Ngoại giao văn hóa bằng điệu tuồng, trống trận Tây Sơn

DNVN – Khi những học giả quốc tế rời khỏi diễn đàn học thuật, họ bất ngờ 'lạc' vào thế giới nghệ thuật huyền ảo tại sân khấu ngoài trời của Trung tâm ICISE với tuồng, võ cổ truyền, trống trận Tây Sơn. Không lời thuyết minh, không cần phiên dịch. Chỉ có văn hóa cất lời, lặng lẽ mà sâu lắng.

Từ lâu, Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE - Quy Nhơn Nam, Gia Lai) được biết đến là điểm hẹn của trí tuệ nhân loại. Mỗi năm, nơi đây diễn ra hàng chục hội nghị quốc tế, quy tụ các nhà khoa học hàng đầu từ Mỹ, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc... thuộc nhiều lĩnh vực như vật lý, toán học, thiên văn, trí tuệ nhân tạo.

GS Duncan Haldane – chủ nhân giải Nobel Vật lý 2016, lưu lại khoảnh khắc “rất lạ, hùng tráng và đầy cảm xúc” của nghệ thuật tuồng.

GS Duncan Haldane – chủ nhân giải Nobel Vật lý 2016, lưu lại khoảnh khắc “rất lạ, hùng tráng và đầy cảm xúc” của nghệ thuật tuồng.

Nhưng ICISE không chỉ có học thuật. Ở đó, còn có một “ngôn ngữ khác” âm thầm cất tiếng, đó là ngôn ngữ của văn hóa. Không rầm rộ, không khoa trương, mà là những buổi biểu diễn nghệ thuật truyền thống được lồng ghép tinh tế vào chương trình hội nghị. Chính những “điểm chạm” ấy đã khiến trái tim các học giả quốc tế bồi hồi.

Một đêm tháng 7, gió biển thổi nhẹ giữa sân khấu ngoài trời của Trung tâm ICISE. Khi ánh đèn bật sáng, những nghệ sĩ tuồng bước ra, mặt hóa trang, phục trang rực rỡ, bộ pháp uy nghi, giọng hát vang vọng. Trong tiếng trống dồn dập và từng động tác mạnh mẽ, nghệ thuật tuồng cổ Bình Định bất ngờ cất lời giữa không gian học thuật, không cần giới thiệu, không cần thuyết minh.

GS Duncan Haldane – chủ nhân giải Nobel Vật lý 2016, ngồi lặng người dõi theo từng chuyển động của nghệ sĩ tuồng. Ông rút điện thoại ra ghi hình, không phải để lưu lại một tiết mục, mà để giữ lấy khoảnh khắc “rất lạ, hùng tráng và đầy cảm xúc”.

Ban đầu, ông tưởng mình đang xem một vở Kinh kịch hay Côn khúc Trung Hoa. Nhưng càng theo dõi, ông càng nhận ra: “Đây không phải là thứ tôi từng biết. Các bạn có một bản sắc độc đáo, đặc biệt và đầy tự hào”.

Giới thiệu võ cổ truyền Bình Định - Việt Nam đến bạn bè năm châu.

Giới thiệu võ cổ truyền Bình Định - Việt Nam đến bạn bè năm châu.

Không riêng GS Haldane, nhiều học giả đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore cũng ngạc nhiên và thích thú. Một giáo sư người Nhật nói khẽ: “Tôi tưởng mình đang chứng kiến một nghi lễ cổ xưa”.

Không khí ấy không phải là ngẫu nhiên. Đó là cách mà ICISE lựa chọn để kể một câu chuyện khác, câu chuyện của văn hóa địa phương. Tuồng, võ cổ truyền, trống trận Tây Sơn – những giá trị tưởng chừng chỉ dành cho sân khấu trong nước, bỗng trở thành ngôn ngữ ngoại giao mềm giữa lòng một trung tâm học thuật quốc tế.

Không còn là tiết mục biểu diễn đơn thuần. Đó là tâm hồn, là lịch sử sống, là khí phách của miền đất võ Bình Định, nay đã hòa vào tỉnh Gia Lai. Những tiết mục ấy khiến người xem không chỉ thấy hay, mà còn thấy “thật”. Thật đến mức không cần hiểu từng câu hát, từng thế võ, họ vẫn cảm nhận được hào khí và lòng tự hào dân tộc từ sâu trong biểu cảm, âm thanh và ngôn ngữ chuyển động của người nghệ sĩ.

ICISE không đơn thuần là một trung tâm hội nghị. Đó là một “ngôi nhà văn hóa học thuật”, nơi từng chi tiết, từ kiến trúc, không gian cho đến cách tổ chức sự kiện, đều toát lên tinh thần Việt Nam: mộc mạc, sâu lắng, không ràng buộc mà vẫn đầy bản lĩnh.

Các nhà khoa học và học sinh quốc tế mãn nhãn với màn biểu diễn trống trận Tây Sơn.

Các nhà khoa học và học sinh quốc tế mãn nhãn với màn biểu diễn trống trận Tây Sơn.

Ban ngày là những phiên thảo luận trí tuệ. Ban đêm là thời khắc văn hóa lên tiếng. Một cách nhẹ nhàng nhưng hiệu quả, ICISE đã biến mỗi hội nghị khoa học thành một cuộc gặp gỡ, giao lưu văn hóa, mỗi cuộc trò chuyện thành một nhịp cầu kết nối giữa Việt Nam và trái tim bạn bè năm châu.

Trong thời đại mà giá trị của một quốc gia không chỉ đo bằng công nghệ hay GDP, mà còn đo bằng cả chiều sâu và bản sắc văn hóa, thì những gì đang diễn ra tại ICISE thực sự đáng quý. Đó là minh chứng sống động cho một hình thức ngoại giao không lời, nơi bản sắc truyền thống cất tiếng. Và thế giới đón lấy khoảnh khắc ấy một cách nhẹ nhàng, đầy cảm mến.

Minh Thảo

Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/tin-tuc/ngoai-giao-van-hoa-bang-dieu-tuong-trong-tran-tay-son/20250706105122400