Ngôi đình 'vàng' ở Pleiku

Đình Kế Môn (tổ 5, phường Hoa Lư, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) đã tồn tại từ hơn nửa thế kỷ trước nhưng lại khá ít người biết đến. Từ làng Kế Môn, những người thợ kim hoàn đã tỏa ra khắp mọi miền đất nước, mở rộng thị trường khiến tiếng thơm về làng vàng Kế Môn ngày một vang xa.

Đây không phải là ngôi đình bằng vàng hay tô màu vàng mà là “mái nhà chung” do những người xuất thân từ làng nghề kim hoàn nổi tiếng cả nước-làng Kế Môn (xã Điền Môn, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế) di cư lên Pleiku cùng nhau dựng nên từ giữa thập niên 60 của thế kỷ trước. Tên ngôi đình đặc biệt này cũng có nguồn cội từ đó.

Đình Kế Môn (tổ 5, phường Hoa Lư, TP. Pleiku) đã tồn tại từ hơn nửa thế kỷ trước nhưng lại khá ít người biết đến. Đặc biệt, đó không phải là nơi hội họp của cộng đồng cư dân trong một làng gồm các thành viên tứ xứ như chúng ta thường thấy ở những ngôi đình làng khác, mà hầu như chỉ dành riêng cho những người đồng hương làng Kế Môn rời quê đi lập nghiệp.

Ông Trần Hữu Xuân (tổ 5, phường Tây Sơn) giới thiệu lịch sử đình Kế Môn tại Pleiku. Ảnh: Kiều Dung

Ông Trần Hữu Xuân (tổ 5, phường Tây Sơn) giới thiệu lịch sử đình Kế Môn tại Pleiku. Ảnh: Kiều Dung

Làng Kế Môn là nơi nghề kim hoàn đã có hơn 2 thế kỷ, do một người họ Cao từ Thanh Hóa vào truyền nghề vào cuối thế kỷ XVIII. Từ đó, danh tiếng làng dần lan truyền. Những người thợ lành nghề ngày càng nhiều, các món trang sức bằng vàng bạc được chế tác tại nơi đây ngày thêm tinh xảo, thỏa mãn nhu cầu của người dân đất kinh đô nhà Nguyễn. Rồi từ làng Kế Môn, những người thợ kim hoàn đã tỏa ra khắp mọi miền đất nước, mở rộng thị trường khiến tiếng thơm về làng vàng Kế Môn ngày một vang xa.

Ông Trần Hữu Xuân (SN 1945, trú tại tổ 5, phường Tây Sơn, TP. Pleiku) cho biết: Ông quê gốc ở làng Kế Môn, di cư lên Gia Lai từ năm 1965. Tại đây, ông tham gia việc đình Kế Môn từ những năm đầu, từng làm trưởng ban trị sự đình nhiều nhiệm kỳ, hiện ông là chánh bái. Đình Kế Môn được xây dựng từ năm 1967, do người Huế đồng hương làng Kế Môn góp công góp của mua đất và dựng nên. Đình có khuôn viên rộng hơn 200 m2, diện tích xây dựng chiếm khoảng 1/2 diện tích đất. Chánh điện gồm 2 tầng, tầng 1 là phòng tiếp khách, bếp, có cả nhà vệ sinh (một điều chưa thấy tại các ngôi đình khác tại Gia Lai); tầng 2 là nơi dành riêng cho việc thờ cúng. Đình là điểm sinh hoạt văn hóa của người gốc gác làng Kế Môn ở Gia Lai, chủ yếu là ở TP. Pleiku và huyện Chư Sê.

Văn tự bài trí trong đình Kế Môn cho chúng ta biết tinh thần thờ phụng chính của đình là tri ân tiền nhân. Tại bàn thờ chính trong chánh điện viết câu đối ngắn bằng chữ Nho: “Tiền nhân lưu đức/Hậu duệ hoài ân” (Người trước để công đức/Người sau ghi nhớ ơn). Bàn thờ 2 bên viết “Nam tiền nhân liên thôn quá vãng/Nữ tiền nhân liên thôn quá vãng” (Những người nam đã qua đời/Những người nữ đã qua đời) bằng chữ Quốc ngữ theo đồ án tròn. Chữ Nho lớn trên bàn thờ chính là “Thần”, còn các chữ Nho lớn vẽ bằng sơn đen và đỏ trước các bàn thờ và sân trên lầu đều là chữ “Phước”. Văn tự trên các tấm rèm trang trí trong chánh điện là câu niệm danh hiệu “A Di Đà Phật” xin từ chùa Bửu Phước (phường Tây Sơn, TP. Pleiku) từ năm 2008. Việc đình có quan hệ với chùa là khá phổ biến, không riêng trường hợp đình Kế Môn.

Quản lý điều hành hoạt động của đình và việc làng Kế Môn là những bậc cao niên, có uy tín được dân làng bầu ra, gồm trưởng làng là người cao tuổi nhất, phó làng là những người cao tuổi tiếp theo và Ban trị sự 5 người (1 trưởng ban, 2 phó trưởng ban, 1 thư ký, 1 thủ quỹ). Đặc biệt, nếu người làng Kế Môn tại đây qua đời, trong tang lễ sẽ có nghi thức “lộng gươm” (múa kiếm) mà theo ông Xuân cho biết là “đặc sắc, không thấy ở những nơi khác”.

Tác giả trò chuyện cùng ông Trần Hữu Xuân (trái). Ảnh: Anh Minh

Tác giả trò chuyện cùng ông Trần Hữu Xuân (trái). Ảnh: Anh Minh

Chánh lễ của đình Kế Môn diễn ra vào ngày 2 và 3 tháng 2 âm lịch hàng năm, trước lễ cúng mùa xuân tại nhiều đình làng ở An Khê, Đak Pơ 1-2 tuần. Kinh phí do dân làng Kế Môn tại Pleiku đóng góp, trước kia cúng 1 con bò, nay giảm xuống còn 20 kg thịt, đầu và đuôi heo, 8 con gà và chè xôi, hoa quả, nhang đèn. Trước đây, có khoảng 100 người tham dự với 10 mâm cỗ, nay giảm còn 6-7 mâm, tương ứng 60-70 người.

Ông Xuân cho biết thêm, đình thờ Thành hoàng, Thổ địa bản xứ, những người làng Kế Môn ở Gia Lai đã qua đời và cô hồn âm linh không nơi nương tựa. Lời cầu nguyện mà người dân làng Kế Môn gửi gắm các vị thần linh nơi đây là: Mong các vị thần linh che chở phù hộ cho con dân làng Kế Môn sống trên đất Gia Lai vạn sự bình an, làm ăn phát đạt tại quê hương mới. Cũng theo ông Xuân, không chỉ tại Gia Lai, mà các tỉnh Tây Nguyên khác như Đắk Lắk, Kon Tum, Lâm Đồng, người đồng hương làng Kế Môn cũng xây một ngôi đình riêng dành cho người Huế làng Kế Môn di cư lên.

Danh tiếng của làng Kế Môn được cả nước biết đến phần nhiều được những người thợ kim hoàn xây dựng và phát triển. Vì vậy, nhắc đến làng Kế Môn không thể không nhắc đến những tiệm vàng. Tại Pleiku, những người thợ kim hoàn làng Kế Môn xuất hiện đầu tiên vào thập niên 60 thế kỷ trước.

Theo ông Xuân, hiện nay, những tiệm vàng bạc danh tiếng nhất Pleiku như: Vĩnh Thạnh, Kim Chung, Ngọc Lợi, Ngọc Diệp cũng có gốc gác từ làng Kế Môn ở Huế xưa. Người theo nghề kim hoàn làng Kế Môn mỗi năm có 2 ngày cúng quan trọng. Ngày 7 tháng 2 âm lịch giỗ Đệ nhất tổ sư tri ân ông Cao Đình Độ đã có công học được nghề kim hoàn đem về; ngày 27 tháng 2 âm lịch giỗ Đệ nhị tổ sư tri ân ông Cao Đình Hương nối nghiệp cha là ông Độ, đồng thời có công truyền bá nghề kim hoàn cho dân làng Kế Môn.

Tuy nhiên, ông Xuân cho hay, ngày giỗ tổ nghề kim hoàn không tiến hành chung tại đình, mà được thực hiện riêng tại tư gia những người làm nghề kim hoàn với lễ vật thường là 1 con heo quay và xôi chè, hương hoa. Những người thợ kim hoàn cùng các hiệu vàng xuất thân làng Kế Môn Huế cũng là lực lượng mạnh và tích cực góp phần duy trì, phát triển hoạt động cho đình Kế Môn ở Gia Lai.

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/ngoi-dinh-vang-o-pleiku-post271714.html