Ngôi đình cổ bên dòng Vàm Cỏ Tây

Đình Phú Khương thuộc ấp 1, xã Mỹ Phú, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An đã gắn bó với người dân Phú Khương từ những ngày đầu khai hoang, lập ấp. 3 sắc thần đang được lưu giữ trong đình như một minh chứng cho sự hợp pháp của ngôi đình và làng xã dưới chế độ phong kiến. Ngôi đình nhỏ nằm bên bờ sông Vàm Cỏ Tây còn là 'chứng nhân' lịch sử cho tinh thần yêu nước của nhân dân ta.

Đình Phú Khương là địa danh lịch sử quan trọng trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Với địa hình thuận lợi cả đường thủy lẫn đường bộ, trong kháng chiến, đình Phú Khương phát huy tối đa vai trò là nơi sinh hoạt cộng đồng của người dân. Đình “chứng kiến” nhiều sự kiện quan trọng của người dân Phú Khương trong quá trình đấu tranh chống ngoại xâm và chở che cho cán bộ cách mạng.

Từ năm 1944, đình Phú Khương trở thành địa điểm hoạt động cách mạng. Đây là nơi ra mắt Đội Thanh niên Tiền phong tại địa phương, chuẩn bị cho Cách mạng Tháng Tám. Đây còn là nơi tập luyện võ nghệ, giấu vũ khí, điểm xuất phát, tập hợp lực lượng cho các cuộc đấu tranh. Các cuộc biểu tình, yêu sách đòi thực dân Pháp bỏ thuế thân, giảm tô, tăng tiền công, chống tuần canh ban đêm,… đều được bàn bạc và xuất phát tại đình
Phú Khương.

Đình Phú Khương ngày nay

Đình Phú Khương ngày nay

Sang giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, đình Phú Khương trở thành nơi dạy bình dân học vụ, cất giấu tài liệu, che giấu cán bộ cách mạng... Đặc biệt, vào những ngày tháng 4 lịch sử (năm 1975), đình Phú Khương là nơi trú đóng của Đại đội 13, lực lượng làm nhiệm vụ ngăn chặn địch phản công bằng đường sông Vàm Cỏ Tây. Cây dương trước đình trở thành đài quan sát cho lực lượng ta thời điểm đó. Sau năm 1975, đình là điểm tập trung cải tạo người làm việc cho chế độ cũ, dạy bổ túc văn hóa cho dân, nơi họp giải quyết các vấn đề về ruộng đất,…

Chiến tranh đã lùi xa, ngôi đình cũ vẫn nép mình dưới gốc dương cổ thụ, bên dòng Vàm Cỏ Tây lững lờ trôi. Gốc dương trước đình mấy mươi năm vẫn xanh tốt. Thân cây lớn quá vòng tay ôm của một người. Sau nhiều thăng trầm, đình Phú Khương hoàn thành “sứ mệnh” lịch sử của mình, trở về vai trò ban đầu là nơi sinh hoạt tín ngưỡng dân gian của người dân. Mỗi năm 4 lần, Ban Quản trị đình tổ chức các lệ cúng: Cầu an, Tống phong, Hạ điền, Thượng điền. Một trong những điểm đặc biệt của đình Phú Khương chính là bên trong đình có bàn thờ liệt sĩ do người dân và chính quyền địa phương lập nhằm ghi nhớ công ơn của người đi trước.

Điểm đặc biệt của đình Phú Khương chính là bên trong đình có bàn thờ liệt sĩ do người dân và chính quyền địa phương lập nhằm ghi nhớ công ơn của người đi trước

Điểm đặc biệt của đình Phú Khương chính là bên trong đình có bàn thờ liệt sĩ do người dân và chính quyền địa phương lập nhằm ghi nhớ công ơn của người đi trước

Sau nhiều năm xây dựng, ngày nay, ngôi đình nhỏ, không có nhiều vật dụng thờ cúng bên trong, đang có dấu hiệu xuống cấp. Mái võ ca nhiều chỗ thủng, các vết nứt xuất hiện trên cột và tường. Trưởng ban Quản trị đình Phú Khương - Lê Văn Hòa cho biết, nguồn quỹ của đình hiện tại không nhiều. Muốn trùng tu, xây cất lại đình cần có nguồn vốn lớn nên người dân dù muốn cũng chưa thể nào làm được.

Đình Phú Khương là nơi mang nhiều giá trị, cả về văn hóa lẫn lịch sử: Là đặc trưng cho văn hóa cộng đồng, làng xã Nam bộ (mỗi ngôi làng cần có đình làng vừa đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, vừa là nơi sinh hoạt cộng đồng), cũng là di tích quan trọng trong lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của người dân địa phương.

Với những giá trị đặc biệt đó, đình Phú Khương có nhiều tiềm năng về phát triển du lịch. Thuận tiện đường sông, chỉ cách TP.Tân An 3km theo hướng Vàm Cỏ Tây, đình Phú Khương hoàn toàn có thể là một điểm đến thú vị cho tour du lịch đường sông tại Long An./.

Thu Lam

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/ngoi-dinh-co-ben-dong-vam-co-tay-a118822.html