Ngôi đền thờ hai cha con cùng đỗ Trạng nguyên

Sử Hy Nhan và Sử Đức Huy là một trong những trường hợp đặc biệt trong lịch sử khoa bảng Việt Nam khi cả hai cha con cùng đỗ Trạng nguyên.

Khu vực thờ tự của 2 cha con Trạng nguyên Sử Hy Nhan và Trạng nguyên Sử Đức Huy.

Khu vực thờ tự của 2 cha con Trạng nguyên Sử Hy Nhan và Trạng nguyên Sử Đức Huy.

Hai cha con cùng đỗ Trạng nguyên

Sử Hy Nhan (? - 1421) nguyên họ Trần, người thôn Ngọc Sơn, xã Bình Lãng, huyện Thiên Lộc, phủ Nghệ An - nay thuộc phường Đức Thuận, thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh.

Trong sách Đại Nam nhất thống chí, Thiên Lộc huyện phong thổ chí, Can Lộc huyện chí đều chép ông đỗ đầu kỳ thi Hội năm Quý Mão (1363). Ông làm quan triều Trần dưới các triều đại Dụ Tôn, Nghệ Tôn, Duệ Tôn, đến chức Kim tử vinh lộc đại phu, Nhập nội hành khiển, Tri kinh diên Tri tân khách, đại học sĩ, được vua ban Kim ngư đại (túi thêu cá vàng).

Thời Trần Duệ Tông (1373 - 1377), theo cuốn Can Lộc huyện phong thổ chí và cuốn Đại Nam nhất thống chí căn cứ theo gia phả chép nói Sử Hy Nhan là người thông minh. Không sách nào Sử Hy Nhan không tinh thạo, mà sở trường nhất về môn Sử, cho nên được vua ban cho họ Sử (Hy Nhan nghĩa là hy vọng được như Nhan Uyên học trò Khổng Tử).

Tác phẩm nổi tiếng còn lại của Sử Hy Nhan là bài phú Trảm xà kiếm (Gươm chém rắn) là bài thi Đình được sưu tập trong bộ Quần hiền phú tập. Với tác phẩm này, Sử Hy Nhan được coi là một trong những tác giả văn xuôi chữ Hán hiếm hoi của lịch sử văn chương Việt Nam thời kỳ đầu. Bài phú được viết theo một lối dẫn dắt vừa kể, vừa gợi, vừa bình khá hấp dẫn.

Kết thúc bài phú, là một bài ca, Sử Hy Nhan viết: Kiếm này! Kiếm này! Là vật chẳng lành. Thánh nhân túng thế mới dùng mi, đâu phải vật quý. Ôi! Thánh triều ta sùng thượng văn học. Thiên hạ nhất thống, thái bình thịnh trị. Nếu có kiếm chừ, dùng đến mà chi.

Phát huy tinh thần hiếu học của gia đình, con ông là Sử Đức Huy (1360 - 1430) cũng đỗ Trạng nguyên khoa Tân Dậu (1381) đời Trần Phế Đế. Dù đậu cao, nhưng Sử Huy Đức không ra làm quan.

Dưới triều nhà Hồ, cha con Trạng nguyên lui về sống ở quê nhà Ngọc Sơn, mở trường dạy học. Năm 1407, nhà Hồ mất, giặc Minh sang cai trị nước ta cho quan lại đi tìm những ai có tài đức, thông kinh sử, giỏi thơ văn đưa sang Kim Lăng huấn luyện để về Đại Việt làm quan cai trị.

Thượng thư Hoàng Phúc đích thân đi chiêu dụ cha con Trạng Sử. Cha con ông lấy cớ bệnh tật già nua từ chối rồi cùng gia nhân và một số dân làng trốn lên đất Đỗ Gia (nay là huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh) dựng trại dưới chân núi để tính kế lâu dài.

Tại đây hai Trạng hướng dẫn người dân khai phá ruộng đất, cày cấy. Buổi đầu ở trại chỉ có một số người từ Ngọc Sơn lên. Ít lâu sau, dân nghèo đói nhiều nơi kéo đến xin ở lại làm ăn, ruộng nương được khai phá tới hàng nghìn mẫu. Theo truyền ngôn thì vùng xã Sơn Long, Sơn Trà (huyện Hương Sơn) và xã Ân Phú (huyện Vũ Quang, Hà Tĩnh) ngày nay đều được khai phá thời ấy.

Năm Ất Tỵ (1425) nghĩa quân Lam Sơn của Bình Định vương Lê Lợi vào xây dựng căn cứ ở Hương Sơn. Vừa lúc mãn tang Trạng cha, Trạng con - Sử Đức Huy liền tham gia kháng chiến rồi làm quan dưới triều Lê. Dân trong vùng, người theo ông vào nghĩa quân, người sản xuất lương thảo đóng góp vào việc nuôi quân đánh giặc.

Do có trí thông minh, tài giỏi hơn người nên ông được vua tin cậy. Vua 2 lần cử ông đi sứ Trung Quốc. Sau chuyến đi sứ thứ hai trở về (1430), Sử Đức Huy được thăng Thượng thư bộ Hộ. Không bao lâu ông mất tại quê nhà. Vua phái quan triều đình về phúng tế và cho dựng đền thờ ở núi Ngọc Sơn, thờ cả bài vị của phụ thân là Sử Hy Nhan. Biển gỗ đề là Song Trạng nguyên từ.

 Đường vào đền thờ Song Trạng Sử Hy Nhan và Sử Đức Huy.

Đường vào đền thờ Song Trạng Sử Hy Nhan và Sử Đức Huy.

 Khu vực thượng điện.

Khu vực thượng điện.

 Khu vực hạ điện vừa được đầu tư xây dựng với kinh phí hơn 1 tỷ đồng.

Khu vực hạ điện vừa được đầu tư xây dựng với kinh phí hơn 1 tỷ đồng.

Ngôi đền bên sườn núi

Đền Song Trạng tọa lạc trên sườn núi Ngọc Sơn (thôn Ngọc Sơn, xã Bình Lãng, huyện Thiên Lộc xưa - nay thuộc phường Đức Thuận, thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh).

Đền thờ được thiết kế xây dựng gồm thượng điện và hạ điện. Phía trước cửa ngôi đền có khắc 4 chữ lớn “Song Trạng nguyên từ”. Hai bên có hai câu đối sơn son thiếp vàng với ý nghĩa: Nghìn tầm núi Ngọc ngời khoa giáp/Một giải sông Minh sáng gia khương.

Với những giá trị về lịch sử, năm 1994, đền Song Trạng Nguyên được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia theo Quyết định số 321/QĐ-BT ngày 12/12/1994. Đây đồng thời cũng là nhà thờ của dòng họ Sử.

Hàng năm, cứ vào ngày 25/7 âm lịch, nhân dân phường Đức Thuận và đông đảo con cháu họ Sử lại tổ chức lễ Tế Kỵ nhật Song Trạng nguyên. Lễ Tế được cử hành trang trọng, đảm bảo tôn nghiêm, phù hợp với thuần phong mỹ tục.

 Bài vị được con cháu gìn giữ hàng trăm năm.

Bài vị được con cháu gìn giữ hàng trăm năm.

 Bằng công nhận Di tích văn hóa cấp quốc gia của đền thờ Song Trạng.

Bằng công nhận Di tích văn hóa cấp quốc gia của đền thờ Song Trạng.

 Ông Sử Phi Hải - Tộc trưởng họ Sử đồng thời là người trông coi đền thờ.

Ông Sử Phi Hải - Tộc trưởng họ Sử đồng thời là người trông coi đền thờ.

Tại buổi Lễ, lãnh đạo thị xã và phường Đức Thuận cùng đông đảo con cháu họ Sử tổ chức khai trống, dâng hương, tấu trình văn tế ôn lại thân thế, cuộc đời, công lao đóng góp của 2 cha con Trạng nguyên Sử Hy Nhan, Sử Đức Huy đối với đất nước; cầu mong cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa để tập trung nguồn lực xây dựng quê hương ngày càng phồn vinh, giàu đẹp.

Trải qua thời gian, nhiều hạng mục của đền Song Trạng đã xuống cấp, ảnh hưởng tới cảnh quan di tích. Đầu năm 2024, được sự đồng ý của Sở VH,TT&DL tỉnh Hà Tĩnh, UBND thị xã Hồng Lĩnh, UBND phường Đức Thuận và thể theo nguyện vọng của con cháu dòng họ tiến hành nâng cấp, tôn tạo lại nhà hạ điện của đền và khuôn viên sân với tổng kinh phí trên 1,5 tỷ đồng.

Trong đó, Sở VH,TT&DL hỗ trợ 140 triệu đồng, số còn lại do anh em, con cháu trong dòng họ đóng góp, ủng hộ. Sau gần 4 tháng thi công, đến nay công trình đã được hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Ngoài ra, trong ngôi đền vẫn giữ được một số hiện vật có niên đại hàng trăm năm như bài vị của hai Trạng nguyên… “Hiện nay, bài vị vẫn được con cháu trong dòng tộc gìn giữ xem như bảo vật. Bởi đây là những hiện vật còn lại kể từ khi hai Trạng nguyên mất đến nay”, ông Sử Phi Hải - Tộc trưởng đồng thời là người trông coi đền thờ cho biết.

“Việc trùng tu, sửa chữa các hạng mục của đền Song Trạng Nguyên nhằm góp phần giữ gìn công trình kiến trúc mang đậm nét truyền thống lịch sử văn hóa; giữ gìn di tích lịch sử - văn hóa Quốc gia. Đồng thời, nhằm tạo điều kiện để nhân dân trong vùng có nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, góp phần thực hiện Đề án phát triển văn hóa du lịch tâm linh trên địa bàn phường Đức Thuận”, ông Lê Hồng Thành, Chủ tịch UBND phường Đức Thuận, thị xã Hồng Lĩnh cho biết.

Phương Hồ

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/ngoi-den-tho-hai-cha-con-cung-do-trang-nguyen-post691344.html