Ngoi nam

Cuối tháng bảy âm lịch, trời còn gió nam, nắng không gắt mà cứ lu lu, nằng nặng. Ở đây (xứ hoa vàng cỏ xanh), được cái, gió nam cuối mùa thường mang theo mưa; mưa nhè nhẹ, vừa vừa, tạt ngang trên má nghe mát rượi. Lên học cấp 3, cứ mong mùa hè qua nhanh để được đạp xe lên trường huyện; thấy trong gió nam có vài cọng mưa xuyên theo chiều gió, tôi nói một mình như gợi ý mẹ tôi cho tiền mua vở mới: “Trời chuyển qua mùa thu rồi, mùa khai giảng...”. Cha tôi ngồi xắt thuốc chỗ hàng ba, ông bảo: “Trời ngoi nam đấy, nay mai đứt nam rồi ổng mới mưa to. Đêm mưa ngày nắng thì lúa trổ ngon chứ cứ sầm sầm rồi gió nam quay trở lại thì lúa trổ lép xẹp...”.

Lúc ấy, tôi quên hỏi cha tôi tại sao gọi là ngoi nam? Mà cũng không rõ là ngoi, ngoai, hay là nguôi nam. Nếu nghe sao viết vậy thì là “ngoi nam” nhưng đa số người quê tôi thì, oi, oai, có khi nói thành ôi, còn ôi thì có lúc lại nói thành âu. Rất hay, rất riêng nhưng nói ra ai cũng hiểu: Ngoi, ngoai hay nguôi nam cũng hiểu là gió nam không mạnh nữa mà đang giảm dần và mang theo mưa. Nói mưa nam thì càng chính xác.

Hồi ấy, việc đi lại phổ biến nhất là xe đạp và đi bộ, còn thông tin thì cứ “đến nơi rồi sẽ biết” chứ đâu có tivi, tin nhắn như bây giờ. Khi còn học ở trường làng, cuối tháng 7 âm lịch, trong gió nam rì rào nghe văng vẳng: “A lô a lô... các cháu học sinh từ lớp 1 đến lớp 9 sáng mai đến trường chuẩn bị khai giảng năm học mới” là gần như cả đêm tôi không ngủ...

Khi lên cấp 3, Bác Hai “truyền tin” ở thôn không quan tâm nữa, chúng tôi tự rủ nhau đến trường xem có thông báo gì chưa, đứa nào dạn hơn thì đi thẳng vào nội trú hỏi thầy cô “khi nào chúng em tới trường?”.

Bây giờ, “tuổi thơ đã đi qua không trở lại” (lời ca trong Hà Nội và tôi; Nhạc Lên Vinh, thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường) nhưng cứ nhìn trời chuyển ngoi nam là cảm xúc lâng lâng nhớ thời cắp sách đến trường. Và nhớ nhiều hơn là những mùa tựu trường đầu cấp; phải lên cấp 3 mới được đạp xe đi xa, những hạt mưa trong gió nam mới hằn sâu ký ức.

Trong suy nghĩ riêng tư, ngoi nam là bóng dáng giao mùa, sang thu của quê tôi. Mùa hạ, gió nam quật mạnh nhổm cả mái tôn, uốn cong cây cau bên thềm giếng đó là nam cồ. Nam cồ rồi cũng mỏi, sức gió giảm dần mang theo những cọng mưa nam là lũ nhỏ sắp sửa tựu trường.

Mùa thu tuổi trẻ của tôi lại quay về. Xe đạp ngược gió bọn con trai lưng cong riết, cố đạp mà vẫn chạy chậm rì; con gái, dáng huyền mỏng manh cái tuổi lớp 10, tay giữ vạt áo, đạp không nổi phải xuống xe dắt bộ. Đi bộ mà áo quần cứ tấp sát vào người cũng ghét, chỉ có cái nón lá thì ngoan ngoãn úp lên ngực không cần vịn, vẫn không rơi. Đứa con trai nào thấy bạn gái dắt bộ một mình, xuống xe cùng đi bên cạnh cho vui là bị bạn trêu đến tận mùa gió năm sau…

Mùa thu đấy chớ đâu, trong ngoi nam đấy, những bạn bè ham học, còn hè mà cứ mong trời chuyển ngoi nam để nghe trống tựu trường. Khí thế đầu năm học mạnh mẽ cuồn cuộn nên đạp xe ngược gió nam cồ cũng không nhằm nhò nói chi ngoi nam, gió vừa vừa, có vài hạt mưa mát rượi trên má, từng đôi xe đạp cứ chầm chậm chuyện trò “dễ mấy ai quên”.

Còn người lớn thì mỗi khi thời tiết qua đoạn nam cồ cũng thở phào nhẹ nhõm, yên tâm sửa lại tấm phênh dừng, chuẩn bị bồ cuốn, bồ góc đựng lúa vụ tám.

Thu sang từ lúc mẹ đưa tay, chạm mấy hạt mưa trên tóc bảo “trời ngoi nam, bữa nay chắc ít nắng”. Thu, nhưng lá vàng không rơi nhiều cũng dễ hiểu. Vì cuối hạ nam cồ thổi mạnh nên lá vàng thưa thớt, nếu không thì cũng te tua như tàu chuối sau hè, chỉ có ngoi nam là đúng hẹn. Ngoi nam lang thang tận tháng chín. Buổi tựu trường gái, trai gò lưng trên xe đạp, ngược gió, nhìn lưng áo bạn ướt đẫm, không rõ mồ hôi hay mưa nam mà nhớ mãi!

NGÔ TRỌNG CƯ

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/93/226905/ngoi-nam.html