Ngoại giao kinh tế: 'Cần câu' dẫn dòng thịnh vượng

Là tỉnh có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, ngoài số ít tiêu dùng nội địa thì thị trường chính của nông sản Bình Phước là xuất khẩu. Năm 2023, Bình Phước thuộc nhóm 20 tỉnh, thành phố có tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu cao nhất nước và thuộc nhóm 10 tỉnh, thành phố có tỷ trọng xuất siêu cao nhất. Để giữ vững và tiếp tục phát huy lợi thế này, theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng, Chủ tịch Công ty TNHH đào tạo lãnh đạo và dịch vụ phát triển bền vững (SDLT), cơ quan quản lý nhà nước cần 'chắp cánh' thêm cho doanh nghiệp (DN).

“Chắp cánh” cho doanh nghiệp bằng nhiều cách

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng mở đầu câu chuyện bằng việc nhắc lại chuyện xuất khẩu nông sản gặp không ít khó khăn do yêu cầu về tiêu chuẩn, chất lượng ngày càng cao của các thị trường nhập khẩu, đặc biệt là những thị trường cao cấp. Để hỗ trợ DN, cơ quan quản lý nhà nước cần tập trung vào việc cập nhật thông tin thị trường để kịp thời hướng dẫn DN đáp ứng nhu cầu xuất khẩu, tổ chức các lớp đào tạo toàn diện về quy trình sản xuất, bảo quản, chế biến theo các tiêu chuẩn mới; hỗ trợ lắp đặt hệ thống kiểm soát chất lượng tự động tại các nhà máy; hỗ trợ phát triển thương hiệu để quảng bá niêm yết sản phẩm tại các thị trường quốc tế và sàn thương mại điện tử... Đặc biệt, kết nối DN với đối tác, DN đầu mối ở nước ngoài sẽ giúp DN nắm bắt nhu cầu thị trường, khai thác tối đa các cơ hội và lợi thế xuất khẩu.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng khẳng định ngoại giao đóng vai trò “cần câu” hướng dẫn, mở đường cho kinh tế “dẫn dòng” phát triển, đạt được sự thịnh vượng

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng khẳng định ngoại giao đóng vai trò “cần câu” hướng dẫn, mở đường cho kinh tế “dẫn dòng” phát triển, đạt được sự thịnh vượng

Ngoại giao kinh tế đang trở thành “công cụ sống còn” trong thời đại toàn cầu hóa hiện nay, quyết định sự thịnh vượng và phát triển bền vững của mỗi địa phương, mỗi quốc gia.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng nhấn mạnh, cơ quan quản lý nhà nước có thể chắp cánh cho DN bằng nhiều cách, như: Miễn, giảm thuế xuất khẩu đối với một số mặt hàng nông sản. Hỗ trợ kinh phí tham gia hội chợ, triển lãm để quảng bá, tìm kiếm thị trường. Hỗ trợ lãi suất vay ngân hàng; hỗ trợ vốn đầu tư cho dự án xuất khẩu. Có chính sách ưu đãi về đất đai cho hợp tác xã, DN sản xuất tập trung. Đào tạo nghề, nâng cao trình độ chuyên môn cho lao động, trình độ quản trị cho DN.

Cùng với đó về kỹ thuật, chú ý nghiên cứu ứng dụng công nghệ mới; quản lý chất lượng; xây dựng cụm công nghiệp; kho lạnh, bến cảng phục vụ xuất khẩu và chú trọng nâng cấp thương hiệu DN.

Ngoại giao kinh tế quyết định sự thịnh vượng và phát triển bền vững

Trong giai đoạn hội nhập hiện nay, không chỉ ở tầm quốc gia mà với các địa phương, ngoại giao kinh tế đang trở thành động lực quan trọng trong việc thúc đẩy hợp tác quốc tế, mở rộng thị trường xuất khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài. Chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng chỉ ra, ngoại giao kinh tế sẽ giúp mở rộng thị trường xuất khẩu thông qua việc ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA), mở cửa thị trường. Thu hút đầu tư nước ngoài bằng cách quảng bá tiềm năng, ưu đãi đầu tư, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng. Thúc đẩy du lịch, thương mại, giao lưu văn hóa mang lại nguồn ngoại tệ quan trọng. Góp phần nâng cao uy tín quốc gia, vị thế của DN trên trường quốc tế, tạo lợi thế cạnh tranh.

Ngoại giao kinh tế sẽ giúp mở rộng thị trường xuất khẩu thông qua việc ký kết các hiệp định thương mại tự do. Trong ảnh: Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Lisheng (Việt Nam) Electronics, Khu công nghiệp Minh Hưng - Hàn Quốc, thị xã Chơn Thành - Ảnh:Phú Quý

Đối với tỉnh Bình Phước, chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng cho rằng, thông qua ngoại giao kinh tế sẽ tác động tích cực đến xuất khẩu nông sản của Bình Phước, đặc biệt là tham gia các FTA giúp nông sản Bình Phước có cơ hội xuất khẩu tốt hơn. Và thực tế, thị trường xuất khẩu chính của Bình Phước hiện nay là các nước có FTA với Việt Nam hoặc các nước có quan hệ thương mại phát triển, như Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Singapore, Trung Quốc, Campuchia...

Ngoại giao kinh tế phục vụ xuất khẩu nông sản

Bình Phước là tỉnh có tiềm năng và thế mạnh về phát triển nông nghiệp nên chuyên gia Nguyễn Hoàng Dũng nhấn mạnh ngoại giao kinh tế đóng vai trò hết sức quan trọng đối với việc thúc đẩy xuất khẩu nông sản của tỉnh. Nhiều năm nghiên cứu về kinh tế tỉnh Bình Phước, chuyên gia Nguyễn Hoàng Dũng cũng đã gợi mở một số giải pháp cần được nghiên cứu sâu hơn nữa để kích thích tăng trưởng xuất khẩu nông sản cho Bình Phước thông qua ngoại giao kinh tế.

Đó là, chủ động tham dự các hội nghị thượng đỉnh APEC (Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương), WEF (Diễn đàn hợp tác kinh tế thế giới), qua đó làm nổi bật vị thế và tiềm năng xuất khẩu của Bình Phước. Tích cực tham gia các diễn đàn về nông nghiệp để giới thiệu lợi thế nông sản… của tỉnh. Tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư, giao lưu với nhà đầu tư quốc tế trong và ngoài nước. Kết nối với cộng đồng DN, đối tác tiềm năng chia sẻ cơ hội đầu tư vào chế biến nông sản tại các khu công nghiệp. Hỗ trợ giới thiệu, tìm hiểu thị trường và DN để thúc đẩy hợp tác đầu tư cụ thể…

Là tỉnh đang phát triển trong vùng Đông Nam Bộ, với thế mạnh là sản xuất, chế biến nông sản chủ lực xuất khẩu, nên việc mở rộng thị trường có tầm quan trọng đặc biệt. Nhiều năm qua, tỉnh đã đẩy mạnh hỗ trợ DN tiếp cận và phát triển các thị trường chiến lược đối với những sản phẩm chủ yếu; phổ biến, cung cấp các thông tin liên quan đến yêu cầu về kỹ thuật, chính sách, các tiêu chuẩn, quy định, điều kiện của nước nhập khẩu… nhằm giúp DN chủ động trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Cùng với đó là hỗ trợ DN nâng cao năng lực cạnh tranh, tận dụng cơ hội từ các FTA đa phương, song phương mà Việt Nam tham gia với tư cách thành viên chính thức để thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm chủ yếu của tỉnh.

Trên hết, tỉnh Bình Phước cần có chiến lược đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao một cách bài bản, toàn diện và tập trung cho những sản phẩm chủ lực, đặc biệt là đào tạo đội ngũ lãnh đạo DN mới, đủ sức, đủ tầm dẫn dắt hệ thống DN phát triển đúng hướng và đạt hiệu quả tối ưu.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng

Với những nỗ lực không ngừng, bức tranh xuất khẩu của tỉnh Bình Phước hiện nay khá tươi sáng, tỉnh có hơn 1.000 DN xuất khẩu, sản phẩm xuất khẩu chính là điều, cao su, gỗ và nông sản khác… Tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng chủ yếu năm 2023 đạt 4 tỷ 180 triệu USD. Trong đó, sản phẩm hạt điều đạt 1 tỷ 180 triệu USD, cao su đạt 870 triệu USD, gỗ đạt 470 triệu USD, tiêu đạt 26 triệu USD, sản phẩm từ thịt gà đạt 9,5 triệu USD. Tính riêng hạt điều của tỉnh Bình Phước, đến nay, đã xuất khẩu đến 59 nước, khu vực và lãnh thổ.

Nam Phương

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/4/154113/ngoai-giao-kinh-te-can-cau-dan-dong-thinh-vuong