Ngoại trưởng Mỹ chỉ trích các dự án đập thủy điện của Trung Quốc trên sông Mekong
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã chỉ trích các dự án xây đập thủy điện của Trung Quốc trên sông Mekong, cáo buộc rằng điều này đã dẫn tới mực nước thấp kỷ lục trong 10 năm qua tại các nước hạ lưu con sông.
Theo Reuters, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã đưa ra phát ngôn trên vào ngày hôm ngay 1/8 trong cuộc gặp với bộ trưởng các nước ở hạ lưu sông Mekong ở Bangkok, Thái Lan. Tại đây, đại diện các quốc gia đã phàn nàn về tình trạng hạn hán nghiêm trọng xảy ra một phần do các con đập ở thượng nguồn dòng sông.
“Dòng sông (Mekong) đang ở mực nước thấp nhất trong một thập niên qua, một vấn đề có liên quan tới quyết định chặn nguồn nước từ thượng nguồn của Trung Quốc”, ông Pompeo phát biểu.
Theo Reuters, hạn hán trong thời gian qua ở Thái Lan, nước ở hạ nguồn sông Mekong, đã khiến chính phủ nước này buộc phải khuyến cáo người dân phải dừng hoạt động trồng lúa.
Ông Pompeo tới Bangkok nhằm tham gia Hội nghị ngoại trưởng ASEAN (AMM) lần thứ 52 với sự góp mặt của các nhà ngoại giao hàng đầu ASEAN, Trung Quốc, Mỹ...
Theo Reuters, trên sông Mekong, có tới 11 con đập thủy điện của Trung Quốc và những công trình này đang làm khó cho các nước láng giềng. Theo Trung tâm Stimson tại Washington (Mỹ), Trung Quốc có kế hoạch xây thêm 8 đập khác ở lưu vực sông, tại dòng chính và các nhánh.
Các chuyên gia cảnh báo rằng tình trạng thiếu nước đột ngột và hạn hán có thể dẫn tới một tương lai không mấy tươi sáng cho sông Mekong và hệ động thực vật trên dòng sông này. Một kịch bản có thể xảy tới chính là sự tuyệt chủng của các loại cá khổng lồ sinh sống ở đây.
Ngoài ra, việc điều chỉnh xả nước từ các con đập có thể làm dòng chảy của sông thay đổi và đi ngược với tự nhiên. Điều này có thể dẫn tới những hệ lụy không thể lường trước và có thể sẽ rất nghiêm trọng.
Mặt khác, việc hạn chế nguồn nước chảy từ thượng nguồn xuống cũng ảnh hưởng tới sinh kế của những người từ bao đời nay vẫn sống nhờ vào nguồn thủy hải sản trù phú trên con sông này. Thêm vào đó, việc chặn dòng chảy có thể làm gián đoạn quá trình di cư của các loài cá, ngăn phù sa trôi xuống hạ lưu, chưa kể đến hàng ngàn người dân sống trong mối đe dọa bị hạn hán hoặc lũ lụt, theo Straits Times.