'Ngồi chơi' từ sáng đến chiều, tiểu thương bỏ sạp chợ
Sau Tết Nguyên đán, nhiều chợ truyền thống tại khu vực TP Hồ Chí Minh lại rơi vào cảnh ế khách, tiểu thương ngồi chơi từ sáng đến chiều. Trong khi đó, một số dịch vụ kinh doanh tại chợ tăng, khiến tiểu thương bỏ sạp chợ ngày càng nhiều hơn.
Tiểu thương bỏ sạp chợ
Ông Lê Đình Hiếu - Trưởng phòng Kế hoạch tài chính tổng hợp (Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh) cho biết, tình trạng sức mua chậm ở các chợ truyền thống, nhiều mặt bằng trong trung tâm thương mại bị bỏ trống là do tác động chung của tình hình kinh tế trong nước và thế giới thời gian vừa qua.
Nhiều doanh nghiệp trong nước sụt giảm đơn hàng, người lao động thiếu việc làm nên mức chi tiêu thu hẹp hơn. Bên cạnh đó, sự gia tăng của các hoạt động thương mại điện tử cũng khiến tiểu thương chợ truyền thống khó cạnh tranh, khó bán được hàng.
Tình trạng ế ẩm tương tự cũng diễn ra tại các trung tâm thương mại lớn ngay tại trung tâm TP Hồ Chí Minh. Điển hình như việc nhiều cửa hàng trong Bitexco (Quận 1, TP Hồ Chí Minh) đóng cửa, thông báo di dời mặt bằng sang địa chỉ khác, hoặc đóng cửa dài hạn chờ sửa sang nâng cấp.
Trong báo cáo thị trường quý I/2023 vừa công bố của Savills, ngành bán lẻ trong quý giảm -0,4 điểm phần trăm theo năm. Mặt bằng bán lẻ trong các trung tâm thương mại tiếp tục bỏ trống và khách thuê không gia hạn thêm hợp đồng tại các dự án ở ngoài trung tâm, nơi mà lượt người qua lại thấp do vị trí thuê không tốt, chính sách tiếp thị và quản lý không hiệu quả từ chủ đầu tư.
Doanh nghiệp phòng thủ, người tiêu dùng thắt chặt
Trong khi đó theo báo cáo thị trường mới công bố, nền tảng thanh toán Payoo nhận định việc việc doanh nghiệp "phòng thủ" trong khi người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu dẫn đến thị trường tiêu dùng quý I không mấy khả quan.
Thống kê trong mạng lưới chấp nhận thanh toán của nền tảng này cho thấy, quý I, các mặt hàng không thiết yếu như điện thoại, điện máy đều tụt giảm 30-50% doanh thu so với quý trước. Hàng hóa dịch vụ thiết yếu mức giảm được ghi nhận qua nền tảng Payoo là 5-10% doanh thu với nhóm siêu thị, cửa hàng tiện lợi và 10% đối với các trung tâm thương mại - nơi tập trung nhiều cửa hàng thời trang, nội thất.
Nhận định về thị trường tiêu dùng, bán lẻ trong quý II/2023, báo cáo của Payoo cho rằng sẽ còn nhiều thách thức nhưng vẫn có cái nhìn lạc quan về tăng trưởng kinh tế tích cực trong trung và dài hạn. "Chúng tôi đánh giá những giai đoạn thách thức này giúp tạo ra một thế hệ doanh nghiệp và người lao động có sức chống chịu tốt hơn để vượt qua khó khăn, hướng đến sự tăng trưởng bền vững".
Trong khi đó, ông Lê Đình Hiếu - Trưởng phòng Kế hoạch tài chính tổng hợp (Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cũng đánh giá sức mua chậm thời gian qua phản ánh đúng chu kỳ hàng năm, sau Tết là thời điểm mua sắm chậm lại. Sau giai đoạn này, sức mua sẽ tăng trở lại, nhất là tháng 4 có nhiều ngày nghỉ dài, khách quốc tế quay trở lại sẽ thúc đẩy các hoạt động dịch vụ, mua sắm tăng mạnh hơn.