Ngoài Nga và Iran, đây là quốc gia mà Niger hướng tới sau khi quay lưng với phương Tây

Ngày 17/7, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan dẫn đầu phái đoàn nước này đã tới Niger để trao đổi về giải pháp tăng cường hợp tác quân sự với quốc gia Tây Phi.

Phái đoàn Thổ Nhĩ Kỳ (trái) làm việc với các quan chức trong chính quyền quân sự Niger ngày 17/7 ở thủ đô Niamey. (Nguồn: Anadolu)

Phái đoàn Thổ Nhĩ Kỳ (trái) làm việc với các quan chức trong chính quyền quân sự Niger ngày 17/7 ở thủ đô Niamey. (Nguồn: Anadolu)

Tờ báo Daily Sabah đưa tin, phái đoàn Thổ Nhĩ Kỳ - có sự góp mặt của các bộ trưởng quốc phòng, năng lượng và người đứng đầu cơ quan tình báo - đã được Tướng Abdourahamane Tiani, người nắm quyền lãnh đạo Niger sau cuộc đảo chính gần 1 năm trước, tiếp đón.

Phát biểu trước báo giới, Ngoại trưởng Fidan thông báo: “Chúng tôi đã thảo luận với Niger về những gì có thể tiến hành để cải thiện ngành công nghiệp quốc phòng và tình báo như một phần của cuộc chiến chống khủng bố - nguồn gốc chính gây bất ổn ở Sahel”.

Ông khẳng định, hòa bình, an ninh và ổn định ở châu Phi là một trong những ưu tiên của Thổ Nhĩ Kỳ.

Về phần mình, Thủ tướng Niger Ali Mahaman Lamine Zeine hoan nghênh sự năng động trong hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ, đặc biệt là lĩnh vực quốc phòng.

Ông chia sẻ: “Thách thức an ninh đặt ra đòi hỏi chúng tôi phải có tất cả các phương tiện cần thiết để đảm bảo khả năng phòng thủ và chúng tôi biết rằng các bạn có thể đáp ứng nhu cầu này”.

Trước đó, ngày 16/7, các nguồn tin ngoại giao hôm cho biết, hai bên sẽ thảo luận về quan hệ chính trị và kinh tế song phương, những diễn biến hiện tại ở khu vực Sahel và các vấn đề khu vực, bao gồm xung đột Israel-Palestine.

Thổ Nhĩ Kỳ đang tham gia vào Sáng kiến châu Phi và Tổng thống nước này Recep Tayyip Erdoğan luôn nhấn mạnh rằng, sự hiện diện của Ankara ở châu lục này dựa trên “cách tiếp cận cùng có lợi”.

Quan hệ kinh tế, chính trị và quân sự giữa Ankara và Niamey vẫn tiếp tục sau khi chính quyền quân sự lên quản lý Niger.

Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những đối tác được chính quyền quân sự Niger hướng đến, cùng với Nga và Iran sau khi chính quyền này điều chỉnh các mối quan hệ quốc tế, trong đó có quyết định kết thúc sự hiện diện của các binh sĩ Pháp và Mỹ, vốn được triển khai để phục vụ chiến dịch chống thánh chiến.

Đức, một quốc gia phương Tây khác, cũng tuyên bố sẽ chấm dứt hợp tác quân sự do thiếu độ tin cậy trong quan hệ với chính quyền Niger.

Bảo Minh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/ngoai-nga-va-iran-day-la-quoc-gia-ma-niger-huong-toi-sau-khi-quay-lung-voi-phuong-tay-279119.html