Ngoài nắng, cát và Bali, Indonesia tập trung vào 5 điểm đến 'siêu ưu tiên' mới
Năm điểm đến này là: Hồ Toba ở Bắc Sumatra, Borobudur ở Trung Java, Mandalika ở Lombok, Labuan Bajo ở Đông Nusa Tenggara và Likupang ở Bắc Sulawesi, theo CNA.
Ông Sandiaga Uno, Bộ trưởng Bộ Du lịch và Kinh tế Sáng tạo của Indonesia cho biết, Indonesia muốn ngành du lịch nước này không chỉ có ánh nắng, những bãi cát, phong cảnh biển và điểm đến nổi tiếng Bali, thay vào đó sẽ là 5 điểm đến "siêu ưu tiên" mới. Đây là thông điệp được ông Uno chia sẻ với CNA hôm thứ Ba (29/11) bên lề hội nghị thượng đỉnh toàn cầu thường niên của Hội đồng Du lịch và Lữ hành Thế giới tại Riyadh, Saudi Arabia.
Trong khi nhiều du khách nước ngoài đến thăm Indonesia vì Bali, cũng đang có nhiều người chọn ở lại và xem các điểm đến khác cũng như trải nghiệm các hoạt động khác, ông nói.
Ông Uno nói: "Vì vậy, chúng tôi không chỉ tập trung vào mặt trời, biển và cát – ba chữ S đã giúp chúng tôi nổi tiếng, mà chúng tôi đang bổ sung thêm trải nghiệm sự thư giãn, bền vững và tâm linh."
"(Chúng tôi có) năm điểm đến siêu ưu tiên sẵn sàng đón khách du lịch nước ngoài, mỗi điểm đến đều có những trải nghiệm và kỷ niệm riêng," ông nói thêm.
Năm điểm đến này là: Hồ Toba ở Bắc Sumatra, Borobudur ở Trung Java, Mandalika ở Lombok, Labuan Bajo ở Đông Nusa Tenggara và Likupang ở Bắc Sulawesi.
Hồ Toba là hồ núi lửa lớn nhất thế giới; Borobudur là ngôi chùa Phật giáo nằm trong danh sách di sản của Unesco; Labuan Bajo là quê hương của Rồng Komodo; Mandalika và Likupang nổi tiếng với những bãi biển hoang sơ.
Ngoài 5 điểm đến này, ông Uno cho biết Indonesia còn 5 điểm đến nữa đang được nghiên cứu: Belitung, Tanjung Lesung, Morotai, Wakatobi và Raja Ampat.
Phục hồi chậm nhưng du lịch đang đi đúng hướng
Ông Uno cho biết, trong khi lượng khách nước ngoài đang tăng dần, thì sự phục hồi còn chậm, với số lượng hiện nay chỉ bằng khoảng 25% so với mức trước đại dịch.
Indonesia hy vọng sẽ thu hút khoảng 4 triệu du khách trong năm nay. Con số này thấp hơn đáng kể so với năm 2019, khi họ đón 16,1 triệu khách du lịch nước ngoài, theo hãng tin địa phương Jakarta Post.
Hội nghị thượng đỉnh G20 được tổ chức tại Bali hai tuần trước đã mang lại cho quốc gia này một sự thúc đẩy rất cần thiết về doanh thu du lịch.
Bộ trưởng Uno cho biết nền kinh tế của Bali đã tăng trưởng 8,1% trong khoảng thời gian từ tháng 7 đến tháng 9 so với cùng kỳ năm ngoái, được hỗ trợ phần nào từ các sự kiện dẫn đến hội nghị thượng đỉnh.
"Chúng ta đang ghi nhận sự phục hồi khá đáng kể và đây là một tin rất tốt vì trong đại dịch, chúng ta đã mất hơn 1 triệu việc làm. Vì vậy, năm nay, thật tuyệt khi thấy các hoạt động kinh tế hoạt động trở lại và chúng tôi đang đi đúng hướng để tạo ra 1,1 triệu việc làm chất lượng cao trong năm nay," ông nói.
Indonesia đặt mục tiêu tạo ra 4,4 triệu việc làm trong lĩnh vực du lịch vào năm 2024.
Du lịch nội địa đầy khả quan
Ông Uno cũng cho biết, đặc biệt du lịch nội địa Indonesia đã hoạt động rất tốt trong năm nay, với số lượng khách vượt xa mức trước đại dịch.
Mặc dù du khách trong nước chi tiêu ít hơn so với du khách nước ngoài, ông Uno nói rằng du lịch nội địa vẫn là xương sống của ngành và có thể được tin cậy trong thời kỳ suy thoái toàn cầu.
Ông nói thêm rằng nước này hy vọng sẽ đạt khoảng 800 triệu lượt khách du lịch nội địa trong năm nay và đặt mục tiêu 1,4 tỷ lượt cho năm tới.
"Khách du lịch trong nước với số lượng và tần suất di chuyển trong những năm qua là rất đáng chú ý. Đây là điều mà chúng tôi đang tính đến trong năm tới để đảm bảo rằng chúng tôi có thể dự đoán và giảm thiểu tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu cũng như lạm phát," ông nói.
Du khách nước ngoài đang thay đổi
Mặc dù lượng khách du lịch nước ngoài tăng chậm, ông Uno lưu ý rằng hành vi của khách du lịch đã thay đổi đáng kể.
Thời gian lưu trú tăng nhiều - từ hai đến ba ngày trước đây lên trung bình khoảng bảy đến 14 ngày hiện nay, ông nói.
Ông Uno cho biết thêm, chi tiêu của khách du lịch cũng đã tăng vọt – từ mức trước đại dịch khoảng 1.000 USD đến 1.100 USD/người lên gần gấp ba số tiền đó hiện nay.
Điều này đã giúp Indonesia vượt qua mục tiêu doanh thu 1,7 tỷ USD cho ngành du lịch trong năm nay. Ông Uno cho biết Indonesia đã đạt doanh thu du lịch 4,3 tỷ USD chỉ trong 9 tháng đầu năm.
Thúc đẩy du lịch bền vững
Ông Uno cho biết Indonesia đang tập trung vào tính bền vững như một nội dung của chiến lược phục hồi ngành du lịch sau đại dịch, hướng tới giải quyết tình trạng thất thoát và lãng phí lương thực, cũng như bù đắp lượng khí thải carbon của ngành này.
Ông cho biết các khách sạn, nhà hàng và những đơn vị khác trong lĩnh vực du lịch sẽ được khuyến khích tăng cường chuỗi cung ứng tại địa phương.
Ngành du lịch đang chiếm khoảng 8% lượng khí thải carbon của thế giới và ông Uno nói rằng Indonesia cam kết mạnh mẽ với việc cắt giảm một nửa con số đó vào năm 2035 và đạt mức 0% vào năm 2045.
Ông nói, một số giải pháp là trồng thêm cây ngập mặn và khuyến khích du lịch xanh.
"Mỗi điểm đến cần phải xây dựng chiến lược để thông báo với thị trường rằng chúng tôi là một điểm đến bền vững. Sẽ có những loại hình du lịch mới được địa phương hóa, cá nhân hóa, với quy mô nhỏ hơn nhưng phục vụ đa dạng hơn nhu cầu của khách," ông nói.
Mặc dù suy thoái kinh tế toàn cầu đang rình rập, Bộ trưởng Uno nói rằng triển vọng của ngành du lịch vẫn tích cực.
Ông Uno cho biết: "Chúng tôi đang ghi nhận những con số mạnh mẽ và trong năm tới, ngay cả khi có lạm phát và những bất ổn về suy thoái toàn cầu. Chúng tôi tự tin và lạc quan rằng sẽ tăng gấp đôi những con số mà chúng tôi báo cáo trong năm nay"./.