Ngoại trưởng Canada thăm Trung Quốc sau 7 năm: Bước đi phá băng

Ngoại trưởng Canada Melanie Joly đã tới Bắc Kinh trong khuôn khổ chuyến thăm Trung Quốc từ ngày 18-20.7, theo lời mời của người đồng cấp Vương Nghị. Đây được coi là nỗ lực của hai nước với hy vọng sẽ giúp làm tan băng mối quan hệ vốn đã trở nên lạnh giá nhiều năm qua.

“Bước tiến lớn đúng hướng”

Ngày 18.7, truyền thông Canada đưa tin, Ngoại trưởng nước này Melanie Joly đang có mặt ở Bắc Kinh trong chuyến thăm không báo trước, nhằm hàn gắn mối quan hệ giữa hai bên. Đây là chuyến thăm Bắc Kinh đầu tiên của một ngoại trưởng Canada trong gần 7 năm qua và bà Joly cũng là quan chức cấp cao nhất của Canada đến thăm Trung Quốc kể từ năm 2017. Kể từ khi nhậm chức hồi năm 2021, bà Joly chưa tới Trung Quốc song đã gặp ông Vương Nghị vào tháng 2 năm nay bên lề Hội nghị An ninh Munich ở Đức.

Trong một tuyên bố bằng văn bản, bà Joly cho biết, động thái này là mục tiêu ứng phó với bối cảnh địa chính ngày càng phức tạp. "Canada muốn tăng cường hợp tác thực tế với nhiều quốc gia khác nhau để mang lại lợi ích quốc gia và duy trì các giá trị của chúng tôi", tuyên bố của bà nêu rõ.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã thông báo về chuyến thăm tại cuộc họp báo sáng 18.7 tại Bắc Kinh. Thông báo cho biết, Ngoại trưởng Canada Joly sẽ đến vào buổi tối cùng ngày và chuyến thăm kéo dài 3 ngày nhưng không nêu rõ các chủ đề cụ thể mà bà sẽ nêu với người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị.

Ngoại trưởng Canada Melanie Joly và người đồng cấp Vương Nghị gặp gỡ bên lề Hội nghị An ninh Munich vào tháng 2.2024. Ảnh: CBC

Ngoại trưởng Canada Melanie Joly và người đồng cấp Vương Nghị gặp gỡ bên lề Hội nghị An ninh Munich vào tháng 2.2024. Ảnh: CBC

Thông báo chính thức của Bộ Ngoại giao cho biết: "Hai bên sẽ trao đổi sâu rộng về quan hệ Trung Quốc - Canada và các vấn đề cùng quan tâm, đồng thời nỗ lực cải thiện và phát triển mối quan hệ song phương".

Trong khi đó, theo Bộ ngoại giao Canada, trong chuyến thăm, các ngoại trưởng của hai nước dự kiến có cuộc gặp vào ngày 19.7 để thảo luận về các vấn đề an ninh toàn cầu và khu vực cũng như “những cách thức có thể có trong hợp tác để giải quyết thách thức chung”.

Một quan chức cấp cao của chính phủ Canada nói với CBC News rằng, cuộc gặp giữa hai "tư lệnh" ngành ngoại giao là "bước tiến lớn đúng hướng" và "quan trọng" nhằm mục đích hàn gắn mối quan hệ đang xấu đi giữa hai nước.

Những lợi ích kinh tế - thương mại

Chuyến thăm được lên kế hoạch vội vã này diễn ra sau sự thay đổi của Bắc Kinh từ đầu năm nay. Trung Quốc đã thúc giục Canada làm việc theo các ưu tiên chung và gạt bỏ những bất đồng sau nhiều năm căng thẳng ngoại giao. Quan hệ Ottawa - Bắc Kinh trở nên lạnh giá từ cuối năm 2018 sau khi Giám đốc điều hành Huawei Mạnh Vãn Châu bị bắt giữ ở Canada và vụ bắt giam 2 người Canada ở Trung Quốc để trả đũa. Cả ba người trên hiện đều đã được trả tự do.

Giáo sư Jeremy Paltiel của Đại học Carleton cho biết, nhiều nhà quan sát có ấn tượng rằng Joly đang thúc đẩy chuyến thăm Trung Quốc trong ít nhất một năm qua, xét đến việc bà liên tục phát biểu về ngoại giao thực dụng và hợp tác với các quốc gia bất chấp những bất đồng sâu sắc.

Ông cho biết, chuyến thăm này có vẻ được lên kế hoạch vội vàng, khi trước đó bà Joly thông báo về chuyến đi tới Hàn Quốc nhưng không đề cập đến việc bà sẽ tới Trung Quốc sau đó. Sau chuyến thăm Bắc Kinh, bà Joly sẽ tiếp tục các điểm dừng chân đã lên kế hoạch trước đó là Tokyo và Lào.

Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của chính phủ Canada, được công bố vào tháng 11.2022, coi Trung Quốc là "một cường quốc toàn cầu" đáng lo ngại nhưng là quốc gia mà Canada phải hợp tác vì có ảnh hưởng kinh tế và môi trường to lớn.

Giáo sư Jeremy Paltiel cho biết, ông không mong đợi chuyến thăm sẽ mang lại một kết quả đột phá nào, lưu ý rằng viên chức dân sự cấp cao của Joly, David Morrison, đã đến Bắc Kinh trước bà nhưng cả hai nước "không thể thống nhất về những gì họ có thể ký kết hoặc tuyên bố”. Tuy nhiên, ông tin tưởng, chuyến thăm là biểu hiện cho thấy cả hai nước đều mong muốn “giữ cánh cửa ngoại giao mở ra”. “Có lẽ bây giờ người Trung Quốc nhận ra rằng cửa mở tốt hơn cửa đóng”.

Ông lưu ý rằng các cuộc họp của Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc tuần này tập trung vào cải cách thương mại liên tục sau những động thái gây áp lực từ Liên minh châu Âu (EU) và các thị trường khác. "Về phía Trung Quốc, họ lo ngại về các thị trường quốc tế của mình, do mối quan hệ ngày càng xấu đi với EU và Hoa Kỳ, nhất là trong bối cảnh khả năng cựu Tổng thống Donald Trump tái đắc cử sẽ trở nên mạnh mẽ hơn", ông nói.

Về phần mình, Canada cũng chịu sức ép từ Hội đồng Doanh nghiệp Canada - Trung Quốc. Họ đã bày tỏ bất bình với Chính quyền Ottawa vì thờ ơ với việc khôi phục đối thoại cấp cao với các nhà lãnh đạo Trung Quốc. Họ cho biết, các nước khác đã vượt qua mối quan hệ căng thẳng với Trung Quốc trong những năm gần đây thông qua các chuyến thăm của bộ trưởng. Hội đồng Doanh nghiệp Canada - Trung Quốc lập luận rằng Canada vẫn có thể nêu những lo ngại của mình trong khi thúc đẩy thương mại.

Quỳnh Vũ (Theo CBC, CTV News)

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/the-gioi-24h/ngoai-truong-canada-tham-trung-quoc-sau-7-nam-buoc-di-pha-bang-i381464/