Ngọc trong sử Việt
Tổ tiên người Việt lập quốc ở vùng đồng bằng châu thổ, vùng đất không có nhiều ngọc, đá quý nên trong lịch sử nước ta, ít nói về ngọc, không có những câu chuyện như một viên ngọc đổi lấy 15 tòa thành như thời Tần Thủy Hoàng bên Trung Quốc.
Là lưu dân ven biển, sử sách nước ta chép nhiều về ngọc trai hơn. Điển hình như thời giặc Minh xâm lược, chúng bắt dân ta phải khốn khổ “xuống biển dòng lưng mò ngọc” (Nguyễn Trãi viết trong “Bình Ngô đại cáo”), hay phần ghi chép trong “Đại Việt sử ký toàn thư” chuyện thời Trần Dụ Tông, năm 1348: “Mùa đông, tháng 10, thuyền buôn nước Đồ Bồ (có lẽ là phiên âm từ tên đảo Java, Indonesia ngày nay) đến hải trang Vân Đồn ngầm mua ngọc trai. Người Vân Đồn nhiều kẻ mò trộm ngọc trai bán cho họ. Chuyện này bị phát giác, đều bị tội cả”.
Xem trong bộ sưu tập cổ ngọc đang được lưu giữ ở các bảo tàng, cũng thấy chủ yếu là các hiện vật có từ thời Lê trung hưng về sau và nhiều nhất là ở thời Nguyễn, tập trung vào các ấn ngọc, sản phẩm văn phòng, đồ ngự dụng... Mặc dù vậy, do quá trình giao thương, các loại ngọc quý vẫn được du nhập vào nước ta qua các triều đại. Vì vậy, rải rác trong sử sách, chúng ta vẫn đọc được những câu chuyện chép về ngọc.
Điển hình như từ thời Triệu Vũ đế, năm 179 trước Công nguyên, khi vua Hán Văn Đế sai Lục Giả làm sứ giả đến Phiên Ngung phủ dụ vua Triệu, Triệu Vũ đế đã nhờ sứ giả dâng lên vua Hán lễ vật gồm 1 đôi ngọc bích trắng, 1.000 bộ lông chim trả, 10 chiếc sừng tê, 500 vỏ ốc màu tía, 1 giỏ cà cuống, 40 đôi chim trả sống, 2 đôi chim công. Vua Triệu cũng xin đổi tước hiệu, không dám xưng đế nữa, do đó vua Hán rất hài lòng.
Nếu xem trong “Ức Trai dư địa chí” do Nguyễn Trãi soạn đầu thời Lê sơ, thì trong số các khoáng vật ở nước ta, phần nhắc đến ngọc rất ít, chỉ trong phần nói về Thái Nguyên một câu “huyện Đồng Hỷ có ngọc châu...”, hay phần nói về Cao Bằng viết rằng "Liên Sơn có ngọc côn, ngọc dao", nhưng không chú giải chi tiết xem hai loại ngọc này như thế nào. Do đó, chuyện người dân bắt được ngọc hay dâng ngọc lên nhà vua là khá hiếm.
Chuyện dâng ngọc lên nhà vua đầu tiên có lẽ được ghi lại vào thời Vua Lý Thánh Tông, năm Long Chương Thiên Tự thứ nhất (1066), “Toàn thư” chép rằng có người lái buôn người nước Trảo Oa (cũng là cách phiên âm khác của đảo Java) dâng ngọc châu dạ quang, nhà vua đã trả tiền giá lên tới một vạn quan. Sử sách nước ta hầu như chưa khi nào ghi lại một “thương vụ” có giá trị cao đến thế.
Đến thời Vua Lý Thánh Tông, vào tháng 2 năm Thiên Phù Duệ Vũ thứ 3 (1122), sử có ghi chuyện một nhà sư tên là Dương Tu dâng lên 1 đôi ngọc bích trắng. Nhưng, đến tháng 8, khi có Viên ngoại lang là Lý Nguyên dâng viên ngọc châu tân lang, nhà vua lại xuống chiếu không nhận. Theo các nhà nghiên cứu thuộc Viện Sử học, món ngọc này, chữ Hán viết là “tân lang châu”, có lẽ suy đoán là viên ngọc to bằng quả cau, vì “tân lang” là cây cau. Nhiều bản dịch “Đại Việt sử ký toàn thư” đều dịch “tân lang châu” là “ngọc cau”. Món ngọc này còn được nhắc đến sau đó nữa.
Năm 1125, cũng thời Lý Thánh Tông, “Chỉ tác phiên”, tức xưởng thợ làm giấy cho triều đình, lại dâng ngọc cau, nhà vua tiếp tục xuống chiếu không nhận. Như vậy, Vua Lý Thánh Tông không thấy món ngọc này quý giá, trong khi thời kỳ này, các quan liên tục dâng lên vua rất nhiều loại thú lạ, từ cá chiên vàng, hươu đen, hươu trắng, chim sẻ trắng, ngựa màu hoa đào... vua đều nhận hết. Thậm chí, thời Lý Thần Tông, khi nghe tin ở núi Tản Viên có hươu trắng, nhà vua còn sai Thái úy Dương Anh Nhĩ đi bắt được, rồi ban cho lộc tước Đại liêu ban.
Cũng thời Vua Lý Thần Tông, năm 1134, có viên Hỏa đầu quân Hữu Ngự Long là Quách Tư dâng lên vua viên “ngọc thiềm thừ” (ngọc cóc) hình dạng như mắt cá. Nhà vua nói rõ ý của mình: "Đó là vật nhỏ mọn, không đáng quý", rồi không thu nhận.
Thứ “ngọc cau” tiếp tục được nhắc đến vào đời Lý Anh Tông, năm Đại Định thứ 2 (1141). Mùa xuân năm đó, có tên thầy bói là Thân Lợi tiếm xưng là Bình vương, nổi loạn ở vùng biên giới từ Thái Nguyên đến Bắc Kạn. Vua sai Gián nghị đại phu Lưu Vũ Nhĩ (bộ sử “Cương mục” thời Nguyễn chép là Lưu Vũ Xứng) đem quân để tiến đánh. Tuy nhiên, Vũ Nhĩ thua trận, tướng sĩ chết đến quá nửa, phải rút về. Sau đó, khi Thái úy Đỗ Anh Vũ dẫn quân ra chống cự mới dẹp tan được bè đảng Thân Lợi. Sau đó, sử chép “Lưu Vũ Nhĩ dâng hươu trắng, lại dâng ngọc cau”. Lần này thì không thấy sử ghi Vua Anh Tông từ chối nhận.
Chép sử đến đoạn này, sử thần Ngô Sĩ Liên phê bình rằng: “Bấy giờ Lưu Vũ Nhĩ có tội về sai quân luật mà bại trận, lại dâng những vật điềm lành để che lỗi, thế mà không một người nào dám bàn đến, có thể biết hình pháp chính sự bấy giờ nhiều việc sai trái. Đỗ Anh Vũ lăng loàn dữ tợn đâu phải không có nguyên do”.
Năm sau, tức năm 1142, Lưu Vũ Nhĩ tiếp tục dâng lên nhà vua viên ngọc thiềm thừ và cũng tiếp tục được Vua Lý Anh Tông thu nhận, chứ không chê là “vật nhỏ mọn”, như Vua Lý Thần Tông đời trước.
Sang thời Trần, “Toàn thư” có viết về sự kiện viên trại chủ ở xã Đại Lai (sử không ghi rõ địa danh này ở đâu, hiện nay ở huyện Gia Bình, Bắc Ninh có xã Đại Lai) nhờ bắt được một viên “ngọc rết”, bán đi mà thành giàu có. Người này tên là Ngô Dẫn, thời Vua Trần Minh Tông bắt được viên ngọc rết to, đem ra thương cảng Vân Đồn, thuyền buôn các nước tranh nhau mua, một người chủ thuyền buôn muốn được của báu đã đem hết cả vốn để mua, giúp Ngô Dẫn trở thành cự phú, khiến Vua Minh Tông ham giàu đem công chúa Nguyệt Sơn gả cho hắn. Nhưng, Ngô Dẫn cậy giàu có thông dâm với người con gái khác, lại có những lời lăng nhục công chúa. Công chúa đem việc ấy tâu Vua Trần Dụ Tông. Dẫn được tha tội chết nhưng gia sản bị tịch thu hết.
Thời Lê, sử sách không ghi lại nhiều chi tiết về các loại ngọc quý. Thời Lê Thái Tông, vào năm Thiệu Bình thứ 2 (1435), tháng 3, ngày mồng 6, “Đại Việt sử ký toàn thư” cho biết triều đình đúc 6 chiếc ấn bằng vàng, bạc, gồm các ấn “Thuận thiên thừa vận chi bảo”, “Đại thiên hành hóa chi bảo”, “Sắc mệnh chi bảo”, “Ngự tiền chi bảo”, “Ngự tiền tiểu bảo”... Tuy nhiên, trong các việc chính sự thì vẫn dùng ấn bằng ngà, chưa dùng đến các ấn vàng, bạc này.
Ấn ngọc thời Lê được nhắc đến một lần trong sử sách triều Nguyễn vào năm Minh Mạng thứ nhất (1820), khi có người Quảng Đức (Thừa Thiên-Huế ngày nay) là Hồ Quang đào được một cái ấn ngọc thời Lê, trong có chữ “Trung hòa vị dục”, nộp cho quan địa phương dâng lên, được nhà vua sai thưởng cho 5 lạng bạc. Như vậy, thời Lê trung hưng, triều đình cũng có khắc ấn bằng ngọc.
Ở Đàng Trong thời chúa Nguyễn trị vì, năm 1747, bộ “Đại Nam thực lục” cho biết vào tháng 4, đô đốc trấn Hà Tiên là Mạc Thiên Tứ đã ủy người đi thuyền long bài, đem dâng lên chúa Nguyễn Phúc Khoát ngọc kim cương thủy hỏa, ngọc hạc đính, cùng gà tây, chim vẹt ngũ sắc, chiếu hoa, vải tây. Chúa khen, ban 4 đạo sắc bổ nhiệm cai đội và đội trưởng làm việc ở trấn cùng gấm đoạn và đồ dùng, rồi cho về.
Sau khi Vua Gia Long lên ngôi, triều đình nhà Nguyễn quy định trong các lễ tế quan trọng, đều có nghi thức dâng ngọc và lụa lên hương án để cúng trời đất, thần linh hay tổ tiên. Như trong nghi thức đại lễ Nam Giao, sau khi tế trời xong thì đốt những vật tế ở trên một đống củi khô, đốt ngọc lụa gọi là “phiền”, đốt thịt tế gọi là “sài”. Đến năm Minh Mạng thứ 10 (1829), định nghi thức tế Giao. Trong các món đồ thờ, phải có bích ngọc, tông ngọc, với quy cách như sau: Chọn lấy trong kho ngọc xanh và ngọc vàng đều một cục do Sở Nội tạo theo thức mài giũa thành khí, cất ở Nội vụ, (theo Chu quan thì ngọc bích sắc xanh để lễ trời, ngọc tông sắc vàng để lễ đất, bích hình tròn, tượng trời, tông hình vuông, tượng đất), hằng năm làm lễ thì bày ra, lễ xong lại cất đi. Lễ tế ở đàn Xã tắc cũng có nghi thức dâng ngọc lụa.
Năm Minh Mạng thứ 16 (1835), triều Nguyễn bổ sung quy định trong lễ tế Giao, khi cúng ngọc lụa, tuần rượu thứ nhất, ban nhã nhạc sẽ tấu bài “Hưng phong”; tuần rượu thứ hai, tấu bài “Tư phong”; tuần rượu cuối, tấu bài “Mậu phong”.
Năm 1837, nhân có người dâng bạch ngọc, Vua Minh Mạng đã sai làm ngọc tỷ “Hành tại chi tỷ”, núm chạm hình rồng cuốn, dùng để đóng trên các bài huấn dụ hoặc sắc thư trong những ngày tuần thú các địa phương ở hành tại. Năm 1839, khi đổi quốc hiệu là Đại Nam, Vua Minh Mạng cho khắc ấn ngọc “Đại Nam thiên tử chi tỷ” để sánh với nhà Đại Thanh bên Trung Quốc.
Đặc biệt, vào năm Thiệu Trị thứ 6 (1846), khi có một người dâng lên vua viên ngọc cỡ lớn - là sản vật vùng núi ngọc ở huyện Hòa Điền, Quảng Nam, Vua Thiệu Trị đã sai quan Hữu tư giũa thành ngọc tỷ "Đại Nam thụ thiên vĩnh mệnh truyền quốc tỷ", mất 1 năm để hoàn thành. Chiếc ấn quốc bảo này không chỉ dùng trong lễ tế Giao hằng năm, mà còn đóng trên những bản sắc mệnh ban cho các chư hầu, những việc ban bố cho thiên hạ, được bảo vệ và quý trọng.
Ngoài ra, thời Vua Thiệu Trị còn để lại đến này nay các chiếc ấn ngọc quý “Thần hàn chi tỷ” (Văn từ ở cung vua) dùng cho những văn thư, chỉ dụ của nhà vua viết bằng chữ son và “Đại Nam Hoàng đế chi tỷ” (Ngọc tỷ của Hoàng đế nước Đại Nam) đóng trên các văn kiện ban sắc thư cho người nước ngoài và khi nhà vua đi tuần thú xem xét các địa phương.
Kho cổ vật triều Nguyễn để lại đến ngày nay còn một số vật phẩm tạo tác từ ngọc như những chiếc thẻ bài, phiến ngọc, nghiên mực, lư hương, bát đĩa, đồ trà... có kỹ thuật tinh xảo, thể hiện giá trị độc đáo và hiếm quý, cũng như thể hiện tài khéo léo từ bàn tay người thợ Việt.
Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/khoa-hoc-van-minh/ngoc-trong-su-viet-i689740/