'Ngoi ngóp' trong đợt dịch thứ 4, doanh nghiệp vận tải rất mong chờ sự trợ sức
Chưa kịp phục hồi sau 3 đợt dịch COVID-19 liên tiếp, thì đợt dịch thứ 4 lại đã bất ngờ ập đến, khiến các doanh nghiệp kinh doanh vận tải không kịp trở tay. Cảnh xe xuất bến lác đác vài khách, cũng chỉ chạy được vài chuyến trong ngày phổ biến. Trong khi đủ thứ chi phí vẫn tiếp tục dồn đến. Giải pháp đưa ra chỉ có thể là tiếp tục cắt giảm nhân công, bán bớt phương tiện, thu hẹp hoạt động... cầm cự cho qua đợt dịch.
Ngắc ngoải
Anh Cao Hùng, lái xe của Công ty du lịch Đồng Lợi (Hà Nội) cho biết: Từ năm 2020 đến nay đã có 4 đợt dịch COVID-19, thu nhập hàng tháng của lái xe trong công ty theo đó giảm sâu từ 30 triệu đồng/tháng xuống còn 8 triệu đồng/tháng hiện nay. "Cuộc sống gia đình bị đảo lộn vì trông chờ vào thu nhập của tôi. Dịch bệnh tiếp tục kéo dài, chắc tháng sau công ty phải cho nghỉ việc, không biết lúc đó, cuộc sống ngắc ngoải thế nào".
Không chỉ những lái xe như anh Hùng bị ảnh hưởng, mà khoảng 30 lao động khác trong công ty cũng gặp khó khăn, với mức lương giảm từ 10-12 triệu đồng/ tháng, xuống còn 2-3 triệu đồng/tháng, nhưng vẫn phải đi làm.
Anh Nguyễn Thanh Tùng, Giám đốc Công ty Du lịch Đồng Lợi chia sẻ, nguy cơ phá sản đang dần hiện hữu. "Dịch bệnh phức tạp kéo dài, tình hình tài chính khó khăn, như nhiều doanh nghiệp vận tải khách khác, công ty đã phải cắt giảm nhân công, cắt giảm gần 80% số phương tiện chạy tuyến cố định để tiết giảm chi phí, nhưng thu không đủ bù lỗ", anh Tùng cho biết.
Tương tự, ông Đỗ Văn Bằng, Giám đốc Công ty TNHH Minh Thành Phát, sở hữu hãng xe Sao Việt, than thở: Doanh nghiệp đang đau đầu tìm cách trả khoản nợ và lãi gần 1 tỷ đồng/tháng cho ngân hàng, vì chính sách giãn nợ hỗ trợ COVID-19 đợt trước đã hết hiệu lực. "Từ đầu tháng 5/2021 đến nay, 100% xe khách của đơn vị gần như dừng hoạt động do không có khách. Doanh nghiệp có 100 xe, nhưng chỉ 2- 3 xe chạy để duy trì tuyến. Một chuyến xe từ Hà Nội - Lào Cai hiện chạy chỉ thu được 2 triệu đồng, trong khi chi phí vận hành tốn khoảng 7,5 triệu đồng/chuyến...", ông Bằng chia sẻ.
“Cứ chạy là lỗ, mà không chạy thì khách bỏ, mất lốt. Mỗi tháng doanh nghiệp phải bù lỗ từ 8-10 tỷ đồng để duy trì tuyến, thuê trụ sở, trả nợ ngân hàng và thực hiện chế độ, chính sách cho người lao động. Doanh nghiệp đang đứng trước nguy cơ phá sản nếu dịch bệnh kéo dài và không được hỗ trợ kịp thời bằng việc khoanh, giãn nợ cho doanh nghiệp”, ông Bằng cho biết thêm.
Cùng chung cảnh ngộ, Giám đốc Công ty TNHH MTV Ninh Quỳnh, chạy tuyến Hà Nội- Lạng Sơn, chia sẻ, ứng phó 4 đợt dịch chưa có hồi kết, doanh nghiệp hiện đã rơi vào tình trạng kiệt quệ. Một tháng qua, nhà xe đã vắng khách, chỉ lác đác vài người/chuyến, thậm chí, thường xuyên phải chạy xe rỗng.
Chính sách hỗ trợ cần trực tiếp chia sẻ với người lao động
Trước những khó khăn này, doanh nghiệp vận tải cần có những sự hỗ trợ về nguồn lực. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, cho biết, hầu hết các doanh nghiệp vận tải hiện nay đều không thực hiện được các thủ tục để xin hỗ trợ, bởi không thể đáp ứng đủ các điều kiện đặt ra.
Vì thực tế, các doanh nghiệp vận tải khách khi đăng ký kinh doanh vận tải, xin cấp giấy phép hoạt động chạy tuyến cố định hay làm thủ tục vay vốn ngân hàng... đều phải thông qua các cơ quan quản lý Nhà nước tại địa phương như các Sở Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, GTVT. Đến khi dịch bùng phát khiến hoạt động sản xuất kinh doanh vận tải lao đao, các doanh nghiệp phải tự xoay sở tồn tại và chờ các gói hỗ trợ COVID-19 từ Chính phủ, nhất là các chính sách giãn nợ, lùi thời hạn trả nợ gốc, lãi vay các khoản đầu tư của doanh nghiệp... triển khai xuống địa phương cơ sở.
Theo ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT), Bộ đã đề xuất các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp và đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Thủ tướng. Cụ thể, các doanh nghiệp vận tải hành khách kiến nghị cho phép kéo dài hiệu lực của Thông tư số 112/2020 về mức thu một số khoản phí, lệ phí đến hết năm 2021; kéo dài thời gian giảm 30% phí bảo trì đường bộ đối với xe khách và 10% với xe tải đến hết năm nay; đồng thời, giảm thuế giá trị gia tăng về 0%, giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp bị thiệt hại nghiêm trọng bởi dịch, cho giãn nộp 6 tháng đối với số thuế còn nợ đọng đến hết năm.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại cần tiếp tục có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vận tải hành khách bằng việc giảm hoặc không tính lãi suất đối với các khoản vay. Giãn nợ bao gồm cả gốc và lãi từ 6-12 tháng cho các doanh nghiệp vận tải...
Ở góc độ quản lý doanh nghiệp vận tải đường bộ, bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT) chia sẻ, từ đầu năm đến nay, Tổng cục đã kịp thời có những chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, đơn vị vận tải thực hiện việc cắt giảm số chuyến/lượt hoặc đề xuất tạm dừng hoạt động để giảm thiểu thiệt hại; đồng thời, tiếp thu, thống kê những vướng mắc doanh nghiệp vận tải các địa phương, bến xe đề xuất kiến nghị lên các cấp có thẩm quyền những giải pháp tháo gỡ.
“Tổng cục vừa tham mưu Bộ GTVT gửi văn bản tới Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại đề nghị tiếp tục có chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp kinh doanh vận tải giảm hoặc không tính lãi suất đối với các khoản vay như: Giảm 50% lãi suất vay cho các khoản phải trả lãi (trong số này Nhà nước hỗ trợ 25% và ngân hàng 25%), áp dụng mức lãi suất ưu đãi cho doanh nghiệp nhưng tối đa không quá 6%/năm; giãn nợ bao gồm cả gốc và lãi từ 6 - 12 tháng”, bà PhanThị Thu Hiền cho hay.
Ngoài ra, Tổng cục cũng kiến nghị Bộ Tài chính cần tiếp tục cho phép kéo dài hiệu lực của Thông tư 112/2020 đến hết ngày 31/12/2021; Thông tư 74/2020 đến hết ngày 31/12/2021 và các chủ đầu dự án BOT miễn, giảm phí BOT trong thời gian có dịch và xem xét chuyển phí sử dụng đường bộ đã mua vé tháng cho ô tô qua trạm thu phí, nhưng do dịch bệnh, nên không được hoạt động sang tháng sau…
Tuy nhiên, trong khi chờ chính sách hỗ trợ từ các cơ quan quản lý Nhà nước và sau khi "thấm đòn" từ 3 đợt dịch COVID-19, các doanh nghiệp vận tải đường bộ cần nỗ lực tái cơ cấu, đứng dậy bằng chính đôi chân của mình, chấp nhận sống chung, thích ứng để phát triển cùng dịch.
Giám đốc Công ty Mai Linh Nguyễn Công Hùng: Trên cơ sở các gói hỗ trợ hiện có, các ngân hàng cần cho doanh nghiệp vay theo hình thức tín chấp theo gói vay ngắn hạn, với lãi suất ưu đãi để có tiền trả lương cho người lao động và quay vòng sản xuất, vì doanh nghiệp không có doanh thu, nhưng vẫn phải duy trì bộ máy vận hành.