Ngoài kỹ năng, người trẻ cần trang bị thêm gì để thành công?
Tại Hội thảo 'Thành công trong tương lai, không dừng ở kỹ năng', chia sẻ của các cựu sinh viên đã từng trải nghiệm nền giáo dục New Zealand đã mang đến cái nhìn trực quan về hành trang người trẻ cần chuẩn bị để thích ứng với tương lai.
Kỹ năng công nghệ, thái độ tích cực và chủ động không ngừng học hỏi
Từng xuất sắc nhận được Học bổng Chính phủ New Zealand năm 2015 và theo học bậc thạc sỹ chuyên ngành Tài chính tại Đại học Massey, anh Trần Minh Duy hiện đang giữ chức vụ Phụ trách Khu vực, Giám đốc Điều hành Infinity Blockchain Ventures (Malaysia). Với xuất phát điểm là ngành tài chính - ngân hàng sau đó rẽ hướng sang lĩnh vực công nghệ, anh Minh Duy cho biết: “Blockchain (công nghệ chuỗi khối) đang là nhân tố hàng đầu của công nghiệp 4.0 và chính những công ty công nghệ đang tạo ra những sản phẩm, cũng như sức ép bắt buộc ngành tài chính phải thay đổi tư duy truyền thống, con người và bộ máy bên trong của họ”. Qua đó, anh cũng dành lời khuyên đến những bạn trẻ chưa đi làm hãy tận dụng cơ hội trang bị kiến thức, kỹ năng quan trọng để thích ứng với ngành nghề, lĩnh vực mà mình sẽ theo đuổi.
Ở góc độ nhà tuyển dụng, anh Minh Duy đề cao sự chủ động của ứng viên như cách nền giáo dục New Zealand đang hướng tới. Trước sự đổi mới nhanh chóng của công nghiệp 4.0, một ứng viên sẽ được đánh giá cao khi hội đủ sự tự mày mò về kiến thức, khả năng thích ứng tốt với môi trường và thái độ tích cực khi tiếp nhận công việc.
Trang bị tư duy toàn cầu, tôn trọng văn hóa bản địa
Theo đuổi lĩnh vực văn hóa, đặc biệt là văn hóa TP.HCM - Nam Bộ với vai trò Quản lý Dự án tại công ty Green Horizon, chị Lê Kim An Nhiên đã chia sẻ góc nhìn một cựu du học sinh ngành Truyền thông Quốc tế và hiện đang thực hiện các dự án cộng đồng - xã hội.
Khoảng thời gian theo học tại New Zealand, được tiếp xúc với văn hóa Maori từ những ngày đầu nhập học thông qua lễ chào đón tại nhà truyền thống, chị An Nhiên nhận ra một trong những chìa khóa giúp quốc gia này phát triển chính là ngoài việc chạy theo những cái mới, họ rất trân trọng giá trị truyền thống. Qua đó chị cũng nhấn mạnh sự thấu hiểu về nguồn gốc xuất xứ, bản sắc văn hóa để giới thiệu ra thế giới chính là cốt lõi của việc hội nhập toàn cầu. Bên cạnh đó mỗi cá nhân cũng nên trau dồi kiến thức, “không ngừng đặt câu hỏi” để phát triển tư duy và đặc biệt luôn tôn trọng, chấp nhận sự khác biệt của từng nền văn hóa.
Một điều đặc biệt được An Nhiên bật mí chính là trong thời gian theo học Thạc sĩ tại New Zealand, chị được dẫn con theo cùng để thụ hưởng nền giáo dục tiên tiến tại xứ sở Kiwi. Qua quá trình con tiếp nhận kiến thức cũng giúp chị nhận ra phương pháp dạy tối ưu, xem trọng nhận thức toàn cầu hóa tại đây: bé được học nhiều ngôn ngữ ngay từ nhỏ, tiếp xúc với tiếng Maori và trải nghiệm những giờ học vừa viết, vừa vẽ thú vị…
An Nhiên nhấn mạnh rằng, chính quan điểm chỉ có “đúng và chưa đúng”, loại bỏ khái niệm “sai” hà khắc đã khiến New Zealand trở thành nền giáo dục hàng đầu thế giới. Bên cạnh đó, trong suốt qua trình học chị cũng được dịp tham gia nhiều hoạt động tình nguyện và được khám phá văn hóa cũng như cọ sát thực tế bằng chính dự án lên kế hoạch truyền thông cho trường. Chị cũng dành lời khuyên đến các bạn sẽ hãy năng nổ trải nghiệm nhiều hơn, nhìn lại mình nhiều hơn để thêm trau dồi bản thân.
Xây dựng kỹ năng sáng tạo và tư duy phản biện
Nắm giữ vị trí Quản lý Phát triển thị trường Đông Nam Á tại công ty EcoStore - một trong những doanh nghiệp hàng đầu New Zealand phát triển ngành tiêu dùng xanh với những sản phẩm thân thiện với sức khỏe và môi trường, anh Ngô Duy Quang đề cao kỹ năng sáng tạo và tư duy phản biện trong việc thích nghi với sự thay đổi của xã hội ở thời đại công nghiệp 4.0. Bên cạnh đó, theo anh mỗi cá nhân cần hiểu rõ bản thân để chọn cho mình một mảng phù hợp phát triển. Vì chỉ khi thấu hiểu bản thân, bạn sẽ nhận ra mình còn thiếu điều gì để tiếp tục trau dồi và chọn được nơi có thể tập trung phát huy tối đa năng lực.
Về kinh nghiệm bản thân, hai kỹ năng sáng tạo và tư duy phản biện đã giúp anh Duy Quang làm việc hiệu quả và cải thiện tối đa chất lượng công việc. Anh cho biết đó cũng là một đặc tính tiêu biểu của các doanh nghiệp New Zealand khi chỉ với tiềm lực nhân sự nhỏ nhưng công ty vẫn có thể tối ưu nguồn lực để mang sản phẩm đến nhiều nơi trên thế giới.
Chia sẻ về cơ duyên làm việc ở công ty hiện tại, anh Duy Quang cho biết chính nhờ hội thảo do trường Đại học Auckland tổ chức để kết nối sinh viên với doanh nghiệp mà anh có cơ hội được tiếp cận với EcoStore, từ đó tìm hiểu và quyết định đầu quân cho công ty này. Quá trình học tại đây anh cũng được dịp cùng các sinh viên ở nhiều chuyên ngành khác nhau tham gia dự án thực tế “đặt hàng” bởi cảng Auckland với “đề bài” làm sao để mở rộng quy mô cảng mà không tổn hại đến môi trường. Đó cũng là dịp để anh vận dụng kiến thức và nâng cao khả năng làm việc nhóm theo đúng tiêu chuẩn giáo dục New Zealand.
New Zealand là quốc gia nói tiếng Anh dẫn đầu thế giới trong bảng xếp hạng Chuẩn bị kỹ năng tương lai trong hai năm liên tiếp (2017-2018) do tổ chức quốc tế The Economist Intelligence Unit (EIU) bình chọn. Tham khảo thêm tại: https://www.studyinnewzealand.govt.nz