Ngôi mộ tập thể khổng lồ giữa cánh đồng Nam Định và những cuộc an táng xót xa
Người đàn ông râu tóc bạc phơ lặng lẽ làm lễ tiễn đưa các lĩnh hồn về trời, trong đêm tối nhập nhoạng.
Kỳ 1: Ngôi mộ kinh dị
Trời sầm sì sau trận mưa như trút nước. Tôi vòng về phía làng Quần Vinh Nghĩa Thắng (Nghĩa Hưng, Nam Định), rồi rẽ vào con đường bêtông xuyên qua rìa làng dẫn ra nghĩa địa của xứ đạo. Chiếc cổng sắt khép hờ. Hàng cau chạy thẳng hai bên đường. Những ngôi mộ giản dị, giống nhau, thấp lè tè với thánh giá ở trên bia.
Phía cuối nghĩa địa, sau đài tưởng niệm với tượng chúa, thánh giá, là hai lăng mộ đứng sừng sững cạnh nhau, mà chị chăn bò bảo là mộ tập thể. Hai lăng mộ tập thể lợp ngói, quét ve màu vàng, 4 góc đỏ thẫm nằm tách hẳn khỏi nghĩa địa, cách nghĩa địa xứ đạo một thửa ruộng.
Tôi lội bì bõm qua thửa ruộng đó, vòng lên phía trước hai lăng mộ. Tôi ngó vào bên trong, và dựng tóc gáy khi thấy hàng trăm “bát hương” nổi lều phều trong làn nước đục. Sau này tôi mới biết, những bình gốm giống bát hương đó chính là “tiểu” chứa hài nhi. Mỗi “bát hương” chứa một hài nhi. “Bát hương” nhỏ chứa hài nhi nhỏ, “bát hương” lớn chứa hài nhi lớn. Hỏi chủ nhân ngôi mộ tập thể kỳ lạ chứa hài nhi giữa cánh đồng, người dân chỉ tôi gặp ông Vũ Xuân Bao.
Lòng vòng qua mấy ngõ nhỏ tôi cũng gặp được chủ nhân của hai lăng mộ tập thể kỳ lạ này. Thoáng nhìn, tôi giật mình tưởng nhà sử học Dương Trung Quốc, với mái tóc và bộ râu trắng xóa, chỉ khác là bộ râu của ông Bao dài tới ngực. Nhìn bộ râu và mái tóc, cứ ngỡ ông phải ngoài 80, song thực tế, ông Bao mới 61 tuổi.
Tôi kể chuyện vừa ra thăm hai lăng mộ giữ hài nhi ngoài cánh đồng và kể chuyện trong mộ đầy nước, hàng trăm “bát hương” nổi lều phều, ông Bao sững người. Ông chạy xuống bếp lấy cái chậu nhựa to tướng, rồi cùng tôi chạy ra lăng mộ. Ông cuống cuồng nhìn những chiếc “quan tài” nhỏ xíu bằng gốm nổi lều phều trong làn nước đục. Ông gạt “quan tài” vào một góc “ngôi nhà”, rồi tát lấy tát để. Ông tát cạn nước trong mộ bên phải, lại sang tát mộ bên trái. Cứ tát cạn mộ này, thì nước lại chảy ngập mộ kia. Mưa lớn, nước ngập mương máng, tràn vào đồng ruộng, đáy mộ lại thấp, gia cố không kỹ, nên không thể ngăn được nước ngấm vào. Dù có tát cả ngày cũng vô dụng, chỉ có thể chờ nước tự rút đi.
Nước ngập vào mộ.
Ông Vũ Xuân Bao, chủ nhân của hai lăng mộ tập thể hài nhi khổng lồ buông chiếc chậu nhựa thẫn thờ. Ông chắp tay đứng trước hai lăng mộ vái lạy nói: “Các con thứ lỗi cho ông. Vì không có tiền làm móng chắc chắn, trát gia kiên cố chống thấm và chưa có tiền làm cửa, nên ông để các con phải chịu cảnh nước non ngập ngụa, tủi thân tủi phận thế này. Ông mong linh hồn các con tha thứ cho ông. Ông hứa sẽ sớm kiếm được tiền để gia cố mộ, làm cửa chắc chắn, để các con không phải chịu cảnh lụt lội này nữa. Mong các con được an vui nơi thiên đàng. Chúa sẽ phù hộ các con!”. Ông Bao đã bỏ tiền xây dựng hai ngôi mộ này để linh hồn các con được siêu thoát, để được người đời nhớ đến, hương khói. Tuy nhiên, ông đang xây dở thì cạn tiền, nên chưa hoàn thiện được.
Nhìn cảnh nước lớn, khiến 3.000 hài nhi ngập trong nước, lòng ông Bao như xát muối. Ông cứ ngồi bên mộ trò chuyện với các hài nhi. Tôi nghĩ, ông trò chuyện thế cho tâm hồn thanh thản, nhưng ông bảo, ông nói gì, “bọn trẻ” đều “nghe” thấy cả, chỉ có điều, “bọn trẻ” không biết nói lại với ông thế nào mà thôi.
“Có đêm, tôi đang ngủ, lũ trẻ đứa khóc, đứa cười, đứa nhõng nhẽo trước mặt. Chúng nó nhảy lên bụng tôi nghịch ngợm, rồi ngoáy mũi, ngoáy tai bắt tôi tỉnh dậy. Tôi lại phải làm lễ xức nước thánh, thắp nhang khấn vái cầu cho chúng nó siêu thoát, chúng nó mới hết trêu tôi đấy” – ông Bao kể.
Nghe ông Bao nói vậy, tôi không rõ ông đang ở thế giới thực hay mộng nữa. Riêng ông, ông kiên quyết khẳng định ông “nói chuyện” được với linh hồn các hài nhi, dù chỉ thi thoảng thôi. Với ý nghĩ ấy, ông thường xuyên chuyện trò, tâm sự với hơn 3.000 linh hồn hài nhi ở hai lăng mộ tập thể khổng lồ này.
Người dân trong vùng không dám lại gần hai ngôi mộ này.
Công việc kỳ lạ
Tôi với ông Vũ Xuân Bao ngồi uống nước trên bộ bàn ghế cổ, trong căn nhà mái ngói kiểu cổ, chờ người đưa hài nhi đến. Chiều nào cũng vậy, khi bóng tối sắp đến, thì có một người đưa hài nhi đến nhà ông rất lặng lẽ, rồi lặng lẽ đi.
Ngước nhìn đồng hồ, đã 6 giờ chiều, đến giờ làm lễ rửa tội, xức nước thánh và “nhập quan” cho các hài nhi. Ngày nào cũng có hài nhi, ngày nhiều thì trên dưới chục cháu, ngày ít nhất cũng 3-4 cháu.
Ông Bao chỉ tay lên chiếc hòm tôn trông như chiếc hòm thư đóng trên thân cây nhãn trước nhà bảo: “Cứ cuối ngày người ta lại bỏ các con vào cái hòm này đấy!”. Miệng nói, tay ông Bao mở hòm ra. Bên trong hòm tôn có một túi nilon màu đen khá to. Mở chiếc túi nilon ra đếm, ông Bảo bảo: “Hôm nay chỉ có 5 cháu thôi!”.
Ông Bao lấy mấy thẻ hương, cây thánh giá, rồi mang các cháu ra chái nhà, chỗ giáp nhà và bếp. Tại đây, có một cái bàn, trên mặt bàn đặt rất nhiều “quan tài” nhỏ xíu, mà bản chất là những bát hương. Chỗ thờ có một bát hương với chi chít chân hương và tượng chúa bị đóng đinh trên cây thánh giá.
Ông Vũ Xuân Bao lấy hài nhi từ chiếc hòm tôn trên cây nhãn do một người mang đến bỏ.
Ông Bao đốt 3 thẻ hương lầm rầm khấn vái dõng dạc: “Hôm nay có chú nhà báo về thăm các con. Các con phù hộ cho chú được mạnh khỏe, bình an, công tác tốt nhé. Bây giờ, ông sẽ làm lễ cho các em mới. Các con hãy đến đón các em lên thiên đàng, hưởng an lạc”.
Khấn vái xong, ông nhẹ nhàng nhấc từng hài nhi ra khỏi chiếc túi nilon đen xì. Mỗi hài nhi được đựng trong một chiếc túi nilon nhỏ riêng, lẫn với máu, nước ối. Những hài nhi này mới vài tuần tuổi, nên chỉ nhỉnh hơn đầu ngón tay một chút. Ông Bao rải hài nhi ra mặt bàn, lầm rầm đọc kinh thánh, giúp các linh hồn siêu thoát.
Ông tâm tình những điều ông suy nghĩ như một người cha với các con: “Con người sinh ra từ cát bụi, chết lại trở về với cát bụi. Các con không một lần được nhìn thấy mặt trời, nhưng Chúa thấu hiểu nỗi đau nên sẽ bù đắp cho các con vào kiếp khác. Các con hãy siêu thoát và đừng oán hận những người trần gian, vì họ cũng có nhiều nỗi buồn khó nói. Ông mong các con được thanh thản nơi thiên đường và phù hộ cho những người cha, người mẹ lầm lỗi, phải nuốt nước mắt, rứt ruột rứt gan từ bỏ các con”. Đọc kinh thánh, khấn vái xong, ông xức dầu thánh lên các hài nhi để rửa tội, giống như xức dầu thánh trong lễ tang của con chiên.
Làm lễ xức dầu thánh xong, trò chuyện, khuyên bảo “linh hồn” các hài nhi một lúc, ông Bao vào trong bếp xúc một đĩa ximăng, trộn đều cho nhuyễn. Ông lấy ra 5 chiếc bát hương mà ông đựng đầy trong mấy chiếc bao tải ở góc bếp. Đây là những chiếc bát hương mà ông đặt hàng ở một cơ sở gốm, gồm nhiều loại to, nhỏ. Loại to ông dành đựng những hài nhi lớn, vài tháng tuổi, loại nhỏ làm “quan tài” cho những hài nhi vài tuần tuổi.
Vừa nói chuyện với “linh hồn”, ông vừa nhặt từng hài nhi bỏ vào những chiếc bát hương mới coóng mà ông thửa sẵn. Ông dùng những cái nắp mà ông tự làm bằng chất liệu bêtông – chất liệu vĩnh cửu, đậy khớp vào miệng bát hương, rồi dùng ximăng vừa trộn nhuyễn trát lại cho kín. Sau khi trát kín miệng các “quan tài”, ông dùng chiếc bút lông đỏ đánh số cho các hài nhi. Hài nhi nhập quan cuối cùng trong ngày hôm đó mang số 3.155. Điều đó có nghĩa, đã có 3.155 hài nhi được ông Vũ Xuân Bao làm lễ rửa tội, xức dầu Thánh và an táng chu đáo.
Ông Bao làm lễ cho các hài nhi.
Với những hài nhi lớn, vài tháng tuổi, đã rõ hình hài, thì ông Bao làm lễ an táng cầu kỳ hơn. Mỗi cuộc mai táng sinh linh đã thành hình hài lớn này, ông đều không ngăn được nước mắt xót thương. Có những hài nhi đã 7-8 tháng tuổi, nặng đến 2,5kg, lớn như đứa trẻ bình thường, thế mà vẫn bị người ta bỏ đi.
Đã có cả chục lần, ông bế những cháu bé vẫn đang sống về nhà. Những trường hợp này đều có hoàn cảnh đặc biệt. Những người mẹ, người cha không chấp nhận sự ra đời của con, hoặc cứ nhùng nhằng giữa việc giữ hay bỏ, mà để thai lớn quá. Bác sĩ đã dùng phương pháp tiêm thuốc kích thích để đẻ non hoặc dùng máy hút ra. Khi cháu bé bị cưỡng ép ra ngoài, trông chả khác gì đứa trẻ bình thường. Nếu khi đó sử dụng khoa học hiện đại để nuôi dưỡng, những cháu này có thể vẫn sống được. Tuy nhiên, ông Bao chẳng thể làm cách nào cứu được các cháu. Chỉ vài tiếng sau là các cháu qua đời.
Với những hài nhi lớn này, ông Bao tắm rửa sạch sẽ, mặc bộ quần áo mới may vừa cỡ cho hài nhi. Ông đặt hài nhi dưới chân cây thánh giá, nơi có tượng chúa Giê-su bị đóng đinh rồi làm các thủ tục như làm tang cho người lớn. Ông đặt tên, nhận họ cho các cháu theo họ mình. Các cháu chính thức trở thành con cháu dòng họ Vũ của ông.
Hài nhi ít ngày tuổi...
...được táng vào những chiếc bát hương, với nắp bằng bê tông
Ông Bao mở cuốn sổ nhàu nhĩ cho tôi xem, tôi thấy kín mấy trang giấy là những sinh linh mang họ Vũ của ông, như: Vũ Xuân Hải, Vũ Xuân Trung, Vũ Xuân Nam, Vũ Xuân Dũng… Những sinh linh đã thành hình hài được nằm trong những chiếc áo quan bằng gỗ do ông tự đóng. Ông an táng các cháu ra nghĩa địa và đắp thành nấm mồ hẳn hoi với vòng hoa trắng nhỏ xíu xinh xinh do ông tự làm. Vài năm sau, ông cũng cải táng cho các cháu như người bình thường.
Sau khi làm lễ “nhập quan” cho các hài nhi, đêm xuống, chờ dân làng ngủ say, ông Bao lặng lẽ mang các hài nhi ra khu nghĩa địa an táng. “Đã 4 năm nay, ngày nào tôi cũng làm tang lễ cho các hài nhi. Cứ đều đặn 5 giờ chiều nhận hài nhi từ người thu gom, làm lễ rửa tội, xức dầu thánh, trò chuyện với linh hồn các hài nhi rồi làm lễ nhập quan. Tâm nguyện lớn nhất của tôi là linh hồn các hài nhi được siêu thoát. Mỗi linh hồn hài nhi được thanh thản nơi thiên đường, là nhân gian này bớt đi những tội lỗi chồng chất, những nỗi đau vợi bớt cõi lòng những người mẹ lầm lỗi…” – lời ông Bao nói cứ chìm dần vào bóng đêm liêu trai khắp ngả.
Những nén nhang thơm cháy đỏ lập lòe. Tiếng chuông nhà thờ xứ Quần Vinh ngân nga gọi các con chiên đến nghe lời răn của Chúa. Hình như, tôi nghe thấy từ trên cao xanh, lời than xót của Chúa với nhân gian oan nghiệt, đọa đày.
Còn tiếp…