Ngoại trưởng Đức sang TQ 'sửa chữa' chuyến đi của ông Macron

Chuyến công du của ông Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đến Trung Quốc đã vướng phải nhiều phản ứng từ các bên đồng minh.

Ngày 12-4, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock bắt đầu chuyến công du đến Trung Quốc (TQ) với mục tiêu tái khẳng định chính sách chung của Liên minh châu Âu (EU) đối với Bắc Kinh, theo hãng tin Reuters.

Theo dự kiến, bà Baerbock sẽ có cuộc gặp mặt với người đồng cấp TQ Tần Cương và Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Đối ngoại Trung ương đảng Cộng sản TQ Vương Nghị trong chuyến công du 2 ngày ở Bắc Kinh.

Phát biểu trước chuyến thăm, Ngoại trưởng Đức Baerbock cho biết ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự của bà sẽ là thúc đẩy TQ “gây áp lực” lên Nga để chấm dứt cuộc xung đột ở Ukraine.

Ngoại trưởng Đức - bà Annalena Baerbock. Ảnh: REUTERS

Ngoại trưởng Đức - bà Annalena Baerbock. Ảnh: REUTERS

Bà Baerbock cũng muốn gửi thông điệp chung của EU đến Bắc Kinh rằng việc đơn phương thay đổi hiện trạng ở eo biển Đài Loan là không thể chấp nhận được.

Bà Baerbock nói thêm rằng kim chỉ nam trong chính sách của EU là xem TQ vừa là đối tác vừa là đối thủ cạnh tranh có hệ thống.

Các nhà phân tích cho biết chuyến công du của bà Baerbock được các thành viên EU kỳ vọng sẽ thống nhất đường lối và chính sách rõ ràng trong mối quan hệ EU-TQ.

Tuy nhiên, chuyến đi của bà Baerbock cũng có nhiều điểm quan ngại khi bà có quan điểm cứng rắn với TQ hơn Thủ tướng Đức Olaf Scholz. Hiện bà đang soạn thảo một chính sách nhằm giảm sự phụ thuộc kinh tế của Đức vào Bắc Kinh.

Chuyến thăm diễn ra chỉ vài ngày sau chuyến thăm của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đến TQ và gặp vChủ tịch TQ Tập Cận Bình. Chuyến thăm của ông Macron đến TQ được cho đã gây ra nhiều sự xáo trộn trong cách tiếp cận của EU đối với siêu cường châu Á này.

Ông Macron đã gây ra phản ứng dữ dội ở Mỹ và châu Âu khi kêu gọi EU giảm bớt sự phụ thuộc vào Mỹ và cảnh báo về việc phải giữ vững lập trường trước một cuộc khủng hoảng mới liên quan đến Đài Loan, Mỹ và TQ.

"Chúng ta cần quan tâm đến việc kiểm soát thiệt hại. Tuy nhiên cho đến nay, chúng ta vẫn không biết đâu mới là hậu quả cuối cùng mà chuyến thăm của ông Macron gây ra” - bà Alicja Bachulska, nhà nghiên cứu quan hệ TQ-EU tại Hội đồng châu Âu về Quan hệ đối ngoại (ECFR) nhận định.

Nhiều chính trị gia, nhà ngoại giao và nhà phân tích châu Âu đã theo dõi cuộc trả lời phỏng vấn của ông Macron với tờ Politico và nhật báo Pháp Les Echos. Họ cho rằng ông Macron đã phá vỡ sự thống nhất của EU trong quan hệ với Bắc Kinh.

Bộ trưởng Tài chính Pháp - ông Bruno Le Maire trả lời phỏng vấn giới truyền thông sau Cuộc họp Mùa xuân của Quỹ Tiền tệ Thế giới IMF và Ngân hàng thế giới WB ở Washington D.C. (Mỹ) vào ngày 12-4. Ảnh: REUTERS

Bộ trưởng Tài chính Pháp - ông Bruno Le Maire trả lời phỏng vấn giới truyền thông sau Cuộc họp Mùa xuân của Quỹ Tiền tệ Thế giới IMF và Ngân hàng thế giới WB ở Washington D.C. (Mỹ) vào ngày 12-4. Ảnh: REUTERS

Đối mặt với những phản ứng gay gắt khi ông Macron nói EU nên giảm sự phụ thuộc vào Mỹ, trong ngày 12-4, Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire cho biết mặc dù Pháp và châu Âu muốn theo đuổi một đường lối chính sách độc lập với Mỹ về quan hệ với TQ nhưng EU vẫn luôn là “đồng minh mạnh mẽ và đáng tin cậy của Washington”.

Ông giải thích thêm rằng ông Macron đã điện đàm với Tổng thống Mỹ Joe Biden trước chuyến công du đến Bắc Kinh, hai bên đã có những thống nhất trong cách tiếp cận và phối hợp tới TQ về các vấn đề ở Ukraine.

“Chúng tôi muốn hợp tác với TQ vì chúng tôi tin rằng TQ sẽ giúp chúng tôi đạt được một số kết quả cụ thể. Điều này là cần thiết trong việc chấm dứt xung đột ở Ukraine, giảm lượng khí thải carbon và giúp các nước nghèo giảm nợ” - Reuters dẫn lời ông Le Maire.

Trong khi đó, nói với đài Fox News ngày 11-4, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump - người khiến mối quan hệ giữa Mỹ và TQ trở nên căng thẳng hơn trong nhiệm kỳ của mình - đã tố ông Macron cố gắng “lấy lòng” ông Tập Cận Bình.

HOÀNG NHI

Nguồn PLO: https://plo.vn/ngoai-truong-duc-sang-tq-sua-chua-chuyen-di-cua-ong-macron-post728590.html