Ngoại giao gấu trúc ở Thái Lan

Trong chuyến thăm Thái Lan mới đây của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, câu chuyện ngoại giao gấu trúc và thỏa thuận đẩy nhanh tiến độ dự án tuyến đường sắt kết nối Trung Quốc tới Thái Lan đã thu hút sự chú ý của dư luận.

Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin tiếp Ngoại trưởng Vương Nghị, ngày 29/1. (Nguồn: Chính phủ Thái Lan)

Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin tiếp Ngoại trưởng Vương Nghị, ngày 29/1. (Nguồn: Chính phủ Thái Lan)

Trong buổi tiếp Ngoại trưởng Vương Nghị ngày 29/1, Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin nói với vị khách quý đến từ quê hương của các chú gấu trúc nổi tiếng rằng, ông hy vọng Trung Quốc sẽ sớm gửi một đôi gấu trúc khác đến Thái Lan thay thế hai con mà Bắc Kinh gửi trước đó nhưng hiện không còn sống.

Ông Srettha cho biết, Ngoại trưởng Vương Nghị hoàn toàn ủng hộ đề nghị này bởi “những con gấu trúc là biểu tượng cho mối quan hệ song phương nồng ấm giữa hai nước đã tồn tại gần 50 năm” và rằng “Thái Lan không có gấu trúc, nhưng sự thiếu vắng nó không thực sự phản ánh mối quan hệ ngoại giao chặt chẽ giữa hai nước trong suốt những thập kỷ qua”.

Trước đó, vào năm 2003, Trung Quốc gửi hai chú gấu trúc tới vườn thú Chiang Mai theo một chương trình “cho thuê” giữa chính phủ hai nước. Ngay lập tức, hai chú gấu mũm mĩm với tư cách đại sứ thiện chí đã trở thành ngôi sao, thu hút sự chú ý đặc biệt của người dân Thái Lan. Tuy nhiên, chú gấu trúc đực có tên Chuang Chuang đột tử vào năm 2019 và bạn đời Lin Hui cũng qua đời vào năm 2022.

Thúc đẩy du lịch và kết nối

Ngoài chuyện gấu trúc, kết quả đạt được trong chuyến thăm của Ngoại trưởng Vương Nghị rất được chú ý. Việc hai bên ký kết thỏa thuận cho phép người mang hộ chiếu Thái Lan và Trung Quốc nhập cảnh miễn thị thực trong 30 ngày, có hiệu lực từ ngày 1/3. Thái Lan hy vọng thỏa thuận sẽ khuyến khích nhiều người Trung Quốc đến nước này, thúc đẩy ngành du lịch đang phải vật lộn để phục hồi sau đại dịch Covid-19.

Bên cạnh đó, hai bên nhất trí đẩy nhanh tiến độ xây dựng tuyến đường sắt cao tốc nối Trung Quốc đến Thái Lan qua Lào vốn bị trì hoãn từ lâu.

Hai bên không nêu rõ khung thời gian hoàn thành. Tuy nhiên, mới đây, chính phủ Thái Lan ước tính đoạn đường sắt ở phía Thái Lan dài 873km nằm trong tuyến đường sắt kết nối với Trung Quốc sẽ đi vào hoạt động năm 2028.

Đây là một dự án song phương thuộc khuôn khổ Sáng kiến Vành đai và con đường do Trung Quốc đề xuất, hướng tới xây dựng một mạng lưới đường sắt cao tốc nối liền thành phố Côn Minh thuộc phía Tây Nam Trung Quốc, đi qua Lào, Thái Lan cho đến tận phía nam Singapore.

Việc xây dựng tuyến đường này ở Thái Lan từng bị một số người coi là “bẫy tài chính” cộng thêm ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên đã bị trì hoãn. Trong khi đó, triển vọng của đoạn nối Bangkok với Malaysia và Singapore chưa rõ ràng sau khi Kuala Lumpur tạm dừng kế hoạch.

Gấu trúc được người dân Thái Lan yêu thích và gọi là những quả bóng lông đen trắng dễ thương. (Nguồn: Internet)

Gấu trúc được người dân Thái Lan yêu thích và gọi là những quả bóng lông đen trắng dễ thương. (Nguồn: Internet)

Sức mạnh “Kungfu Panda”

Quay lại với những chú gấu trúc mà người Thái đôi khi gọi là “những quả bóng lông đen trắng dễ thương”. Nhiều người cho rằng đề nghị mà Thủ tướng Srettha Thavisin đưa ra cùng với cam kết rằng Thái Lan có thể chăm sóc gấu trúc một lần nữa là tin tốt lành, nhất là hai bên sẽ kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao trong năm 2025.

Gấu trúc là một trong những loài quý hiếm và có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất trên thế giới. Ngoại giao gấu trúc là nỗ lực ngoại giao của Trung Quốc trong những thập kỷ gần đây. Trung Quốc đã gửi gấu trúc đến vườn thú của nhiều quốc gia như một cử chỉ thiện chí và trao đổi văn hóa. Tuy nhiên, từ năm 1984, Bắc Kinh đã thay đổi cách tiếp cận. Thay vì tặng gấu trúc làm quà ngoại giao, Trung Quốc áp dụng chiến lược mới: cho thuê gấu trúc trong vòng 10 năm với mức phí mỗi năm là 1 triệu USD. Ngoài ra, nếu có gấu trúc nào được sinh ra trong thời gian cho mượn, sẽ được coi là tài sản của Trung Quốc và phải trả lại nước này trong vòng bốn năm.

Năm 2001, trong chuyến thăm Trung Quốc của Tướng Chavalit Yongchaiyudh, khi đó là Phó Thủ tướng Thái Lan, đàm phán với Chủ tịch Giang Trạch Dân về việc nuôi gấu trúc như một biểu tượng bang giao chặt chẽ giữa hai nước. Sau đó hai năm, ngày 12/10/2003, Trung Quốc gửi cặp gấu trúc đầu tiên chính là Chuang Chuang và Lin Hui đến Thái Lan. Chúng được nuôi dưỡng tại vườn thú Chiang Mai như một phần của chương trình đại sứ thiện chí Thái - Trung trong thời gian 10 năm và có thể gia hạn.

Sự xuất hiện của cặp đôi Chuang Chuang và Lin Hui thu hút sự chú ý của người dân Thái Lan. Một buổi lễ chào đón hoành tráng đã được tổ chức dành cho hai “quả bóng tròn tròn màu đen trắng” đáng yêu này. Chuang Chuang và Lin Hui được ở trong một không gian rộng tới vài trăm mét, được thiết kế đặc biệt với một “sân khấu” để du khách có thể quan sát hai “ngôi sao”.

Chuang Chuang và Lin Hui còn xuất hiện trong chương trình Cơn sốt gấu trúc với hàng triệu người theo dõi các chương trình phát sóng trực tiếp suốt ngày đêm. Tính đến tháng 8/2022, hơn 7 triệu người đã đến thăm gấu trúc ở vườn thú Chiang Mai. Trước đó, câu chuyện một lần nữa gây chú ý khi có thông tin Lin Hui sinh một gấu trúc cái vào ngày 27/5/2009, được đặt tên là Lin Ping.

Theo thỏa thuận giữa hai bên, Lin Ping chỉ được ở lại Thái Lan khoảng bốn năm trước khi được đưa về Trung Quốc vào ngày 28/9/2013. Lin Ping được cho là có sức khỏe tốt và hiện đã trở thành mẹ. Thế nhưng, chương kết của câu chuyện về cặp đôi đại sứ thiện chí ở Thái Lan có một ngã rẽ buồn khi vào tối ngày 16/9/2019, Chuang Chuang, lúc này mới 19 tuổi, suy sụp và qua đời do suy tim. Sau đó, Lin Hui bắt đầu có dấu hiệu bệnh tật và qua đời vào ngày 18/4/2023 ở tuổi 21 cũng vì bệnh suy tim.

Kể từ đó, hai bên đã có những cuộc thảo luận về việc có thêm một cặp gấu trúc khác hay không nhưng vẫn chưa quyết định nào được đưa ra. Trong khi đó, cũng có những quan điểm khác nhau khi một bên cho rằng, chính phủ Thái Lan nên phân bổ nguồn lực để chăm sóc biểu tượng của đất nước, chính là những chú voi thay vì bỏ ra quá nhiều tiền để thuê gấu trúc. Tuy nhiên, những người ủng hộ ngoại giao gấu trúc thì cho rằng, việc không có gấu trúc, thiếu vắng các vị đại sứ thiện chí của Trung Quốc có thể “mất nhiều hơn được”. Họ cho rằng, ngoại giao gấu trúc đã trở thành một trong những công cụ đắc lực giúp Trung Quốc đẩy mạnh ngoại giao công chúng và gia tăng quyền lực mềm. Và vì thế, không chỉ Thái Lan, mà nhiều quốc gia vẫn tiếp tục muốn có gấu trúc, muốn có sự hiện diện của các vị “đại sứ thiện chí” từ Trung Quốc.

Theo thống kê của tạp chí Diplomat, gấu trúc đã xuất hiện tại hơn 25 sở thú trên khắp thế giới và có thể con số này còn tiếp tục gia tăng trong thời gian tới.

Đức Trí

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/ngoai-giao-gau-truc-o-thai-lan-261681.html