Nằm ở ngõ 252, phố Tây Sơn (Đống Đa, Hà Nội) khu lăng mộ Hoàng Cao Khải được xây dựng năm 1893 bởi Tổng đốc Hoàng Cao Khải (1850 – 1933). Ông là một đại thần dưới triều vua Thành Thái thời nhà Nguyễn và cũng là một nhà văn, nhà sử học của Việt Nam.
Lăng mộ này được xem là công trình đá lớn nhất Hà Nội và lớn thứ 2 Việt Nam chỉ sau Thành nhà Hồ (Thanh Hóa). Lăng Hoàng Cao Khải được xây toàn bộ bằng đá cẩm thạch trắng theo kiểu chữ ''Đinh'', dài 8m, cao 6m.
Trước cửa lăng có hai dãy tượng đá gồm 8 chiến binh cao khoảng 1,3m đừng gác 2 bên. Tuy nhiên, trải qua hàng trăm năm xây dựng đến nay chỉ còn lại 3 bức tượng kết cấu không hoàn chỉnh.
Khu lăng mộ có tính đặc thù cao về kiến trúc, toàn bộ công trình đều làm bằng đá cẩm thạch trắng. Họa tiết chủ yếu được chạm khắc trên đá là hoa sen, lá thông, đầu rồng mang đậm dấu ấn kiến trúc thời Nguyễn cuối thế kỷ 19.
Khu lăng mộ có kiến trúc tinh xảo, được đánh giá là đạt đến trình độ kỹ thuật cao tay trong nghệ thuật điêu khắc đá của người Việt. Năm 1962, di tích này được xếp hạng là di tích quốc gia.
Bên trong lăng mộ nhiều chi tiết đã xuống cấp theo thời gian song vẫn giữ vẻ cầu kỳ, tinh xảo.
Ngôi mộ bằng đá bên trong khu lăng mộ và những dòng chữ đã ngả màu thời gian. Trải qua hơn 100 trăm xây dựng, đến nay chiếc quan tài từ đá cẩm thạch vẫn còn nguyên giá trị lịch sử.
Theo ông Nguyễn Văn Nam - Tổ trưởng tổ tuần tra nhân dân cụm 9 chia sẻ: Di tích từng được tận dụng trở thành trụ sở tuần tra cụm dân cư số 9 của Công an phương Trung Liệt. Do lâu ngày không có người trông non nên khu lăng mộ bị bỏ hoang, dấu hiệu xuống cấp trầm trọng.
Đến này, khu lăng mộ thường xuyên trong tình trạng cửa đóng then cài. Thi thoảng, con cháu dòng họ này vẫn về thắp hương, thăm nom phần mộ cho ông vào dịp Tết.
P.Ngân