Ngoại trưởng Ukraine: Sử dụng chữ 'Z' đồng nghĩa với phạm tội ác và ủng hộ Nga

Những tranh cãi xung quanh việc sử dụng chữ 'Z' ở các nước phương Tây diễn ra với quy mô ngày càng lan rộng và biện pháp ngày càng cực đoan, quá khích.

 Ngoại trưởng Ukraine Kuleba: sử dụng kí tự "Z" là phạm tội ác (Ảnh: Sputnik).

Ngoại trưởng Ukraine Kuleba: sử dụng kí tự "Z" là phạm tội ác (Ảnh: Sputnik).

Ngày 29/3, Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Dmytro Kuleba đã bất ngờ đăng bài trên Twitter kêu gọi tất cả các quốc gia hãy coi việc sử dụng ký tự "Z” là “hành vi phạm tội ủng hộ Nga". Ông cũng tự định nghĩa về hàm nghĩa của chữ "Z", khẳng định nó có nghĩa "tội ác chiến tranh của Nga" ...

Tại các nước phương Tây, "Z" giờ đây không còn chỉ là một chữ cái, mà là biểu tượng của sự "ủng hộ nước Nga".

Nguyên nhân là do kể từ khi Nga phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine” vào ngày 24/2, người ta đã nhận thấy chữ cái Latinh "Z" màu trắng thường xuyên xuất hiện trên các thiết bị quân sự của Nga. Bộ Quốc phòng Nga đã đưa ra một tuyên bố giải thích rằng “Z” là viết tắt của “za pobedu”, nghĩa là chiến thắng, với ý nghĩa giống với chữ "V" (Victory) trong tiếng Anh, bắt nguồn từ cách phát âm của từ “за победу” (chiến thắng) trong tiếng Nga.

Chữ "Z" trên pháo tự hành của quân Nga ở Ukraine.

Tuy nhiên, trong mắt phương Tây, nơi cho phép các lệnh trừng phạt mở rộng và lan rộng sang nhiều lĩnh vực khác ngoài chính trị, chữ "Z" đã trở thành "thân Nga" và việc chống lại ký tự "Z" là điều "đương nhiên".

Thương hiệu mặt hàng xa xỉ Pháp LV (Louis Vuitton) đã gây tranh cãi vì thiết kế logo trên đồ trang sức của hãng trông giống như chữ “Z”. Mặc dù Tập đoàn LVMH, công ty mẹ của LV, đã đi theo xu hướng chung, tuyên bố rút khỏi thị trường Nga vào ngày 5/3, đóng cửa các cửa hàng ở đó và các trung tâm mua sắm trực tuyến ở Nga cũng ngừng kinh doanh.

Một số công ty phương Tây cũng đã bắt đầu cách xa chữ "Z". Theo báo Daily Telegraph của Anh ngày 26/3, Công ty Bảo hiểm Zurich của Thụy Sĩ vốn gây chú ý vì logo thương hiệu là một chữ “Z” riêng biệt. Vì lý do này, hãng đã vội vã tuyên bố sẽ tạm thời bãi bỏ dùng chữ cái "Z" làm đại diện cho logo của công ty để tránh bị "hiểu lầm" ủng hộ Nga. Công ty cũng nói thêm rằng các bước tiếp theo có thể được thực hiện vì "Z" có liên quan đến chiến tranh: "Chúng tôi đang theo dõi chặt chẽ tình hình và sẽ có hành động tiếp theo khi cần thiết."

Thiết kế đồ trang sức gây tranh cãi của LV.

Ngoài ra, các hành động chống lại chữ "Z" cũng đang diễn ra ở các nước châu Âu khác. Theo mạng tin tức The Local của Đức, vào ngày 26/3, các bang Lower Saxony và Bavaria của Đức đã thông báo rằng việc thể hiện biểu tượng chữ "Z" ở nơi công cộng là bất hợp pháp, như chữ này nếu được sử dụng trong hoạt động diễu hành, được sơn trên các tòa nhà và ô tô "để thể hiện sự ủng hộ đối với Nga", những người liên quan có thể phải đối mặt với ba năm tù giam hoặc phạt tiền.

Có lẽ được truyền cảm hứng từ niềm tin về việc định tội chữ "Z" ở hai bang này của Đức, nên ngày 29/3, Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Dmitro Kuleba đã bất ngờ đăng tweet, chĩa mũi nhọn vào ký tự "Z".

Trong bản tweet, Kuleba cho biết ông kêu gọi tất cả các quốc gia hãy "xác định là phạm tội" một hành vi - đó là sử dụng ký tự "Z" để công khai ủng hộ "cuộc chiến tranh xâm lược" của Nga chống lại Ukraine.

Bản tweet của ông Kuleba.

Đồng thời, ông Kuleba cũng đưa ra định nghĩa mới cho ký tự "Z": "'Z' có nghĩa là tội ác chiến tranh do Nga phạm phải, phá hủy nhiều thành phố, giết hại hàng nghìn người Ukraine". Kuleba cũng tuyên bố, sự ủng hộ của công chúng đối với "những hành động tàn bạo như vậy" của Nga phải bị cấm.

Cộng đồng cư dân mạng đã có những phản ứng trái chiều trước lời kêu gọi của ông Kuleba.

Một số người đã lên tiếng ủng hộ mà không do dự, kể cả các quan chức một số nước châu Âu. Một số cư dân mạng Đức vui mừng nói: "Tôi rất vui khi nói với ông Kuleba rằng chữ ‘Z’ đã bị cấm ở hai bang Đức và nhiều bang khác trong liên bang đã bắt đầu làm theo.

Bà Monika Osmianskiene, một nghị sĩ quốc hội Lithuania (Litva), đã trả lời trực tiếp ông Kuleba, rằng: "Chúng tôi đã nghe ông nói, Lithuania đã làm việc về việc này, dự luật đã thông qua được 1/3 giai đoạn."

Chữ "Z" trên xe quân sự Nga ở Ukraine.

Nhưng cũng có một số người khác cảm thấy vô lý trước lời kêu gọi của ngoại trưởng Ukraine và phản đối nó. Có người còn thay mặt nước Mỹ, viết: “Điều này sẽ không xảy ra ở Mỹ, bởi vì ở đó chúng tôi có quyền tự do ngôn luận.”

Có một số người khác đã chất vấn Ukraine, quốc gia từng bỏ phiếu cho phép tôn vinh chủ nghĩa phát xít, thì có lập trường gì để cấm ký tự "Z". "Hãy nhớ rằng chỉ có hai quốc gia bỏ phiếu cho phép tôn vinh chủ nghĩa phát xít là Ukraine và Mỹ. Nhưng bây giờ, ông lại muốn cấm một chữ cái?"

Xin nhắc lại, vào ngày 19/12/2016, Liên Hợp Quốc đã thông qua, với 136 phiếu thuận, 2 chống và 49 phiếu trắng, một nghị quyết có tựa đề "Chống lại việc tôn vinh chủ nghĩa phát xít, chủ nghĩa tân phát xít và các hành vi phân biệt chủng tộc khác góp phần gây ra chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, kỳ thị chủng tộc đương thời , tâm lý bài ngoại và những hành vi không thể dung thứ”. Mỹ và Ukraine là hai nước duy nhất bỏ phiếu chống.

Cũng có người đề cập đến vấn đề chủ nghĩa phát xít ở Ukraine, họ liệt kê một số biểu tượng của Đức Quốc xã được tổ chức quân sự cực hữu "Tiểu đoàn Azov" của Ukraine sử dụng, chế nhạo Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine, nói: "Xin ông hãy coi đây là một tội ác."

Logo của "Tiểu đoàn Azov" tập hợp những người Ukraine theo chủ nghĩa phát xít mới.

Ngay cả những người ủng hộ Ukraine cũng không thể chịu đựng được nữa và bắt đầu “dẫn dắt” Ngoại trưởng Ukraine Kuleba: “Cá nhân tôi rất ủng hộ Ukraine. Tuy nhiên, việc xác định một kí tự là phạm tội sẽ không giúp các bạn giành được những người ủng hộ dân chủ tự do. Nếu tweet này tìm cách định tội ngôn luận, thì tweet này sẽ đi ngược lại ý tưởng về một quốc gia đấu tranh cho tự do. "

Một người thân Ukraine khác gọi cuộc tấn công của Nga vào Ukraine là "hành động tội ác" cũng cho rằng lời kêu gọi của ông Kuleba thực sự "không cần thiết" và bày tỏ lo ngại về hiện tượng xã hội phản kháng lại chữ "Z". "Ở một đất nước tự do, không cần thiết phải hình sự hóa nó. Chúng tôi có một tờ báo từng lấy chữ 'Z' làm logo và giờ họ đang thay thế nó. Những người ở nơi đây ai sử dụng chữ 'Z' sẽ bị sỉ nhục và bị xã hội tẩy chay. "

Thu Thủy

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/ngoai-truong-ukraine-su-dung-chu-z-dong-nghia-voi-pham-toi-ac-va-ung-ho-nga-post155715.html?utm_source=web_vt&utm_medium=home_tinmoi_vt&utm_campaign=click_tinmoi