Ngoại trưởng G7 sẽ tập trung thảo luận về chiến tranh và AI
Trong 2 ngày 7 và 8/11, Hội nghị Ngoại trưởng Nhóm Các nước công nghiệp phát triển (G7) được tổ chức tại Tokyo dưới sự chủ trì của Nhật Bản - nước đảm nhận vai trò Chủ tịch Nhóm G7 năm 2023. Chủ đề chính của hội nghị là chiến tranh và trí tuệ nhân tạo (AI).
Sự kiện diễn ra trong bối cảnh toàn cầu tiếp tục đối diện những thách thức chưa từng có, như căng thẳng Israel-Hamas, khủng hoảng nhân đạo tại Gaza, cuộc xung đột Nga-Ukraine chưa có dấu hiệu hạ nhiệt hay những thách thức tiềm ẩn của trí tuệ nhân tạo (AI).
Vì vậy, hội nghị lần này được đánh giá là cơ hội để đại diện các nước G7 tìm kiếm tiếng nói và giải pháp đồng thuận về loạt vấn đề trên, hướng tới một thế giới hòa bình và phát triển cho người dân.
Những vấn đề nổi bật
Trong 4 phiên thảo luận chính, nước chủ nhà Nhật Bản mong muốn sẽ bao quát 3 cục diện chính hiện đang nổi cộm đó là tình hình Trung Đông, tình hình châu Âu và khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Nội dung quan trọng nhất là thảo luận về các biện pháp làm sao có thể ngăn chặn cuộc xung đột Israel-Hamas và đảm bảo môi trường thuận lợi cho hoạt động hỗ trợ nhân đạo. Đối với nước chủ nhà Nhật Bản, trước khi hội nghị diễn ra, Ngoại trưởng Kamikawa đã tới Trung Đông, khẳng định lo ngại về nguy cơ nhân đạo tại dải Gaza, cam kết sẽ gia tăng viện trợ nhân đạo khoảng 65 triệu USD cho khu vực này.
Tuy vậy, Hội nghị lần này xác định rằng ngoài vấn đề xung đột Israel-Hamas, xung đột Ukraine- Nga, vấn đề Trung Quốc là vấn đề cần bàn luận rộng rãi. Nhóm Các nước Công nghiệp Phát triển (G7) sẽ tiếp tục viện trợ cho Ukraine, duy trì và có thể gia tăng các biện pháp trừng phạt đối với Nga. Đây là quan điểm đã thống nhất từ Hội nghị thượng đỉnh G7 tại Hiroshima vừa rồi và sẽ được thực hiện một cách “không mệt mỏi”.
Tại Hội nghị Ngoại trưởng G7 lần này, Nhật Bản sẽ hối thúc các nước trong G7 một lần nữa xác nhận tăng cường hợp tác trong vấn đề liên quan đến Trung Quốc.
“Đổ bộ” vào khu vực Trung Á
Đáng chú ý là chủ nhà Nhật Bản đã gửi lời mời đại diện loạt nước Trung Á như Kazakhstan, Uzbekistan, Turkmenistan, Tajikistan và Kyrgyzstan tham dự Hội nghị Ngoại trưởng G7 lần này. Vậy mục đích là gì?
Các Ngoại trưởng của các nước Trung Á này sẽ tham dự phiên họp tập trung vào khu vực Trung Á được tổ chức vào ngày 8/11. Không chỉ các nước G7, mà hàng loạt các nước khác trên thế giới bao gồm Trung Quốc đang quan tâm tới khu vực này và mời gọi đầu tư, hợp tác. Bởi lẽ các nước này có trữ lượng lớn dầu mỏ, khí đốt tự nhiên, urani, vàng và các tài nguyên khác.
Tổng thống Mỹ, Chủ tịch Trung Quốc đều đã gặp lãnh đạo các quốc gia này trong năm nay. Riêng Nhật Bản thì muốn nắm bắt cơ hội có nguồn cung dầu mỏ và khí đốt để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Thủ tướng Kishida Fumio dự kiến có chuyến thăm khu vực này trong năm 2024. Hồi tháng 9, Ngoại trưởng Kamikawa đã gặp người đồng cấp Kazakhstan Murat Nurtleu để mở đường cho chuyến đi của Thủ tướng Kishida Fumio.
Hiện tại, Trung Quốc đang thực hiện lộ trình vành đai con đường. 5 nước Trung Á này có vị trí chiến lược trong lộ trình đó. Còn Nhật Bản và Mỹ cũng đang xúc tiến chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở, duy trì lập trường lập lại trật tự thế giới. Hai mục đích này có những quan điểm khác nhau, nên đều mong muốn “lôi kéo” sự đồng thuận từ các nước Trung Á. Chính vì vậy, Nhật Bản và các nước trong Nhóm G7 mong muốn tạo ra một sức mạnh tổng hợp từ nhiều phía.
Rủi ro của AI
Nhìn lại Hội nghị thượng đỉnh G7 diễn ra hồi tháng 5, các nước G7 đã nhất trí sáng kiến với tên gọi “Tiến trình AI Hiroshima” nhằm xây dựng các quy định quốc tế về trí tuệ nhân tạo. Tuy nhiên có thực tế, giữa các nước G7 hiện có sự khác biệt trong quy định đối với AI.
Nắm bắt xu thế phát triển, các nước G7 bắt buộc phải đi đầu về vấn đề này. Nhật Bản với tư cách nước Chủ tịch G7 đã tiên phong thực hiện sáng kiến này trong chính quốc gia của mình với mục đích cải thiện tăng trưởng kinh tế và môi trường sống của người dân. Các nước G7 theo đó sẽ giữ vai trò chủ đạo khi hợp tác với các quốc gia, khu vực khác.
Tại Hội nghị Ngoại trưởng G7 lần này, các Ngoại trưởng sẽ thảo luận cụ thể hơn về sự vận dụng AI nằm trong khuôn khổ luật pháp và dựa trên sự thống nhất của các thành phần kinh tế tư nhân hay đoàn thể doanh nghiệp, rủi ro của chính AI mang lại và các biện pháp ứng phó. Bởi lẽ mỗi quốc gia có những đặc trưng, trình độ về AI khác nhau, sự vận dụng khác nhau nên có những quan điểm khác nhau. Còn quy định quốc tế với mục đích chính là tạo ra mạng lưới hợp tác của G7 với các đối tác bên ngoài là chính, còn mỗi thành viên trong G7 thì có chính sách về phát triển AI riêng.
Ngày 30/10 vừa qua, các nước G7 đã nhất trí về các nguyên tắc hướng dẫn và một Bộ quy tắc Ứng xử cho những nhà phát triển các dạng Trí tuệ Nhân tạo (AI) tiên tiến.
Đây là một phần trong nỗ lực của G7 nhằm giảm thiểu các rủi ro liên quan như thông tin sai lệch và những lo ngại về quyền riêng tư. Các thành viên G7 từ nhiều tháng qua đã thảo luận về sự cần thiết áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế để kiểm soát các mô hình công nghệ AI đang phát triển nhanh chóng như ChatGPT do OpenAI phát triển.
Bộ quy tắc Ứng xử nói trên được thực hiện trên tinh thần tự nguyện, nhằm đảm bảo thúc đẩy sự phát triển công nghệ AI an toàn và đáng tin cậy. Bộ quy tắc gồm 11 điểm này cung cấp hướng dẫn quản lý công nghệ AI, bao gồm những hệ thống AI tiên tiến nhất và hệ thống AI tạo ra.