Ngoại giao nghị viện - Cầu nối bền vững trong quan hệ Việt Nam - Pháp

Nhân dịp Phó Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Thanh dẫn đầu đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam, tham dự Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Pháp ngữ (APF) lần thứ 50 tại thủ đô Paris, bà Anne Le Hénanff, Chủ tịch Nhóm hữu nghị Pháp - Việt Nam tại Quốc hội Pháp, đã chia sẻ với phóng viên TTXVN về quan hệ nghị viện Việt Nam - Pháp, đặc biệt trong bối cảnh quan hệ song phương đã được nâng cấp lên Đối tác chiến lược toàn diện.

Bà Anne Le Hénanff, Chủ tịch Nhóm hữu nghị Pháp - Việt Nam tại Quốc hội Pháp.

Bà Anne Le Hénanff, Chủ tịch Nhóm hữu nghị Pháp - Việt Nam tại Quốc hội Pháp.

Bà đánh giá như thế nào về tình hình quan hệ nghị viện Việt Nam - Pháp, đặc biệt trong bối cảnh quan hệ song phương đã được nâng tầm Đối tác chiến lược toàn diện?

Tổng thống Cộng hòa Pháp Emmanuel Macron và Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Tô Lâm, công bố thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Pháp vào tháng 10/2024 là một bước ngoặt quan trọng. Điều này thể hiện sự ghi nhận lẫn nhau về mức độ tin cậy, bền chặt và có chiều sâu trong hợp tác giữa hai nước.

Với tư cách là Chủ tịch Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Pháp - Việt tại Quốc hội Pháp, tôi có thể khẳng định rằng động lực này cũng được thể hiện rõ nét qua sự gia tăng các hoạt động trao đổi giữa hai nghị viện. Tại Pháp, ngày càng có sự quan tâm đặc biệt dành cho Việt Nam, thể hiện qua các chuyến thăm thường xuyên của các đoàn đại biểu, việc tổ chức các cuộc đối thoại chính trị và sự hỗ trợ lẫn nhau trong các tổ chức quốc tế, đặc biệt là trong khuôn khổ Liên minh Nghị viện Pháp ngữ mà tôi là thành viên.

Cam kết này đã được thể hiện một cách cụ thể. Tổng thống Emmanuel Macron đã thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 25 - 27/5 vừa qua cùng với một đoàn đại biểu cấp cao và nhiều bộ trưởng Pháp cũng đã có các chuyến thăm gần đây (về Giao thông, Chuyển đổi số, Ngoại thương...). Tại Quốc hội Pháp, chúng tôi cũng đã vinh dự đón tiếp Thủ tướng Việt Nam trong tháng trước. Chuyến thăm của bà Nguyễn Thị Thanh, Phó Chủ tịch Quốc hội Việt Nam, cũng nằm trong chuỗi hoạt động trao đổi cấp cao này. Những chuyến thăm đó cho thấy mong muốn chung của 2 bên trong việc tăng cường quan hệ đối tác và xây dựng các cầu nối bền vững giữa hai nước.

Xin bà chia sẻ về sự phối hợp giữa các Nhóm nghị sĩ hữu nghị Việt Nam - Pháp và Pháp - Việt Nam? Những sáng kiến hợp tác đáng chú ý giữa hai nhóm là gì và đâu là các lĩnh vực ưu tiên trong tương lai?

Mối quan hệ phối hợp giữa các Nhóm nghị sĩ hữu nghị Việt Nam - Pháp và Pháp - Việt Nam đang rất tốt đẹp và dựa trên tinh thần hợp tác chân thành. Cùng với Thượng nghị sĩ Alain Cadec, Chủ tịch Nhóm nghị sĩ hữu nghị Pháp - Việt tại Thượng viện, chúng tôi làm việc trong sự phối hợp chặt chẽ và cùng chia sẻ các mối quan tâm chung.

Kể từ khi tôi đảm nhận vai trò Chủ tịch nhóm vào năm 2022, tôi đã chứng kiến sự năng động trong quan hệ giữa hai nước. Chúng tôi đã có nhiều cơ hội đón tiếp các đại biểu Quốc hội Việt Nam tại Paris và tổ chức các buổi làm việc chung, đặc biệt là trong chuyến thăm của Tổng thống Emmanuel Macron tới Việt Nam mà tôi vinh dự được tham gia.

Có rất nhiều chủ đề, được hai bên cùng quan tâm và đối thoại, đang ngày càng đi vào chiều sâu ở các lĩnh vực hợp tác có lợi ích chung như: y tế, biến đổi khí hậu, văn hóa, phân quyền địa phương, năng lượng, Pháp ngữ…

Tôi cũng xin bày tỏ lòng cảm kích sâu sắc đối với vai trò quan trọng của bà Nguyễn Thúy Anh, người đồng cấp của tôi, Chủ tịch Nhóm nghị sĩ hữu nghị Việt Nam - Pháp, người đã có những đóng góp lớn trong việc thúc đẩy quan hệ giữa hai cơ quan lập pháp. Tôi rất mong muốn được tiếp tục hợp tác với bà trong thời gian tới. Vì vậy, tôi hy vọng rằng ngoại giao nghị viện sẽ tiếp tục phát huy vai trò thông qua các hoạt động trao đổi thường xuyên, thể hiện tình hữu nghị giữa hai dân tộc.

Tôi cũng rất vui mừng được đón tiếp đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam để cùng làm việc về những chủ đề chung. Nhân dịp này, sự hiện diện của bà Nguyễn Thị Thanh, Phó Chủ tịch Quốc hội Việt Nam, sẽ làm tăng thêm tầm quan trọng của các cuộc làm việc. Mục tiêu hiện nay là củng cố hơn nữa các hoạt động hợp tác xoay quanh những ưu tiên chung: thích ứng với biến đổi khí hậu, chuyển đổi số, hợp tác trong lĩnh vực y tế và khôi phục việc giảng dạy tiếng Pháp, lĩnh vực đang bị suy giảm rõ rệt tại Việt Nam. Đây là một xu hướng mà chúng tôi mong muốn đảo ngược.

Theo bà, đâu là những thách thức chính trong quan hệ nghị viện giữa hai nước và bà kỳ vọng gì trong những năm tới?

Thông qua các cuộc trao đổi thường xuyên với Nhóm nghị sĩ hữu nghị và hai vị đại sứ, ngài Olivier Brochet, Đại sứ Pháp tại Việt Nam và ngài Đinh Toàn Thắng, Đại sứ Việt Nam tại Pháp, tôi hoàn toàn ý thức được những thách thức lớn đang đặt ra đối với quan hệ Pháp - Việt.

Một trong những thách thức trung tâm là việc Pháp chưa phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu. Đây là một hiệp định được phía Việt Nam kỳ vọng rất nhiều. Hiệp định sẽ tạo ra một khuôn khổ pháp lý an toàn và minh bạch cho các doanh nghiệp châu Âu có nhu cầu đầu tư vào Việt Nam, trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam ngày càng mở cửa. Chuyến thăm của Tổng thống Pháp vào tháng 5 vừa qua cũng đã minh chứng rõ điều này: hơn 9 tỷ euro các dự án hợp tác đã được công bố trong các lĩnh vực trọng điểm như hàng không, năng lượng và đường sắt.

Việc EVIPA chính thức có hiệu lực sẽ góp phần củng cố đà hợp tác, đồng thời tăng cường sự hiện diện kinh tế của Pháp tại khu vực chiến lược này. Tôi đang tích cực vận động để đưa hiệp định này vào chương trình nghị sự của Quốc hội Pháp trong thời gian sớm nhất.

Ngoài lĩnh vực kinh tế, còn có nhiều vấn đề quan trọng khác trong đối thoại song phương, ví dụ như vấn đề đánh bắt cá ở Biển Đông, một chủ đề gây quan ngại chung cả về chủ quyền lẫn môi trường bền vững.

Pháp ngữ cũng là một trụ cột quan trọng trong hợp tác song phương, được chúng tôi đặc biệt coi trọng. Pháp ngữ hiện diện trong giáo dục, ngoại giao, văn hóa và là cầu nối mạnh mẽ giữa hai xã hội chúng ta.

Trong bối cảnh địa chính trị quốc tế nhiều biến động hiện nay và nhân dịp Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Pháp ngữ (APF) lần thứ 50 tại Paris, bà đánh giá vai trò của ngoại giao nghị viện trong việc thúc đẩy quan hệ Pháp - Việt như thế nào, nhất là trong các lĩnh vực như biến đổi khí hậu, chuyển đổi số và hợp tác kinh tế?

Trong bối cảnh địa chính trị hiện nay, tôi tin tưởng rằng ngoại giao nghị viện có vai trò then chốt, giúp thiết lập những mối quan hệ trực tiếp, mang tính nhân văn và bền vững. Trong các lĩnh vực trọng yếu như khí hậu, chuyển đổi số hay kinh tế, các nghị sĩ có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy chương trình nghị sự song phương. Họ có thể truyền tải các thông điệp chính trị mạnh mẽ, khuyến khích hợp tác chiến lược và ủng hộ việc phê chuẩn các hiệp định lớn, như EVIPA.

Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Pháp ngữ (APF) lần thứ 50, được tổ chức tại Paris, là một cơ hội tuyệt vời trong bối cảnh này. Sự kiện cho phép nâng cao tiếng nói của các quốc gia châu Á nói tiếng Pháp, trong đó Việt Nam là trụ cột tích cực và cam kết mạnh mẽ của cộng đồng Pháp ngữ khu vực.
Việc học tiếng Pháp đang sụt giảm đáng báo động tại Việt Nam và điều này cần một giải pháp chung. Việc hỗ trợ giáo dục song ngữ, đào tạo giáo viên và phát triển các chương trình trao đổi đại học là những đòn bẩy cần được tăng cường. Một lần nữa, các nghị sĩ có thể đóng vai trò dẫn dắt trong lĩnh vực này.

Sự kiện này cũng là dịp thuận lợi để tổ chức nhiều cuộc gặp song phương và quốc tế, xác minh mức độ hội tụ giữa các ưu tiên của chúng tôi với các đối tác và đưa ra các thông điệp chính trị rõ ràng vì một cộng đồng Pháp ngữ năng động, đa dạng và bao trùm.

Nhân dịp Phó Chủ tịch Quốc hội Việt Nam sang thăm Pháp, bà muốn gửi gắm thông điệp gì đến Quốc hội và nhân dân Việt Nam? Bà có kế hoạch sang thăm Việt Nam trong thời gian tới không?

Tôi xin gửi đến Quốc hội và nhân dân Việt Nam thông điệp về tình hữu nghị chân thành, sự tôn trọng sâu sắc và mong muốn tăng cường hợp tác. Chúng ta có một lịch sử chung lâu đời và giàu ý nghĩa.

Việc Pháp lần đầu tiên tham gia lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ vào tháng 5/2024, mà tôi có vinh dự tham dự cùng Bộ trưởng Quân đội Pháp, ông Sébastien Lecornu, là một biểu tượng cho mong muốn chung của hai nước trong việc xây dựng một mối quan hệ bền vững.

Tôi đã có chuyến công tác đến Việt Nam vào tháng 5 vừa qua cùng Tổng thống Pháp và tôi dự kiến sẽ trở lại vào năm 2026 để thăm miền Nam Việt Nam. Trong thời gian chờ đợi, tôi rất vui mừng được đón tiếp phái đoàn nghị sĩ Việt Nam, trong đó có bà Nguyễn Thị Thanh, Phó Chủ tịch Quốc hội Việt Nam, người mà tôi rất mong được gặp mặt. Chuyến thăm này đã được chờ đợi suốt 1 năm và bị hoãn lại do việc giải tán Quốc hội Pháp ngày 9/6/2024, vì vậy càng được kỳ vọng hơn nữa. Chúng tôi luôn chào đón các đại biểu Quốc hội Việt Nam tại Pháp và đặc biệt là tại Quốc hội.

Với khát vọng phát triển đã được Việt Nam công bố cho những năm sắp tới, với tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và tình hữu nghị bền chặt giữa hai nước, tôi tin tưởng triển vọng củng cố hơn nữa mối quan hệ song phương, điều mà tôi cam kết sẽ tiếp tục thúc đẩy trong vai trò Chủ tịch Nhóm nghị sĩ hữu nghị Pháp - Việt Nam.

Trân trọng cảm ơn bà.

Bài và ảnh: Nguyễn Thu Hà (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thoi-su/ngoai-giao-nghi-vien-cau-noi-ben-vung-trong-quan-he-viet-nam-phap-20250709105255833.htm