Ngồi 8 tiếng một ngày có thể ảnh hưởng đến nguy cơ đột quỵ như thế nào?

Một nghiên cứu mới cho thấy những người trưởng thành dưới 60 tuổi ngồi nhiều có nguy cơ bị đột quỵ cao hơn so với những người dành nhiều thời gian hoạt động thể chất hơn.

Ảnh: GI

Bài liên quan

Những dấu hiệu sắp đột quỵ bạn nên biết

Nghệ sĩ saxophone Trần Mạnh Tuấn bị đột quỵ

Cầu thủ Ligue 1 bị đột quỵ trong lúc thi đấu

Thoát chết sau khi đột quỵ, tiền vệ Eriksen phải giải nghệ sớm?

Theo một nghiên cứu mới được công bố, những người ngồi tám giờ hoặc nhiều hơn mỗi ngày và không hoạt động thể chất nhiều có nguy cơ bị đột quỵ cao hơn bảy lần so với những người dành ít nhất 10 phút tập thể dục mỗi ngày, theo một nghiên cứu của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ.

Các nhà nghiên cứu đã đưa thông tin sức khỏe của 143.000 người lớn từ cuộc Khảo sát Sức khỏe Cộng đồng Canada vào phân tích của họ. Các nhà khoa học đã theo dõi những người tham gia, những người từ 40 tuổi trở lên không có tiền sử đột quỵ trước đó, trong thời gian trung bình là 9,4 năm.

Tác giả chính của nghiên cứu, Tiến sĩ Raed Joundi, học giả ltại Đại học McMaster ở Ontario, Canada cho biết: “Việc ít vận động được cho là làm giảm sự chuyển hóa glucose, lipid và lưu lượng máu, đồng thời làm tăng tình trạng viêm nhiễm trong cơ thể. Những thay đổi này, theo thời gian, có thể có tác động xấu đến mạch máu và làm tăng nguy cơ đau tim và đột quỵ".

Trong số 2.965 người tham gia bị đột quỵ trong thời gian nghiên cứu, 90% là đột quỵ do thiếu máu cục bộ. Đó là loại đột quỵ phổ biến nhất, ông Joundi nói, và chúng xảy ra khi một động mạch cung cấp máu cho não bị tắc nghẽn.

Ông nói thêm, nếu đột quỵ không được điều trị nhanh chóng, các tế bào não ở khu vực đó có thể bắt đầu chết vì thiếu oxy.

Ông Kerry Stewart, giáo sư y khoa tại Đại học Y khoa Johns Hopkins ở Baltimore, Maryland, người không tham gia vào nghiên cứu, cho biết có nhiều dấu hiệu cho thấy ai đó có thể đang bị đột quỵ.

Các triệu chứng phổ biến bao gồm cảm thấy yếu ở cánh tay, chân hoặc mặt, đặc biệt nếu cảm giác bị cô lập ở một bên của cơ thể, ông nói.

Nói ngọng và khó nhìn hoặc nghe là những dấu hiệu khác cho thấy bạn có thể đang bị đột quỵ, ông nói thêm.

Nếu bạn đột nhiên bị đau đầu dữ dội mà không liên quan đến bất kỳ tình trạng sức khỏe nào khác mà bạn có, đó cũng có thể là một triệu chứng đột quỵ, ông lưu ý.

Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng vận động thường xuyên để tránh nguy cơ đột quỵ - Ảnh: CNN

Giảm nguy cơ đột quỵ

Ông nói: "Tăng cường hoạt động thể chất trong khi giảm thời gian ít vận động có thể giúp giảm nguy cơ đột quỵ".

Ông lưu ý rằng mọi người có thể bắt đầu bằng cách đứng nhiều hơn và ngồi ít hơn và thực hiện những thay đổi nhỏ trong thói quen của họ như đi cầu thang bộ thay vì đi thang máy.

Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ, người lớn nên có ít nhất 150 phút mỗi tuần hoạt động thể chất ở cường độ vừa phải. Ông Joundi cho biết tốt nhất các hoạt động đó nên diễn ra trong khoảng thời gian hơn 10 phút mỗi lần.

Ông nói: “Các hoạt động được coi là cường độ vừa phải khi bạn tập thể dục đủ để tăng nhịp tim và đổ mồ hôi, chẳng hạn như đi bộ nhanh hoặc đi xe đạp. Về lý thuyết, 90% các ca đột quỵ có thể tránh được nếu tất cả các yếu tố nguy cơ này được loại bỏ trong một quần thể".

Để giảm nguy cơ đột quỵ, ông Joundi khuyến nghị mọi người nên tập trung nhiều hơn vào việc hoạt động thể chất.

Ông nói: “Cải thiện hoạt động thể chất chỉ là một thành phần quan trọng trong việc giảm nguy cơ đột quỵ, kèm theo đó là chế độ ăn uống dinh dưỡng, ngừng hút thuốc và chẩn đoán và điều trị các bệnh như huyết áp cao và tiểu đường".

Trung Kiên

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/ngoi-8-tieng-mot-ngay-co-the-anh-huong-den-nguy-co-dot-quy-nhu-the-nao-post152017.html