Ngôi nhà bình yên của 200 con gấu tật nguyền
12 giờ trưa ngày 30/8/2023, gấu cái Holly được đẩy vào phòng mổ hiện đại với đầy đủ trang thiết bị tại bệnh viện gấu thuộc Trung tâm Cứu hộ gấu Việt Nam. Hôm ấy, các bác sĩ thú y kiểm tra sức khỏe tổng thể cho Holly thì phát hiện túi mật của gấu có sỏi nên tiến hành ngay ca phẫu thuật. Qua lớp cửa kính, chúng tôi nín thở theo dõi diễn biến ca mổ.
Holly đã được gây mê, đang "ngủ say” trên bàn mổ, tay trái cụt ngủn của nó giơ lên theo tư thế tự nhiên. Bàn tay ấy trước kia đã bị người ta cắt để ngâm rượu. Còn tình trạng sỏi mật hiện tại là hệ quả sau những tháng ngày Holly bị nuôi nhốt tàn nhẫn và rút mật kéo dài. Thật may mắn, Holly đã thoát khỏi địa ngục trần gian khi được cứu hộ về đây…
Những vết thương mãi ám ảnh giày vò
Shaun Thomson - bác sỹ thú y cao cấp của Trung tâm Cứu hộ gấu Việt Nam hôm ấy mổ chính và 2 bác sĩ thú y khác phụ mổ. Quanh bàn mổ cho con gấu nặng 123kg này là máy điện tim, máy gây mê bằng khí gas xịn xò. Ca mổ cắt túi mật chuyên nghiệp đến mức nếu chỉ nhìn qua thì ai cũng nghĩ đây là cuộc phẫu thuật… cho người. 15 giờ, ca phẫu thuật kết thúc, gấu Holly được chuyển sang phòng hậu phẫu để nghỉ ngơi. 30 phút sau nó tỉnh lại, được cho ăn và uống thuốc giảm đau. Đêm ấy, Holly ở lại bệnh viện để được chăm sóc, theo dõi sức khỏe. Bây giờ thì nó đã được xuất viện, trở về khu vườn bán tự nhiên thân thuộc.
Trung tâm Cứu hộ gấu Việt Nam rộng khoảng 12ha nằm lọt trong thung lũng Chắt Dậu thuộc Vườn quốc gia Tam Đảo (Vĩnh Phúc) hiện là một trong hai trung tâm có chức năng cứu hộ gấu lớn và tốt bậc nhất khu vực. Ở đây, những buổi khám sức khỏe, những ca mổ như thế thường xuyên diễn ra. Bởi trong số hơn 200 cá thể gấu được cứu hộ và nuôi dưỡng tại Trung tâm, đa phần là gấu tật nguyền, không thể sống được nếu thả về môi trường tự nhiên. Những tháng ngày dài sống trong lồng sắt han rỉ, chật hẹp, bị rút mật triền miên đã khiến cơ thể chúng trở nên tàn tạ, ốm yếu. Khi được cứu hộ về đây, nhiều con trong tình trạng đói khát, suy dinh dưỡng. Nhưng ngược lại, có con được chủ nuôi cho ăn vô tội vạ thành ra thừa cân béo phì và bị... tim mạch. Có con mù hai mắt, có con cụt chi, cơ thể mang đầy thương tích, sẹo chằng chịt, những khối u, những cơn đau, và cả những bất ổn trong tâm tính. Các bác sĩ thú ý của Trung tâm cho chúng tôi biết có khoảng 60-70% gấu ở đây bị... cao huyết áp. Đa số gấu phải “sống chung” với thuốc cả đời.
Có con gấu đáng thương được cứu hộ trong tình trạng thảm hại. Do bị nuôi nhốt lâu năm, ít được uống nước và ăn đồ tươi nên răng gấu bị sâu, mảng bám, viêm loét miệng. Móng chân nó không được mài thường xuyên ở tự nhiên nên mọc dài ra và quắp lại, đâm sâu vào bàn chân gây chảy máu, nhiễm trùng. Một khối u trong gan do thường xuyên bị chiếc kim dài cả gang tay đâm xuyên qua để rút mật. Thương con gấu cả đời chưa một lần được tự do chơi đùa, tha thẩn đi lại trong khu bán hoang dã cùng bầy đàn, nhân viên chăm sóc đã đem về cho gấu một mảng cỏ xanh non. Đó là lần đầu tiên, và cũng là lần cuối cùng bàn chân gấu được chạm vào cỏ cây giữa thiên nhiên xanh mát. Chỉ kịp sống những ngày tháng hạnh phúc ngắn ngủi, được chăm sóc, nó đã chết sau đó không lâu. Đó là một kí ức buồn với tất cả cán bộ, nhân viên ở đây.
Có tận mắt chứng kiến cuộc sống của gấu ở khu bán hoang dã bình yên, mới thấy chúng quả là may mắn khi được cứu thoát từ các trang trại nuôi gấu hút mật, được sống cuộc sống lý tưởng khi hưởng sự chăm sóc hàng đầu về y tế và chế độ ăn khoa học, đủ chất. Trong đó "khu gấu còi" là nhà của những cá thể gấu ốm yếu, gầy bé nhất được ưu tiên nằm ngay sát bệnh viện gấu để tiện theo dõi và chữa trị. Trong khu nuôi gấu bán tự nhiên rộng rãi, có con tha thẩn tìm thức ăn, con leo trèo, con đang tắm mát, con nằm võng thiu thiu ngủ… Bàn chân chai sần, nứt nẻ trước kia do đứng trên nền xi măng, trên thanh sắt lâu ngày nay được dẫm lên cỏ, chạm vào đất đã dần mềm mại, linh hoạt trở lại.
Ở môi trường an toàn, những con gấu dần được phục hồi. Nhưng nhiều con vẫn bị ám ảnh bởi quá khứ, nỗi sợ sệt, hoảng loạn không thể mất đi trong ngày một ngày hai. Từ bên ngoài hàng rào điện, chúng tôi chứng kiến một con gấu ngựa liên tục lắc lư cái đầu, cả thân người chao qua chao lại như "lên đồng" hàng tiếng đồng hồ không nghỉ. Anh Tiến, nhân viên của trung tâm kể rằng, con gấu này mặt chằng chịt những sẹo do trước kia tại cơ sở nuôi gấu bị đánh và thường bị thương khi cọ vào song sắt từ ngày này qua ngày khác. Dù bây giờ nó được sống trong môi trường "như mơ" nhưng những sang chấn tâm lý vẫn nặng nề và chưa thể phục hồi. Ngày nào nó cũng tách đàn, lặng lẽ đến góc vườn, đứng đúng vị trí ấy và "lên đồng" rất lâu. Khoảng đất nơi nó đứng đã trụi cỏ và rộng đúng bằng diện tích lồng sắt ngày trước nó từng bị nhốt. Có lẽ lúc ấy nó vẫn tưởng đang bị nhốt trong chiếc lồng sắt kia, trước sự bủa vây của những đau đớn, sợ hãi, đói khát và bất lực.
Vẫn còn nhiều phận gấu "sống mòn"
17 năm qua, Trung tâm Cứu hộ gấu Việt Nam do Tổ chức Động vật châu Á hợp tác với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng và vận hành tại Vườn quốc gia Tam Đảo đang dần hoạt động hết công suất cứu hộ. Tính đến nay, Trung tâm đã cứu hộ và chăm sóc 265 cá thể gấu ngựa và gấu chó tại Việt Nam, trong đó 201 cá thể đang được chăm sóc suốt đời trong an toàn và tự do tại 10 khu nuôi gấu bán tự nhiên. Đó là nỗ lực rất lớn để bảo tồn loài gấu trong bối cảnh loài vật này ở Việt Nam đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng do suy giảm môi trường sống và do nạn nuôi nhốt gấu lấy mật hết sức tàn nhẫn vẫn đang tồn tại.
Với sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng, hơn 20 tỉnh thành đã chấm dứt nạn nuôi nhốt gấu như Quảng Ninh, Thừa Thiên - Huế, Bến Tre... Mới đây nhất, ngày 4/8/2023, con gấu cuối cùng bị nuôi nhốt ở tỉnh Hà Nam đã được cứu hộ an toàn. Chủ nuôi gấu là một hộ gia đình ở thị xã Duy Tiên đã làm đơn tự nguyện chuyển giao gấu cho Nhà nước. Đó là chú gấu may mắn hơn rất nhiều cá thể gấu khác vẫn đang bị sống đày đọa trong lồng sắt tù túng, chưa biết ngày nào được về với thiên nhiên.
Mặc dù ở Việt Nam, từ năm 1992, hành vi nuôi nhốt gấu lấy mật là phạm pháp, nhưng đến nay việc thi hành pháp luật vẫn còn nhiều hạn chế. Tuy việc chích hút mật gấu là trái phép, nhưng người dân vẫn được phép nuôi gấu tại nhà. Với vỏ bọc nuôi gấu để phục vụ khách tham quan, nhiều chủ trại gấu lợi dụng kẽ hở này để lén lút chích hút mật, buôn bán mật và các sản phẩm khác từ gấu. Theo số liệu mới nhất của Cục Kiểm lâm Việt Nam, hiện còn khoảng hơn 300 cá thể gấu đang mắc kẹt trong các trại nuôi nhốt gấu trên cả nước. Tuy các cơ quan chức năng vẫn giám sát, kiểm tra định kỳ nhưng các cơ sở này vẫn chưa chịu giao nộp gấu. Tại Hà Nội, hiện vẫn còn hơn 100 con gấu bị nuôi nhốt. Đây là thách thức không nhỏ đang đặt ra cho Trung tâm Cứu hộ gấu Việt Nam.
Bà Heidi Quine đến từ Australia, là Giám đốc Quản lý gấu và thú y, Trung tâm Cứu hộ gấu Việt Nam khẳng định rằng họ sẽ không dừng lại cho tới khi cá thể gấu cuối cùng được cứu hộ. Trung tâm vẫn kiên trì vận động các gia đình, các trại nuôi gấu hợp tác, tự nguyện giao nộp gấu. Đồng thời hợp tác với các nhà bệnh học, các bác sĩ đông y đưa ra nhiều bằng chứng chứng minh rằng mật gấu không phải là "thần dược", mà ngược lại, sử dụng mật gấu có thể gây nguy hại đến sức khỏe con người. Thay vì lạm dụng mật gấu, hoàn toàn có thể dùng các cây thuốc có tác dụng thay thế mật gấu. "Sẽ chẳng có ai chết vì thiếu mật gấu. Ngược lại, dường như người ta còn trở nên bệnh tật hơn, thậm chí có thể chết vì sử dụng mật gấu", Tiến sĩ Jill Robinson MBE, Tổng giám đốc Tổ chức Động vật châu Á nhấn mạnh.
Một biên bản hợp tác giữa Tổ chức Động vật châu Á và Tổng cục Lâm nghiệp Việt Nam đã được kí kết với để chấm dứt nạn nuôi gấu lấy mật, trong đó đặt ra mục tiêu xây dựng thêm một trung tâm cứu hộ gấu nữa để đảm bảo công suất cứu hộ toàn bộ 300 cá thể còn lại. Hiện Trung tâm Cứu hộ gấu Việt Nam 2 đang được xây dựng tại Vườn Quốc gia Bạch Mã (Thừa Thiên - Huế), có thể đón gấu cứu hộ trong năm 2023 này.
Dù thế, Giám đốc Heidi Quine cũng phải xót xa thừa nhận rằng, dù Trung tâm có cố gắng tạo ra môi trường cho gấu tốt đến đâu thì cũng không thể thay thế được những cánh rừng xanh um, mênh mông vô tận. Đó mới thực sự là nhà của gấu. Tiếc rằng chúng không thể trở về nơi ấy với một cơ thể mang nhiều vết thương cả về thể chất lẫn tinh thần.