Ngoại giao hậu trường và thực tế chiến trường: Ukraine tại các cuộc họp của IMF

Giữa các cuộc tấn công của Nga và làn sóng ngoại giao tại Mỹ, Ukraine đối mặt thách thức kép: vừa đàm phán tài chính, vừa giữ vững chủ quyền. Câu chuyện từ IMF hé lộ mối quan hệ chồng chéo giữa chiến sự, tài chính quốc tế và vai trò trung gian của Tổng thống Trump.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy (trái) trong cuộc gặp Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế Kristalina Georgieva tại Washington D.C. ngày 11/12/2023. Ảnh: Reuters/TTXVN

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy (trái) trong cuộc gặp Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế Kristalina Georgieva tại Washington D.C. ngày 11/12/2023. Ảnh: Reuters/TTXVN

Giữa khung cảnh tráng lệ tại Washington D.C, phái đoàn Ukraine đã có mặt tại Hội nghị Mùa xuân của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (diễn ra vào cuối tháng 4 vừa qua) trong tâm trạng nặng trĩu. Theo báo Kyivindependent.com (Nga), trong khi họ tham gia các cuộc đàm phán và hội thảo, tin tức từ quê nhà thông báo Kiev vừa hứng chịu một cuộc tấn công từ Nga. Đây là hiện thực phũ phàng của Ukraine năm 2025 - quốc gia đang phải vừa theo đuổi hòa bình vừa chống chọi với xung đột.

Hai mũi nhọn ngoại giao

Đối với Ukraine, các cuộc họp tại IMF năm nay nằm trong bối cảnh của hai diễn biến quan trọng đan xen. Thứ nhất là thỏa thuận về khoáng sản chiến lược - một thỏa thuận có thể định hình tương lai kinh tế của Ukraine bằng cách gắn kết ngành tài nguyên của nước này vào phạm vi ảnh hưởng của Mỹ.

Thứ hai là các cuộc đàm phán đang diễn ra hướng tới một giải pháp hòa bình với Nga, trong đó Tổng thống Donald Trump đã tích cực đóng vai trò trung gian.

Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal đã bày tỏ sự lạc quan thận trọng về bản dự thảo mới nhất của thỏa thuận khoáng sản (được ký vào ngày 30/4). Ông cho biết văn bản này phù hợp hơn với các ưu tiên của cả Ukraine và EU, đặc biệt là việc viện trợ trước đây của phương Tây sẽ không được tính là nợ, và không có dòng doanh thu hiện tại nào của Ukraine sẽ bị chuyển hướng để tài trợ cho các dự án mới.

Bên cạnh đó, mối quan hệ giữa Mỹ và Ukraine đang ở giai đoạn phức tạp. Trong khi Tổng thống Donald Trump thể hiện quyết tâm chấm dứt giao tranh "bằng mọi giá", thì người dân Ukraine lại được cho là phải gánh chịu chi phí đó - điều họ hoàn toàn không mong muốn.

Tuy nhiên, một sự kiện bất ngờ đã tạo ra làn sóng hy vọng mới: cuộc gặp được tổ chức vội vã giữa Tổng thống Volodymyr Zelensky và ông Trump tại tang lễ của Giáo hoàng Francis, sau vụ tranh luận căng thẳng trước đó tại Nhà Trắng. Điều này đã thổi bùng hy vọng mới trong lòng nhiều người Ukraine.

Thách thức tài chính

Bộ trưởng Tài chính Ukraine Serhiy Marchenko cũng có mặt tại Washington D.C. với nhiệm vụ đảm bảo nguồn tài trợ bên ngoài cho năm 2026. Như thường lệ, IMF đề cao nhu cầu tạo ra doanh thu mạnh hơn và duy trì chính sách tài khóa có kỷ luật. Mặc dù rất cần thiết, nhưng những lời kêu gọi này đã trở thành một phần gần như mang tính nghi lễ trong cuộc đối thoại của Ukraine với các đối tác quốc tế.

Ngoài ra, mối lo ngại về khả năng trả nợ của Ukraine vẫn tiếp tục gia tăng, đe dọa thu hẹp không gian cho viện trợ bổ sung. Đúng như dự đoán, cả IMF và Ngân hàng Thế giới đều tiếp tục bày tỏ sự hoài nghi về việc tịch thu tài sản bị đóng băng của Nga để hỗ trợ Ukraine.

Trong bối cảnh các khoản tài trợ mới ngày càng khan hiếm và lo ngại về khả năng trả nợ hạn chế khả năng tiếp cận các khoản vay bổ sung, việc thúc đẩy nỗ lực tịch thu tài sản của Nga vẫn là nhiệm vụ quan trọng mà Ukraine không thể bỏ qua. Nhưng Kristalina Georgieva, Tổng giám đốc IMF, nhấn mạnh nhu cầu giữ bình tĩnh.

Với các quan chức Ukraine tham dự cuộc gặp tại Washington trên, dù các ý tưởng đã được chia sẻ và nhiều cơ hội được đưa ra thảo luận, không ít người tham dự vẫn thường xuyên kiểm tra điện thoại để theo dõi tin tức từ quê nhà. Hình ảnh ấy phản ánh rõ thực tế đầy phức tạp mà Ukraine đang phải đối mặt: một mặt tìm kiếm hòa bình và hỗ trợ kinh tế từ phương Tây, mặt khác vẫn phải gồng mình trước tiếng súng và nỗi đau mất mát không ngừng ở trong nước.

Tóm lại, với Ukraine, sự kiện lần này tại Mỹ không đơn thuần là nơi để phát biểu trước công chúng, mà quan trọng hơn là cơ hội để nước này tìm cách xoay xở trong một mê cung phức tạp của các liên minh, cuộc đàm phán và thỏa thuận hậu trường – tất cả diễn ra trong bối cảnh chiến sự vẫn đang tiếp diễn.

Vũ Thanh/Báo Tin tức và Dân tộc

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/ngoai-giao-hau-truong-va-thuc-te-chien-truong-ukraine-tai-cac-cuoc-hop-cua-imf-20250505201725846.htm