Ngôi làng cổ Xứ Đoài mang đậm dấu ấn thời gian làm say lòng du khách
Làng cổ Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội mang đậm dấu ấn thời gian, không ồn ào, bịu bặm, chỉ có sự trong lành, của đất, của đá ong, của những ngôi nhà năm gian, hai trái.
Cổng làng Đường Lâm xây bằng đá ong, hai cánh làm từ gỗ lim theo hình cánh dế.
Bên trái là cây đa cổ thụ tỏa bóng mát, bên phải là một hồ nước trong xanh. Trước kia, đây là nơi nghỉ chân của những người nông dân sau giờ làm đồng.
Làng cổ Đường Lâm cách trung tâm Hà Nội khoảng 50 km. Từ lâu, điểm đến này được nhiều du khách yêu thích vì sự cổ kính và thanh bình.
Bà Chúa Mía là một vị Thánh Mẫu được dân chúng trong vùng kính nể, tôn thờ. Nhân dân trong vùng đã cho tạc tượng đưa vào phối thờ ở trong chùa Mía và cũng có một đền Phủ thờ riêng.
Trải qua nhiều thăng trầm cùng thời gian và lịch sử, chùa Mía và đền Phủ vẫn còn nguyên vẹn và là địa chỉ linh thiêng của người dân Đường Lâm và du khách gần xa.
Với những tác phẩm nghệ thuật điêu khắc và kiến trúc độc đáo, với quy mô bề thế và đẹp, chùa Mía đã được xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật.
Trọng tâm bảo tồn ở Đường Lâm là làng Mông Phụ, nơi có chiếc cổng cổ xưa nhất vẫn được gìn giữ tới bây giờ. Cổng làng được xây dựng từ năm 1833, phía trên tựa dòng chữ “Thế hữu hưng ngơi đại”, tạm dịch là thời nào cũng có người tài.
Làng Mông phụ có các ngõ khá rộng, chạy ngoằn ngoèo, uốn lượn và thường được lát gạch ở phần giữa. Dọc 2 bên đường là tường hậu của các nhà dân xây bằng đá ong, hay gạch mộc.
Rặng Duối nghìn năm tuổi, đình làng Mông Phụ 500 năm, nơi sinh thành hai vị vua lớn: Ngô Quyền, Phùng Hưng. Đường Lâm mảnh đất giàu truyền thống ấy còn là nơi lưu giữ 450 ngôi nhà cổ, người ta vẫn hay gọi bằng cái tên quen mà lạ: Những ngôi nhà thời gian.
Hầu hết các ngôi nhà cổ ở Đường Lâm đều được xây dựng bằng các vật liệu đặc trưng của vùng quê Bắc Bộ xưa như: gỗ quý, đá ong, rơm rạ, bùn non, đất sét… Đến với Đường Lâm, du khách như được lạc một thế giới yên bình của vùng quê xưa, tách biệt với cuộc sống đô thị xô bồ bên ngoài.
hông thể phủ nhận nét đẹp hiếm có tại nơi đây. (Ảnh: Phương Linh)
Theo thống kê ba làng Mông Phụ, Đông Sàng, Cam Thịnh có đến 800 ngôi nhà cổ truyền thống, được xây dựng chủ yếu bằng đá ong. Các ngôi nhà ở đây được làm theo kết cấu chữ Nhất, chữ Nhị, chữ Đinh và chữ Môn.
Vào những ngày đầu tháng 6, những người nông dân cũng bước vào mùa gặt. Làng Đường Lâm cũng vậy, những cánh đồng lúa chín vàng báo hiệu một mùa gặt đã đến.
Nơi đây mang dáng dấp của vẻ đẹp thanh bình, yên ả. Dù xã hội ngày một hiện đại, cuộc sống người dân ngày một cải thiện nhưng nơi đây vẫn giữ được những nét đặc trưng của làng quê Việt, đặc biệt là vào những ngày mùa.
Có lẽ hiếm nơi nào ở vùng Đồng bằng Bắc Bộ sở hữu nhiều đặc sản truyền thống gắn với tên đất, tên làng như Đường Lâm. Nhắc tới Đường Lâm, người ta nhớ tới tương Mông Phụ, gà Mía, thịt quay đòn, chè lam, kẹo dồi... Tất cả những sản vật ấy đều được làm từ những nguyên liệu sẵn có ở một làng quê truyền thống có lối sống nông nghiệp, được các thế hệ kế thừa, trao truyền kinh nghiệm từ đời này sang đời khác.
Điều đặc biệt ở Đường Lâm là vào bất cứ mùa nào, nơi đây cũng mang lại cho du khách một không gian yên bình, tĩnh lặng.
Nếu người Hội An tự hào về phố cổ, người Hà Nội hãnh diện với 36 phố phường thì những người con xứ Đoài cũng có thể tự hào về những ngôi nhà đá ong, và làng cổ Đường Lâm vẫn là một địa chỉ thu hút khách du lịch mỗi khi họ đến Sơn Tây - nơi đã đi vào thơ của Quang Dũng - Xứ Đoài mây trắng, làm ngẩn ngơ bao du khách.