Ngôi làng 'tặng ánh sáng' cho người mù
Nhiều năm qua, phong trào đăng ký hiến tặng giác mạc trên địa bàn xã Hải Minh lan rộng khắp.
![Những tấm giấy khen và kỷ niệm chương ông Phạm Xuân Phong được tặng trên hành trình nỗ lực cống hiến cho cộng đồng.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_15_181_51482029/e721adcc9e8277dc2e93.jpg)
Những tấm giấy khen và kỷ niệm chương ông Phạm Xuân Phong được tặng trên hành trình nỗ lực cống hiến cho cộng đồng.
Xã Hải Minh (Hải Hậu, Nam Định), đã có 102 người hiến tặng giác mạc, giúp những người mù lòa tìm thấy ánh sáng, trở lại cuộc sống bình thường và thêm tin yêu cuộc sống.
Người tiên phong mở lối
Nhiều năm qua, phong trào đăng ký hiến tặng giác mạc trên địa bàn xã Hải Minh lan rộng khắp. Những người từng phản đối, đấu tranh, kiên quyết giữ quan điểm không thể hiến tặng giác mạc sau khi mất, thì nay họ đã thay đổi nhận thức, tự nguyện đăng ký thực hiện nghĩa cử cao đẹp này.
“Theo cơ quan chuyên môn, giác mạc của những người bị HIV, viêm gan B hoặc chết đuối… thì không thể sử dụng được. Độ tuổi lấy giác mạc tốt nhất là từ 17 - 80 tuổi”.
Có được kết quả đó là nhờ vào tâm đức và công sức của ông Phạm Xuân Phong (SN 1954), Trưởng ban Bác ái xã hội, Giáo xứ Phạm Pháo, xã Hải Minh, huyện Hải Hậu. Ông Phong chia sẻ, nhờ sự giúp đỡ của Giáo phận, chính quyền địa phương, cùng lãnh đạo các sở, ngành, năm 2016 phong trào đăng ký hiến tặng giác mạc trên địa bàn xã được quan tâm và khích lệ.
Thời gian đầu, công tác tuyên truyền, vận động người dân đăng ký hiến tặng giác mạc gặp nhiều khó khăn bởi đa số bà con giữ nguyên định kiến, không ủng hộ. Bởi họ quan niệm rằng, giác mạc là một phần của cơ thể, khi qua đời, nếu không mang theo, họ sẽ trở thành người bị mù ở kiếp sau.
Với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, tuyên truyền bằng nhiều hình thức khác nhau, người dân hiểu đúng vấn đề đã tự nguyện đăng ký hiến tặng giác mạc cho người mù, giúp họ tìm thấy ánh sáng, trở lại cuộc sống bình thường và hòa nhập với cộng đồng.
“Để mọi người tin tưởng, ủng hộ, bản thân tôi và các thành viên trong Ban Bác ái xã hội đã tiên phong đi đầu, ký vào đơn tự nguyện hiến tặng giác mạc, đồng thời kêu gọi các thành viên trong gia đình cùng tự nguyện đăng ký hiến tặng giác mạc”, ông Phong cho biết.
Theo ông Phong, trong quá trình đi vận động người dân đăng ký hiến tặng giác mạc gặp nhiều trường hợp có hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống. Có người ốm đau bệnh tật, nằm liệt giường, thiếu chi phí sinh hoạt; có người thì sống neo đơn, không tiền chữa bệnh, thuốc thang…
Những trường hợp khó khăn đó đều được ông Phong giúp đỡ, hỗ trợ vật chất. Có trường hợp bị khuyết tật chân, không có khả năng đi lại được ông Phong hỗ trợ xe lăn, ngoài ra ông còn kêu gọi các tổ chức, mạnh thường quân giúp đỡ họ thêm về vật chất.
Thấu hiểu và cảm kích trước công việc thầm lặng, mang nhiều ý nghĩa của ông Phong, nhiều người trước đó nhận được sự giúp đỡ thường xuyên đã tự nguyên đăng ký hiến tặng giác mạc cho Ngân hàng Mắt, Bệnh viện Mắt Trung ương.
“Có rất nhiều trường hợp khó khăn trên địa bàn xã được chúng tôi giúp đỡ tận tình. Những lần hỗ trợ như thế, chúng tôi đều lồng ghép tuyên truyền, vận động họ đăng ký hiến tặng giác mạc, lâu dần họ cũng nhận thức được việc làm ý nghĩa đó”, ông Phong nói.
![Cụ Phạm Quang Hiện giới thiệu đơn tự nguyện đăng ký hiến tặng giác mạc của chính mình.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_15_181_51482029/e90da0e093ae7af023bf.jpg)
Cụ Phạm Quang Hiện giới thiệu đơn tự nguyện đăng ký hiến tặng giác mạc của chính mình.
![Ông Phạm Xuân Phong và cụ Phạm Quang Hiện cùng đọc lại đơn tự nguyện hiến tặng giác mạc.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_15_181_51482029/33487ba548eba1b5f8fa.jpg)
Ông Phạm Xuân Phong và cụ Phạm Quang Hiện cùng đọc lại đơn tự nguyện hiến tặng giác mạc.
Hành động cao cả, ý nghĩa
Ông Phạm Xuân Phong thông tin, đến nay trên địa xã Hải Minh đã có 102 người sau khi mất đã được Ngân hàng Mắt, Bệnh viện Mắt Trung ương lấy giác mạc để trao ánh sáng, niềm vui cho người kém may mắn.
Ông Phong dẫn chứng, trong số 102 người đã hiến tặng giác mạc, anh Vũ Văn Đ. (SN 1976) ở xóm 10, là người đầu tiên trong xã hiến tặng giác mạc khi qua đời vào năm 2016, ở tuổi 40.
Hay người cao tuổi nhất xã hiến tặng giác mạc là cụ Nguyễn Văn Nh. (SN 1924, mất năm 2018) ở xóm 33. Cụ Nh. hưởng thọ 94 tuổi. Còn cháu Vũ Mạnh H., xóm 9 (sinh năm 1996, mất năm 2018, hưởng dương 22 tuổi) là người ít tuổi nhất xã hiến tặng giác mạc.
Lật từng trang sổ, bên trong ghi chép cẩn thận các thông tin về người hiến tặng giác mạc, ông Phong nhớ như in về trường hợp anh Vũ Văn Đ., người đầu tiên ở xã Hải Minh hiến tặng giác mạc cho Ngân hàng Mắt. Cũng chính từ đó, việc tuyên truyền, vận động hiến tặng giác mạc tại địa phương được người dân hưởng ứng và ủng hộ.
Ông Phong kể, thời điểm anh Đ. bị ốm nặng, ông có đến thăm hỏi, động viên gia đình và vận động, thuyết phục anh đăng ký hiến tặng giác mạc. Mới đầu tất cả các thành viên trong gia đình đều từ chối. Nhờ vào sự kiên trì không bỏ cuộc của ông Phong mà anh Đ. đã đồng ý hiến tặng giác mạc của mình.
“Sáng ngày 9/12/2016, khi đang dự lớp tập huấn do cán bộ Ngân hàng Mắt, Bệnh viện Mắt Trung ương giảng dạy tại nhà thờ thì tôi nhận được tin anh Đ. mất. Hôm đó, cán bộ Ngân hàng Mắt chỉ chủ định về tập huấn nên không mang theo dụng cụ, thiết bị y tế. Rất may, được sự giúp đỡ của ngành y tế huyện, tỉnh, phía Ngân hàng Mắt cũng xử lý thành công ca hiến tặng giác mạc đầu tiên trên địa bàn xã”, ông Phong kể lại.
Ngoài ra, trường hợp của anh Nguyễn Văn T., (SN 1955), ở xóm 33 là con trai của cụ Nguyễn Văn Nh. người cao tuổi nhất xã hiến tặng giác mạc cũng khiến ông Phong nhớ mãi.
Anh Nguyễn Văn Th. bị ốm nặng và mất vào cuối năm 2017. Khi còn sống, anh Th. chưa đăng ký hiến tặng giác mạc. Nhận được thông tin anh Th. mất, lãnh đạo Ban Bác ái xã hội đến vận động, tuyên truyền gia đình của anh Th. hiến tặng giác mạc. Khi đó, các con của anh Th. không ai đồng ý.
Lúc này, cụ Nguyễn Văn Nh. là bố đẻ của anh Nguyễn Văn Th. đã đứng ra thuyết phục con, cháu của mình và quyết định để cán bộ Ngân hàng Mắt, Bệnh viện Mắt Trung ương lấy giác mạc của anh Th.
“Sau này, các con của anh Th., đã thay đổi nhận thức, thấu hiểu được hành động ý nghĩa nên tự nguyện đăng ký hiến tặng giác mạc và kêu gọi các thành viên trong gia đình cùng đăng ký hiến tặng giác mạc”, ông Phong xúc động cho biết.
![Ông Phạm Xuân Phong rà soát sổ sách, ghi thêm tên người dân đăng ký hiến tặng giác mạc.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_15_181_51482029/373278df4b91a2cffb80.jpg)
Ông Phạm Xuân Phong rà soát sổ sách, ghi thêm tên người dân đăng ký hiến tặng giác mạc.
Cho đi là còn mãi
Tuy đã bước vào tuổi thất thập cổ lai hy, nhưng ông Phong vẫn còn nhanh nhẹn, khỏe mạnh. Hàng ngày, ông thường đạp xe đi tuyên truyền, vận động người dân đăng ký hiến tặng giác mạc; phối hợp với các tổ chức thăm hỏi những gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã.
Bất kể thời điểm nào trong ngày, sáng sớm hay nửa đêm, trời mưa hay nắng, hễ nhận thông tin có người dân trong xã vừa mất, ông đều bỏ dở công việc, đến thăm hỏi, chia buồn với gia đình, đồng thời liên hệ với cán bộ Ngân hàng Mắt về lấy giác mạc khi đã nhận được sự đồng ý của gia đình.
Theo ông Phong, sau nhiều năm phát động, đến nay phong trào đăng ký hiến tặng giác mạc trên địa bàn xã Hải Minh đã được nhiều người dân địa phương đồng thuận và ủng hộ. Người dân đã cởi mở hơn, nghĩ thoáng hơn, tự nguyện đăng ký hiến tặng giác mạc sau khi mất với tinh thần “cho đi là còn mãi”.
Thậm chí, có nhiều trường hợp không may mắn qua đời đột ngột, dù chưa đăng ký hiến tặng giác mạc nhưng gia đình đã chủ động liên hệ với ông Phong để xin tự nguyện hiến tặng giác mạc.
Ông Phong cho biết, những câu chuyện thực tế về các trường hợp tự nguyện hiến giác mạc này chính là minh chứng cho hành động ý nghĩa, làm lay động lòng người, có sức thuyết phục hơn hàng vạn lần tuyên truyền.
Ông Phong liệt kê, trường hợp gia đình cụ Phạm Quang Hiện (SN 1934) xã Hải Minh có tất cả 5 người con, trong đó 4 trai, 1 gái; các con của cụ đều đã xây dựng gia đình và có tổ ấm riêng. Cụ có tổng cộng 20 cháu, cả nội lẫn ngoại.
Năm 2018, sau khi được tuyên truyền về phong trào hiến tặng giác mạc, vợ chồng cụ đã tự nguyện đăng ký hiến tặng giác mạc sau khi mất. Việc làm của vợ chồng cụ Hiện đã lan tỏa hành động đẹp trong nội bộ gia đình. Từ đó, tiếp thêm động lực, cho các con, các cháu theo gương.
Một thời gian sau, con trai, gái, dâu, rể, các cháu nội, ngoại của cụ Hiện đã ký vào đơn tự nguyện hiến tặng giác mạc.
“Gia đình tôi có 3 thế hệ vẫn đang cùng chung sống, đều tự nguyện đăng ký hiến tặng giác mạc, không ai ép buộc ai, mọi thành viên đăng ký trên tinh thần tự nguyện”, cụ Hiện nói với tinh thần phấn chấn và tự hào.
Gia đình ông Phong có 100% thành viên trên 18 tuổi tự nguyện đăng ký hiến tặng giác mạc. Điều đáng nói, trong gia đình ông Phạm Xuân Phong đã có 4 người hiến tặng giác mạc, được Bệnh viện Mắt Trung ương, Bộ Y tế tặng biểu trưng tri ân.
9 năm nay, ông Phạm Xuân Phong tự mình tuyên truyền, tích cực kêu gọi mọi người tự nguyện hiến tặng giác mạc. Với tấm lòng nhân ái và tinh thần trách nhiệm, ông Phong đã nhiệt tâm giúp đỡ nhiều hoàn cảnh, phận đời khó khăn, ốm đau bệnh tật.
Những cố gắng và sự đóng góp, cống hiến cho xã hội của ông đã được chính quyền các cấp, các đơn vị, tổ chức ghi nhận. Luôn tâm niệm “cho đi là còn mãi”, ông Phong hy vọng và tin tưởng rằng sẽ còn nhiều những tấm lòng tốt “gửi đôi mắt của mình rọi ánh sáng cho người khác”.
Ông Phạm Văn Việt, Phó Chủ tịch UBND xã Hải Minh cho biết, những năm qua, phong trào đăng ký hiến tặng giác mạc trên địa bàn xã lan rộng và phát triển mạnh mẽ. Nhiều người dân chủ động xin hiến tặng giác mạc sau khi mất.
Qua thống kê, đến nay, toàn xã có hàng nghìn người đăng ký hiến tặng giác mạc, trong đó có 102 người đã thực hiện nghĩa cử đẹp đẽ khi mất đi, tặng món quà đem lại ánh sáng cho người khác.
“Từ năm 2016 - 2023, Bệnh viện Mắt Trung ương và chính quyền các cấp đã tổ chức 6 đợt tôn vinh, tri ân những người hiến tặng giác mạc trên địa bàn xã Hải Minh. Riêng năm 2024, chúng tôi mới tổ chức đợt phát động hiến mô, tạng và giác mạc. Sau sự kiện Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và phát động chương trình “Đăng ký hiến tặng mô, tạng - cho đi là còn mãi” diễn ra vào tháng 5/2024”, ông Phạm Xuân Phong cho biết.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/ngoi-lang-tang-anh-sang-cho-nguoi-mu-post719403.html