêm hành lang vận tải hàng hóa đường sắt với Kazakhstan, Turkmenistan (KTI). Động thái này được coi là sự thay đổi mới trong khu vực, tạo ra các thỏa thuận có lợi cho các doanh nhân và nhà công nghiệp của các nước ECO.
Trong cuộc nói chuyện với báo chí, Ngoại trưởng Pakistan Shah Mahmood Qureshi cho biết có thể khởi động thêm các đoàn tàu chở khách ITI trên cùng một tuyến đường với tàu container ITI, nhằm tăng cường kết nối khu vực và hội nhập kinh tế.
Pakistan, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ đã tham gia Sáng kiến vành đai và con đường (BRI) của Trung Quốc - một chương trình đầu tư và cơ sở hạ tầng trị giá hàng tỷ USD. Có nhiều khả năng Trung Quốc có thể tham gia ngoại giao đường sắt bằng cách kết nối với ITI.
Pakistan đang thảo luận với Trung Quốc về việc kết nối Islamabad với Kashgar (ở tỉnh Tân Cương) bằng đường sắt, thay thế cho Xa lộ Karakorum.
Trung Quốc cho rằng kết nối đường sắt là một trụ cột chính của BRI. Khả năng Bắc Kinh tham gia tuyến đường sắt ITI sẽ thúc đẩy hơn nữa kết nối BRI cũng như liên kết các nền kinh tế và cơ sở hạ tầng của các quốc gia trên khắp châu Á, châu Phi và châu Âu.
Trong tương lai, ngoại giao đường sắt có thể phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Tuyến đường sắt container ITI là một bước khởi đầu, sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc tăng cường kết nối khu vực và thúc đẩy hoạt động kinh tế và thương mại trong khu vực ECO.
(theo Modern Diplomacy)
Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/ngoai-giao-duong-sat-khong-chi-la-ket-noi-177259.html