Ngoại giao khí hậu của Ấn Độ: Khẳng định vị thế dẫn đầu công nghệ xanh ở Nam bán cầu

Ngoại giao khí hậu của Ấn Độ nổi lên như học thuyết đối ngoại chiến lược, thể hiện thông qua những thành tựu lớn mà nước này gặt hái trên mặt trận đa phương và song phương.

Phát biểu tại hội nghị COP26 tại Scotland năm 2021, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tuyên bố ủng hộ các nỗ lực toàn cầu về chống biến đổi khí hậu, đồng thời cho biết New Delhi cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2070. (Nguồn: ENB)

Phát biểu tại hội nghị COP26 tại Scotland năm 2021, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tuyên bố ủng hộ các nỗ lực toàn cầu về chống biến đổi khí hậu, đồng thời cho biết New Delhi cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2070. (Nguồn: ENB)

Biến đổi khí hậu hiện là mối đe dọa hiện hữu với nhân loại, đây đồng thời là trọng tâm trong Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) của Liên hợp quốc (LHQ). Nếu không sớm hành động cải thiện khí hậu, nhân loại có ít hy vọng để đạt được bất kỳ mục tiêu SDG nào. Vì vậy, các nước ngày càng dành nhiều tập trung vào quan hệ đối tác về khí hậu, cả ở cấp độ song phương và đa phương, trong đó có Ấn Độ.

Khí hậu trở thành một phần quan trọng trong chính sách đối ngoại của New Delhi, vốn được sự ghi nhận lớn trên toàn cầu nhờ cam kết mạnh mẽ giải quyết rủi ro môi trường. Ngoại giao khí hậu của Ấn Độ nổi lên như học thuyết đối ngoại chiến lược, thể hiện thông qua những thành tựu lớn mà nước này gặt hái trên mặt trận đa phương và song phương.

Trên mặt trận đa phương, Ấn Độ đóng vai trò tiên phong dẫn dắt một số cơ chế nổi bật về giải quyết biến đổi khí hậu. Ra đời năm 2015, Liên minh năng lượng mặt trời quốc tế (ISA) do Ấn Độ, UAE và Pháp đồng sáng lập. Đây là liên minh gồm 124 quốc gia nhằm thúc đẩy ứng dụng năng lượng mặt trời và giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch. Đại hội lần thứ sáu của ISA tại New Delhi năm 2023 nâng cao dấu ấn và hình ảnh Ấn Độ trên trường quốc tế, đồng thời làm nổi bật vai trò của nước này trong thúc đẩy chương trình nghị sự về khí hậu.

Với ISA, ngoại giao khí hậu của Ấn Độ không chỉ tập trung vào chuyển đổi năng lượng, mà còn phản ánh chương trình nghị sự địa chính trị. Liên minh này củng cố sự can dự của Ấn Độ với các nước Nam bán cầu, khởi xướng nhiều dự án tận dụng năng lượng mặt trời trong các lĩnh vực nông nghiệp, chăm sóc sức khỏe và giáo dục.

Hơn nữa, Ấn Độ còn là nước chủ chốt trong Liên minh Cơ sở hạ tầng chống chịu thiên tai (CDRI), ra đời năm 2019 tại Hội nghị thượng đỉnh về hành động vì khí hậu của LHQ ở New York. Liên minh này đặt mục tiêu cải thiện khả năng phục hồi cơ sở hạ tầng, nhằm đáp ứng các rủi ro về khí hậu và thiên tai, từ đó góp phần đạt được SDG.

Trên mặt trận song phương, các sáng kiến khí hậu của Ấn Độ góp phần đáng kể vào hoạch định và triển khai chính sách đối ngoại. New Delhi đã ký kết nhiều thỏa thuận song phương với các nước với phương châm nêu cao tầm quan trọng của khí hậu bền vững. Quan hệ Ấn Độ-Đan Mạch là ví dụ điển hình cho sự thành công của hợp tác song phương vì khí hậu, trong đó hai nước nhất trí tăng cường hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược Xanh với trọng tâm là phát triển hydro xanh, năng lượng tái tạo và quản lý nước thải.

Đáng chú ý, Ấn Độ được đánh giá là quốc gia dẫn đầu về công nghệ ở Nam bán cầu. Tận dụng tiềm lực trong công nghệ mới nổi và hệ sinh thái đổi mới, chính quyền New Delhi đã và đang chuyển giao công nghệ sang các nền kinh tế đang phát triển ở châu Á, châu Phi và Mỹ Latinh, nhằm giúp đối tác ứng dụng tốt công nghệ xanh, thân thiện và bền vững với môi trường.

(theo The Sunday Guardian)

Xuân Sơn

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/ngoai-giao-khi-hau-cua-an-do-kha-ng-dinh-vi-the-dan-da-u-cong-nghe-xanh-o-nam-ban-ca-u-277052.html