'Xanh hóa' hành trình khám phá văn hóa nội đô Sài Gòn

Gần đây, giới trẻ Sài Gòn đang tạo nên một trào lưu mới trong việc khám phá vẻ đẹp văn hóa thành phố mang tên Bác. Đó là những tour du lịch nội đô độc đáo bằng những phương tiện 'xanh' như tàu điện, buýt hai tầng, buýt điện, buýt sông…

Chính thức vận hành trong hệ thống xe buýt công cộng từ đầu năm 2024, đến nay, xe buýt hai tầng vẫn không ngừng thu hút sự quan tâm của giới trẻ.

Kim Nguyên (ĐH Kinh tế TP. HCM) hào hứng khi lần đầu được trải nghiệm xe buýt hai tầng và ngắm Sài Gòn từ trên cao: “Mình nghe bạn bè kể nhiều rồi nhưng đến nay mới có dịp trải nghiệm phương tiện này. Ngồi trên buýt hai tầng, mình được đưa đến các điểm tham quan nổi tiếng của thành phố như Dinh Độc Lập, Nhà thờ Đức Bà, Chợ Bến Thành, Phố đi bộ Nguyễn Huệ… thực sự rất thú vị”.

Các bạn trẻ thích thú khi được trải nghiệm tour ngắm thành phố bằng buýt 2 tầng.

Các bạn trẻ thích thú khi được trải nghiệm tour ngắm thành phố bằng buýt 2 tầng.

Nguyên chia sẻ thêm, nếu có dịp, cô sẽ thử đi một lần nữa, nhưng vào buổi tối thay vì buổi sáng như lần đầu. Theo Kim Nguyên, đây không chỉ là trải nghiệm thu hút du khách nước ngoài mà còn được người dân và bạn trẻ Sài Gòn dành nhiều sự quan tâm. Hình thức du lịch này đã giúp Nguyên mở ra những góc nhìn mới mẻ về lịch sử, kiến trúc và nhịp sống của Sài Gòn xưa và nay.

Bên cạnh đó, nhiều bạn trẻ chọn xe buýt sông làm phương tiện để khám phá thành phố.

Bên cạnh đó, nhiều bạn trẻ chọn xe buýt sông làm phương tiện để khám phá thành phố.

Nhật Hào và Trọng Khoa (ĐH Kinh tế TP. HCM) đã có những giây phút thư giãn trên chuyến buýt trên sông. Nhật Hào chia sẻ: “Giao thông đường thủy từng đóng vai trò quan trọng trong sự hình thành và phát triển của TP. HCM. Vậy nên, đi buýt sông là một cách để mình sống lại một phần lịch sử đó, trải nghiệm một phương thức di chuyển quen thuộc của người dân xưa”.

“Phí xe buýt trên sông Sài Gòn chỉ có vài chục nghìn đồng. Để đổi lấy khoảng thời gian thoải mái, bầu không khí mát mẻ và dịch vụ tiện nghi trên buýt thì mình thấy rất đáng. Mình còn có thể vừa đưa mắt ngắm Sài Gòn, vừa nhâm nhi một món ăn vặt suốt chuyến đi nữa”, Trọng Khoa tiếp lời Nhật Hào.

Du khách đi buýt trên sông sẽ có cơ hội ngắm nhìn những tòa nhà chọc trời hiện đại như Landmark 81, Bitexco Financial Tower… Cùng với đó là các công trình mang đậm dấu ấn lịch sử Pháp thuộc, các khu nhà dọc bờ sông... Sự tương phản giữa kiến trúc cũ và mới thể hiện rõ nét sự phát triển và giao thoa văn hóa của Sài Gòn.

Tương tự hai loại phương tiện công cộng kể trên, tàu điện cũng là một phương tiện gần đây được bạn trẻ chọn cho hành trình khám phá nội đô Sài Gòn. Tuyến Metro số 1 là một biểu tượng của sự phát triển và hiện đại hóa của Sài Gòn. Việc sử dụng tàu điện cho thấy sự thay đổi trong cách người trẻ di chuyển và kỳ vọng vào một hệ thống giao thông công cộng tiên tiến.

Là một “khách quen” của tuyến Metro số 1, Thanh Trúc (trường ĐHKHXH&NV, ĐHQG TP. HCM) cho rằng, tàu điện đang thực hiện tốt nhiệm vụ kết nối với các điểm văn hóa và du lịch ở Sài Gòn.

“Mặc dù không phải ga nào cũng nằm ngay cạnh di tích lịch sử, nhưng từ các ga, mình có thể dễ dàng di chuyển bằng các phương tiện công cộng khác hoặc đi bộ để khám phá các khu vực lân cận, nơi có thể có các ngôi chùa, đình, chợ địa phương, quán ăn mang đậm bản sắc văn hóa”, Trúc nói.

Bạn trẻ thích thú trải nghiệm tàu điện Metro.

Bạn trẻ thích thú trải nghiệm tàu điện Metro.

Cùng với đó, Thanh Trúc nhấn mạnh: “Tàu điện giúp rút ngắn thời gian di chuyển giữa các khu vực, nên mình khám phá nhiều địa điểm hơn trong một ngày. Điều này cũng phản ánh nhịp sống hiện đại và nhu cầu tiết kiệm thời gian của người trẻ đô thị”.

Sự hưởng ứng của giới trẻ đối với những tour trải nghiệm văn hóa nội đô bằng tàu điện, buýt hai tầng, buýt điện và buýt sông cho thấy một xu hướng du lịch mới đang hình thành. Đó là sự kết hợp giữa tiện nghi hiện đại, ý thức bảo vệ môi trường và sự khát khao khám phá, tìm hiểu về những giá trị văn hóa truyền thống. Đây không chỉ là những chuyến đi chơi đơn thuần mà còn là hành trình để những người trẻ thêm yêu và tự hào về thành phố nơi mình sinh sống.

Thu Thảo

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/xanh-hoa-hanh-trinh-kham-pha-van-hoa-noi-do-sai-gon-post1731827.tpo