Ngôi đền linh thiêng nơi miền Tây sông nước
Sau 3 năm khánh thành, Đền thờ Vua Hùng tại TP Cần Thơ thu hút gần 1 triệu lượt khách tham quan, học tập, sinh hoạt văn hóa, góp phần đẩy mạnh hoạt động bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương.

Người dân, du khách đến Đền Hùng tại TP Cần Thơ trong ngày Giỗ Tổ. Ảnh M.T.
Cứ đến ngày mùng 10 tháng 3 (âm lịch), nhân dân cả nước lại hướng về Đền Hùng, TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ - nơi diễn ra lễ Giỗ Tổ Hùng Vương và lễ hội Đền Hùng với tất cả lòng thành kính, biết ơn các Vua Hùng đã có công dựng nước.
Tín ngưỡng thờ cúng các Vua Hùng còn mang ý nghĩa sâu xa về sự gắn kết, thương yêu, đùm bọc lẫn nhau của cộng đồng dân tộc Việt, những người có chung một cội, cùng chung một nguồn. Thấu hiểu và trân trọng nguyện vọng, tình cảm và lòng mong mỏi thiết tha của Đảng bộ, nhân dân TP Cần Thơ nói riêng và Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói chung, lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã thống nhất chủ trương xây dựng Đền thờ Vua Hùng tại TP Cần Thơ và khánh thành đưa vào sử dụng từ năm 2022. Đây là công trình thờ tự Quốc tổ Hùng Vương có quy mô và kiến trúc đẹp nhất khu vực ĐBSCL.
Ông Nguyễn Minh Tuấn - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ cho biết, Đền thờ Vua Hùng tại TP Cần Thơ được UBND thành phố giao Bảo tàng TP Cần Thơ (trực thuộc sở) thực hiện nhiệm vụ quản lý, sử dụng và khai thác. Từ khi khánh thành đến nay, Đền thờ Vua Hùng đã đón tiếp gần 1 triệu lượt khách tham quan. Trong đó, có các đoàn lãnh đạo Trung ương, các đoàn khách quốc tế như Cuba, Hàn Quốc, Nhật Bản, Campuchia, Lào… Năm 2023, Đền thờ Vua Hùng tại TP Cần Thơ xuất hiện ấn tượng trên chương trình The Amazing (Cuộc đua kỳ thú) - gameshow hàng đầu nước Mỹ.
“Hàng năm, vào dịp Giỗ Tổ Hùng Vương, thành phố long trọng tổ chức nghi lễ dâng hương tưởng nhớ công đức của các Vua Hùng trang nghiêm, thành kính theo hướng dẫn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và nghi thức truyền thống của địa phương. Chương trình Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2025 được tổ chức vào lúc 6h30, mùng 10/3 âm lịch nhằm ngày 7/4/2025 với các nội dung: nghi thức thả lá Đại kỳ ngũ sắc, nghi thức rước kiệu lễ vật dâng lễ, chương trình dâng hương. Bên cạnh đó, còn nhiều hoạt động văn hóa, thể thao hưởng ứng dịp Giỗ Tổ Hùng Vương phục vụ nhân dân và du khách” - ông Tuấn cho biết và thông tin thêm, từ ngày 5/4 đến ngày 7/4/2025, Đền thờ Vua Hùng sẽ mở cửa từ 7h đến 21h. Các ngày khác mở cửa theo thường lệ, không mở cửa buổi tối.
Từ khi khánh thành đến nay, Đền thờ Vua Hùng tại TP Cần Thơ còn là địa điểm tham quan, học tập, sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của các tầng lớp nhân dân trong khu vực, góp phần đẩy mạnh hoạt động bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Đầu tháng 4/2025, trong không khí hướng về ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, Trường THPT An Khánh, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ tổ chức nội dung giáo dục địa phương thông qua các hoạt động trải nghiệm chủ đề Phát triển du lịch ở Cần Thơ tại Đền thờ Vua Hùng.

Đền chính của công trình Đền Hùng tại TP Cần Thơ thiết kế theo hình trống đồng cách điệu với 18 cánh cung bao quanh tượng trưng cho 18 đời Vua Hùng. Ảnh M.T.
Anh Thạch Quốc Phong - Bí thư Đoàn Trường THPT An Khánh cho biết, hoạt động nói trên nhằm giúp học sinh hiểu rõ về lịch sử thời đại Hùng Vương và các hoạt động văn hóa, lễ hội, nghi thức cúng tế được tổ chức vào ngày Giỗ Tổ Hùng Vương. Từ đó, giúp các em học sinh hướng về cội nguồn của dân tộc, nâng cao lòng tự hào và biết ơn công lao của các vua Hùng trong quá trình dựng nước, giữ nước.
“Sau khi kết thúc tham quan trải nghiệm thực tế, các em học sinh sẽ làm bài thu hoạch về sự hình thành, công trình kiến trúc được xây dựng chi tiết của Đền Hùng và minh họa bằng hình ảnh tự chụp khi tham quan; Cảm nghĩ về ngày lễ trọng đại tưởng nhớ các Vua Hùng của đất nước ta hàng năm; Các em học sinh làm gì để giữ gìn và tôn trọng các giá trị truyền thống lịch sử dân tộc” - anh Phong nói.
Còn theo nhà nghiên cứu văn hóa, soạn giả Nhâm Hùng, ĐBSCL có một Đền Hùng xứng tầm là một khát vọng rất lớn của người dân nơi đây và khát vọng đó đã được hiện thực hóa từ năm 2022 khi Đền Hùng TP Cần Thơ được khánh thành.
“Việc ĐBSCL có được đền Hùng là việc hết sức có ý nghĩa, giáo dục lòng tự hào về dân tộc Việt Nam hàng ngàn năm lịch sử, tác động sâu sắc đến lòng yêu nước, mang giá trị nội lực, nội sinh, giá trị về văn hóa.. Đền Hùng ở Cần Thơ biểu trưng cho hồn cốt của dân tộc từ quê cha đất tổ về đến vùng đất ĐBSCL, làm cho người dân cảm thấy tự hào và gắn liền ruột thịt, núi non sông nước tạo kết nối với 54 dân tộc trên dải đất hình chữ S” - ông Hùng nói.
Tuy nhiên, nhà nghiên cứu văn hóa, soạn giả Nhâm Hùng cũng cho rằng, từ lúc khánh thành đến nay Đền thờ Vua Hùng TP Cần Thơ vẫn chưa phát huy tương xứng với tiềm năng, giá trị. Phần Lễ và phần Hội của Chương trình Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương tại Đền thờ Vua Hùng tại TP Cần Thơ cần được đầu tư thêm, nghiên cứu thường xuyên, đổi mới cách tổ chức để thu hút hơn nữa cộng đồng tham gia.
Ông Hùng cũng cho rằng, việc tổ chức lễ dâng hương hiện nay còn hành chính hóa, cần phải đổi mới để gắn kết cộng đồng hơn và có chất thiêng liêng của lễ hội. Ví dụ lễ dâng hương cần hội tụ được người dân, các dân tộc anh em ở ĐBSCL và các tầng lớp cùng tham gia. Bên cạnh phần lễ, phần hội cần đặc sắc hơn, có thể mời các địa phương ở ĐBSCL đến để tổ chức hội thi sản vật địa phương, dâng lễ vật của cả ĐBSCL chứ không chỉ là dâng sản vật của các quận, huyện của Cần Thơ. Bên cạnh đó có thể tổ chức đờn ca tài tử, ca nhạc... một cách bài bản và hội tụ được đầy đủ các dân tộc trong vùng để gắn kết cộng đồng.

Đền thờ Vua Hùng tại TP Cần Thơ tọa lạc tại đường Lạc Long Quân (phường Bình Thủy, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ). Được xây dựng trên diện tích rộng gần 4ha, Đền bao gồm các hạng mục: Cổng, Nhà điều hành, Nghi môn, Nhà bia, Đền chính, sân đường... Tổng thể công trình được thiết kế cách điệu theo hình dáng bản đồ Việt Nam, bên trong có 2 hồ nước tượng trưng cho sự khẳng định hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.
Công trình lấy Đền chính làm hạng mục trung tâm, thiết kế theo hình trống đồng cách điệu với 18 cánh cung bao quanh tượng trưng cho 18 đời Vua Hùng. Đền chính được bao bọc bởi hồ nước thể hiện đặc trưng văn hóa sông nước miền Tây. Bên trong hồ nước có 54 trụ, tượng trưng cho cộng đồng 54 dân tộc trên đất nước Việt Nam.
Đền chính gồm 2 tầng: tầng lầu là không gian thờ Quốc Tổ Hùng Vương và các bậc tiền nhân. Tầng trệt là không gian trưng bày theo các chủ đề: “Văn hóa Đông Sơn và thời đại Hùng Vương”, “ĐBSCL hướng về Đất Tổ”, “Bộ sưu tập đồ đồng Văn hóa Đông Sơn” và “Bảo tồn và phát huy tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương”, cùng với bộ tranh tem về các truyền thuyết, sự tích thời đại Hùng Vương.
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/ngoi-den-linh-thieng-noi-mien-tay-song-nuoc-10303180.html