Ngôi đình thờ hai anh em có công đánh giặc Nguyên Mông

Đình Nhị Châu thờ hai vị Thành hoàng làng là anh em ruột tên húy Mai Ngô, Mai Độ, có công giúp vua Trần Nhân Tông đánh thắng giặc Nguyên Mông xâm lược lần thứ 3 (1288).

Quang cảnh đình Nhị Châu

Quang cảnh đình Nhị Châu

Đình nằm ngoài bãi sông Thái Bình thuộc khu III, phường Nhị Châu (TP Hải Dương). Đình-chùa Nhị Châu đã được công nhận là di tích cấp tỉnh năm 2005.

Huyền tích về Thành hoàng làng

Theo thần tích, vào cuối đời nhà Tống, đầu đời nhà Nguyên (Trung Quốc) có đôi vợ chồng nhà nọ sinh đôi được hai người con trai diện mạo khôi ngô, tuấn tú khác người thường. Cha mẹ đặt tên người anh là Mai Ngô, người em là Mai Độ. Sau khi cha mẹ qua đời, mãn tang, hai anh em nghèo túng lại gặp trong nước loạn, anh em chạy sang nước ta để lánh nạn.

Năm Trùng Hưng thứ 2 (1287) đời vua Trần Nhân Tông, nhà Nguyên đem quân sang xâm lược nước ta lần thứ 3. Khi vua đem quân đến sông Bạch Đằng thì gặp một chiếc thuyền có hai anh em ngài. Vua thấy Mai Ngô, Mai Độ là người có tài về văn võ nên cho đi đánh giặc. Vua phong anh là Tả tướng quân, em là Hữu tướng quân. Khi giúp vua đánh thắng giặc xong, hai ngài xin phép vua về thăm quê hương và phần mộ của cha mẹ. Khi hai ngài đến khúc sông Hàn Giang thì dông gió nổi lên, không may bị đắm thuyền nhưng cả hai ngài đều thoát chết, trôi dạt vào bờ. Nhất công trôi vào trang Vũ La (nay thuộc phường Nam Đồng), Nhị công vào trong đối ngạn khu vực thuộc trang Nhị Châu (nay là phường Nhị Châu, cùng ở TP Hải Dương). Nhất công cho mở đại tiệc mời phụ lão và nhân nhân đến dự mừng đã thoát chết và may mắn trôi dạt vào đất này. Xong việc, Nhất công thăm thân đệ tại xứ giáp đồng phía Nam nơi dân ở và tự hóa. Thấy sự lạ, dân Vũ La làm sớ lên tâu vua cấp cho 300 quan tiền cho lập miếu, đền để hương đăng phụng sự. Vì lẽ đó nên dân Nhị Châu cũng phụng sự.

Ban thờ công đồng ở gian giữa đại bái đình Nhị Châu

Ban thờ công đồng ở gian giữa đại bái đình Nhị Châu

Nhân dân phụng thờ

Theo sách “Hải Dương di tích và danh thắng” tập 2 của Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh, đình Nhị Châu được xây dựng khá sớm để thờ cúng các vị Thành hoàng làng. Tuy nhiên, căn cứ vào bia ký hiện còn tại di tích, đình đã trải qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo vào các năm: Chính Hòa thứ 5 (1684), Cảnh Hưng thứ 30 (1769), Tự Đức thứ 17 (1864), Tự Đức thứ 31 (1878), Thành Thái Kỷ Hợi (1899), Khải Định thứ 2 (1917) và Khải Định thứ 5 (1920).

Ban khánh tiết cho biết, trước Cách mạng Tháng 8 năm 1945, đình Nhị Châu có quy mô nhỏ, công trình chính gồm 5 gian gỗ lim và 2 dãy giải vũ. Năm 1992, đình bị hạ giải hoàn toàn. Năm 1995, nhân dân địa phương đã khôi phục lại di tích trên nền đất cũ với kiến trúc kiểu chữ nhị gồm 5 gian đại bái, chất liệu bê tông cốt thép đơn giản và 3 gian hậu cung, chất liệu gỗ tứ thiết chắc chắn. Trải qua sự biến thiên của thời gian, đình bị hư hại, gian đại bái phía trước bị xuống cấp. Năm 2019, với tâm sức của chính quyền và nhân dân địa phương, đình được trùng tu, tôn tạo lại khang trang to đẹp với kiến trúc kiểu chữ Đinh gồm 5 gian đại bái, 3 gian trung đình và 3 gian hậu cung như hiện nay. Gian đại bái chất liệu bằng bê tông cốt thép giả gỗ, móng tường xây bằng gạch chỉ, kết cấu kiểu đao tàu déo góc, mái lợp ngói mũi truyền thống, trên bờ nóc có đắp nổi đề án “lưỡng long chầu nguyệt”, hệ thống vì kèo kiểu con chồng đấu sen, họa tiết trang trí được đắp vẽ lá lật. 3 gian hậu cung phía sau vẫn giữ nguyên kiến trúc cũ đã xây dựng từ năm 1995.

Hàng năm lễ hội chính của đình được tổ chức vào ngày 13 và 14 tháng giêng âm lịch để tưởng nhớ các vị Thành hoàng có công với quê hương, đất nước. Trong lễ hội có tổ chức rước, tế lễ Thành hoàng và các trò chơi dân gian như đập niêu, kéo co...

NGỌC TÂM

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/di-tich/ngoi-dinh-tho-hai-anh-em-co-cong-danh-giac-nguyen-mong-159145