Ngoại trưởng Pháp: 'Có 1 cuộc khủng hoảng lòng tin vào Mỹ' sau thỏa thuận AUKUS

Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian tuyên bố có một 'cuộc khủng hoảng lòng tin' vào Mỹ sau thỏa thuận AUKUS, vốn đã khiến châu Âu băn khoăn về đồng minh lâu năm của mình.

Hãng tin AP dẫn lời Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian ngày 20-9 tuyên bố rằng có một “cuộc khủng hoảng lòng tin” vào Mỹ sau khi thỏa thuận an ninh AUKUS giữa Mỹ-Anh-Pháp được công bố, vốn đã khiến Pháp “nhức nhối” và châu Âu băn khoăn về đồng minh lâu năm của mình tại Đại Tây Dương.

Ông Le Drian cũng cho biết các nước châu Âu sẽ không để Washington bỏ lại họ khi định hình chính sách đối ngoại của mình.

'Có một cuộc khủng hoảng lòng tin vào Mỹ'

Trao đổi với các phóng viên tại New York hôm 20-9, ông Le Drian nhắc lại những lời phàn nàn rằng thỏa thuận tàu ngầm giữa Mỹ, Anh và Úc đã dẫn đến việc Pháp mất hợp đồng bán tàu ngầm cho Úc.

Ngoại trưởng Pháp: 'Có 1 cuộc khủng hoảng niềm tin vào Mỹ' sau thỏa thuận AUKUS. Ảnh: REUTERS

Ngoại trưởng Pháp: 'Có 1 cuộc khủng hoảng niềm tin vào Mỹ' sau thỏa thuận AUKUS. Ảnh: REUTERS

Theo Washington, London và Canberra, thỏa thuận này củng cố cam kết của họ đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, động thái được cho là một nỗ lực nhằm đối phó một Trung Quốc ngày càng quyết đoán.

Tuy nhiên, ộng Le Drian hôm 20-9 nói rằng đó là một "sự vi phạm tàn bạo, bất ngờ và không giải thích được" đối với một hợp đồng và một mối quan hệ.

“Có một cuộc khủng hoảng lòng tin ngoài việc hợp đồng bị phá vỡ, như thể bản thân châu Âu không có bất kỳ lợi ích nào để bảo vệ ở khu vực đó” – ông Le Drian cho biết.

Tờ Ouest-France dẫn lời ông Le Drian cho biết: “Đó không chỉ là mối quan hệ giữa Pháp-Úc, mà còn là sự rạn nứt lòng tin vào các liên minh. Điều đó là sự phản ánh nghiêm túc về chính khái niệm về những gì chúng ta làm với các liên minh”.

Liên quan lập luận rằng Mỹ đang "từng bước tái tập trung các lợi ích cơ bản của mình đối với cuộc đối đầu trên thực tế với Trung Quốc", ông Le Drian nhấn mạnh rằng "các nước châu Âu cũng có những lợi ích cơ bản của riêng họ".

“Các lợi ích cơ bản của châu Âu cần được Mỹ, đồng minh của chúng tôi, tính đến. Và các nước châu Âu sẽ không bị bỏ lại phía sau trong chiến lược mà Mỹ đã chọn” – ông nói thêm.

Theo người đứng đầu Bộ Ngoại giao Mỹ, các nước châu Âu cần "đưa ra các ưu tiên và chiến lược của riêng họ" và thảo luận với Mỹ.

Ông Le Drian hiện có mặt tại New York (Mỹ) để tham dự cuộc họp thường niên của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.

Ông cũng sẽ gặp các ngoại trưởng từ 26 quốc gia Liên minh châu Âu (EU) tại New York, nơi ông sẽ thảo luận về hậu quả của thỏa thuận tàu ngầm và tầm nhìn của Pháp về một châu Âu độc lập về mặt chiến lược hơn.

Căng thẳng ngoại giao Pháp-Mỹ

Theo AP, ông Le Drian cho biết đã hủy cuộc họp với người đồng cấp Úc ở New York “vì những lý do rõ ràng”.

Ông Le Drian cũng cho biết không có cuộc gặp nào được lên lịch với người đồng cấp Mỹ Antony Blinken trong thời gian ông ở Liên Hợp Quốc, nhưng có thể “đi ngang qua ông ấy trên hành lang”.

Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly đã hủy cuộc gặp với người đồng cấp Anh Ben Wallace trong tuần này.

Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly (phải) và người đồng cấp Anh Ben Wallace. Ảnh: RT

Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly (phải) và người đồng cấp Anh Ben Wallace. Ảnh: RT

Trong khi đó, phát biểu trên đường đến New York, Thủ tướng Anh Boris Johnson khẳng định “AUKUS không có nghĩa là tổng bằng 0, nó không có nghĩa là loại trừ. Đó không phải là điều mà bất kỳ ai cũng cần phải lo lắng và đặc biệt không phải là những người bạn Pháp của chúng tôi".

Các quan chức Anh đã nhấn mạnh mối quan hệ quân sự chặt chẽ giữa Anh và Pháp, gồm các hoạt động chung ở Mali và Estonia.

Tại Úc, các quan chức nước này cho biết sự tức giận của Pháp sẽ không khiến tiến trình các cuộc đàm phán về thỏa thuận thương mại tự do giữa Úc và EU “trật đường ray”.

Đại sứ Pháp tại Úc Jean-Pierre Thebault bác bỏ thông tin từ báo chí cho rằng Pháp đang vận động EU không ký thỏa thuận thương mại với Úc, vốn đã được đàm phán từ năm 2018.

Bộ trưởng Thương mại Úc Dan Tehan cho biết ông sẽ đến Paris trong vòng vài tuần để đàm phán thương mại và “rất muốn liên hệ với người đồng cấp Pháp của tôi”.

Ủy ban châu Âu - cơ quan hành pháp của EU - hôm 20-9 cho biết đang phân tích tác động của thỏa thuận tàu ngầm Úc theo AUKUS.

Úc khẳng định thỏa thuận tàu ngầm trên nhằm bảo vệ lợi ích chiến lược của nước này trong bối cảnh mối lo ngại về sự quyết đoán ngày càng tăng của Trung Quốc gia tăng.

HÒA ĐẶNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/quoc-te/ngoai-truong-phap-co-1-cuoc-khung-hoang-long-tin-vao-my-sau-thoa-thuan-aukus-1016671.html