Ngồi lâu có phải nguyên nhân gây bệnh trĩ?

90% bệnh nhân trĩ có thể điều trị thành công nếu phát hiện sớm.

Bệnh trĩ có nguy hiểm không, nguyên nhân gây bệnh trĩ chủ yếu là gì, thưa bác sĩ? (Dũng, Hà Nội)

Trả lời

Bệnh trĩ (dân gian còn gọi là lòi dom) hình thành khi các đám rối tĩnh mạch ở vùng hậu môn - trực tràng bị giãn quá mức, tạo thành búi trĩ sưng viêm.

Bệnh chia thành 2 loại: trĩ nội (búi trĩ ẩn bên trong ống hậu môn, thường gây chảy máu nhưng ít đau) và trĩ ngoại (búi trĩ xuất hiện ở rìa hậu môn, dễ gây đau rát, ngứa ngáy).

Bệnh trĩ không chừa một ai, từ người trẻ đến người già, đặc biệt là phụ nữ mang thai, dân văn phòng, tài xế lái xe, những người thường xuyên ngồi lâu, ít vận động là người có nguy cơ cao bị trĩ.

Cụ thể, 5 nguyên nhân gây bệnh trĩ gồm:

- Ngồi lâu: Việc ngồi liên tục 4-5 tiếng vô tình tăng áp lực lên tĩnh mạch hậu môn, cản trở lưu thông máu, khiến chúng phình to.

- Chế độ ăn thiếu chất xơ, uống ít nước: Khiến phân khô cứng, việc rặn mạnh khi đi vệ sinh như “cú đẩy” khiến mạch máu hậu môn phình to.

- Quá trình mang thai: Việc mang thai trở thành gánh nặng kép, thai nhi lớn dần chèn ép vùng chậu, kết hợp rặn đẻ khiến 50% sản phụ đối mặt với trĩ sau sinh.

- Stress: Căng thẳng kéo dài gây rối loạn tiêu hóa, dẫn đến táo bón hoặc tiêu chảy, cả hai đều tiếp tay cho trĩ phát triển.

- Nhịn đi vệ sinh: Trì hoãn “giải quyết nỗi buồn” khiến phân tích tụ, khô cứng, tạo áp lực lớn lên hậu môn.

 Bệnh chia thành 2 loại: trĩ nội và trĩ ngoại. Ảnh minh họa

Bệnh chia thành 2 loại: trĩ nội và trĩ ngoại. Ảnh minh họa

Bệnh trĩ thường diễn biến âm thầm, nhưng cơ thể luôn có cách lên tiếng. Dưới đây là một số triệu chứng cảnh báo bệnh trĩ:

- Chảy máu: Máu đỏ tươi dính trên giấy vệ sinh, nhỏ giọt vào bồn cầu hoặc lẫn trong phân... là dấu hiệu sớm nhất của trĩ nội.

- Ngứa rát: Dịch nhầy từ búi trĩ kích ứng da hậu môn, gây cảm giác nóng rát, đặc biệt khi ngồi lâu.

- Sưng đau: Xuất hiện cục u mềm ở rìa hậu môn (trĩ ngoại) hoặc cảm giác vướng víu khi đi vệ sinh (trĩ nội sa).

- Đau đớn: Cơn đau âm ỉ hoặc dữ dội khi trĩ bị tắc mạch (hình thành cục máu đông).

Để phòng bệnh trĩ, nên ăn uống khoa học, thông minh bằng cách tăng cường chất xơ; uống đủ 2 lít nước/ngày, hạn chế đồ cay nóng, rượu bia; vận động thường xuyên để giúp lưu thông máu; đi vệ sinh đúng cách, không ngồi quá 5 phút...

Ngoài ra, có thể ngâm hậu môn trong nước ấm 10 phút mỗi tối để giúp tăng tuần hoàn máu, làm dịu cảm giác khó chịu.

90% bệnh nhân trĩ có thể điều trị thành công nếu phát hiện sớm. Tùy mức độ nặng nhẹ và nguyên nhân gây bệnh trĩ, các bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp.

Trĩ nhẹ (độ 1, 2): Thay đổi chế độ ăn giàu chất xơ, uống đủ nước; kết hợp thuốc bôi/đặt hậu môn theo chỉ định để giảm viêm, ngứa.

Trĩ trung bình (độ 3): Bác sĩ sẽ dùng vòng thắt gốc búi trĩ, khiến chúng rụng sau 5-7 ngày; tiêm thuốc đặc trị làm teo búi trĩ, phù hợp với trường hợp chảy máu nhiều.

Trĩ nặng (độ 4): Cần trị dứt điểm bằng phẫu thuật, thường áp dụng khi búi trĩ sa nhiều, không thể co lại.

ThS.BS Phạm Như Hòa

Trung tâm Tiêu hóa gan mật - Bệnh viện Bạch Mai

THANH THANH

Nguồn PLO: https://plo.vn/ngoi-lau-co-phai-nguyen-nhan-gay-benh-tri-post848272.html