Ngôi nhà chung của hai người bạn U50 không kết hôn ở Hàn Quốc

Gần 50 tuổi, không thích kết hôn và cũng chẳng muốn ở một mình, hai người bạn Hwang Sunwoo và Kim Hana dọn về sống chung, chăm sóc cho nhau như một gia đình.

Tại sự kiện kỷ niệm và thảo luận về cuốn sách do Hwang Sunwoo và Kim Hana (đều 47 tuổi) viết về cuộc sống chung của họ khi là những người phụ nữ độc thân ở Hàn Quốc, một người đàn ông đã đến để chỉ trích các tác giả.

Người này nói với Hwang và Kim rằng họ đang khiến cho đất nước có tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới trở nên tồi tệ hơn. Ông cho rằng cuốn sách của cả hai sẽ khuyến khích những phụ nữ khác học theo và không kết hôn.

"Điều trớ trêu là người đàn ông này, ở độ tuổi giống chúng tôi, cũng chưa lập gia đình. Ngày càng có nhiều người chọn không kết hôn hoặc không sinh con, nhưng thường chỉ có phụ nữ bị đổ lỗi", Hwang nói với The New York Times.

"Phụ nữ ở độ tuổi 40 chưa kết hôn là chuyện bình thường"

Xã hội Hàn Quốc mang nặng tính gia trưởng và được xây dựng dựa trên ý tưởng truyền thống về gia đình. Nhiều lợi ích của chính phủ - thuế, nhà ở, bảo hiểm và các ưu đãi khác - được thiết kế riêng cho các gia đình. Đổi lại, gia đình phải gánh vác phần lớn phúc lợi xã hội, chẳng hạn như chăm sóc người thân ốm đau hoặc người già.

Những chuẩn mực lâu đời như vậy có thể sẽ thay đổi. Hôm 18/7, Tòa án Tối cao Hàn Quốc đã công nhận tư cách "người phụ thuộc" trong bảo hiểm y tế quốc gia cho cặp đôi đồng giới. Quyết định này được các nhà hoạt động nhân quyền hy vọng có thể mở đường cho việc hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới ở nước này.

Nhưng với việc nhiều người Hàn Quốc không muốn kết hôn, hệ thống hỗ trợ lấy gia đình làm trung tâm đang nhanh chóng bị phá vỡ.

Đối với Kim và Hwang, những người cho biết họ không có quan hệ tình cảm với nhau hay với bất kỳ ai khác, giải pháp là xác định lại khái niệm gia đình. Cuốn sách năm 2019 của họ, Two Women Live Together, đã lọt top bán chạy nhất. Cả hai cũng ra mắt podcast hàng tuần, Two Women Talk Together, và thu hút hàng trăm nghìn người nghe. Chương trình mang lại tiếng nói cho người Hàn Quốc, đặc biệt là phụ nữ - những người đã thách thức cấu trúc gia đình truyền thống bằng cách hình thành các cuộc sống chung ngoài hôn nhân.

Hwang Sunwoo và Kim Hana chia sẻ cuộc sống chung của họ trong sách và trên podcast.

Hwang Sunwoo và Kim Hana chia sẻ cuộc sống chung của họ trong sách và trên podcast.

Theo luật, một gia đình ở Hàn Quốc chỉ có thể bao gồm vợ chồng, cha mẹ và con cái. Nhưng khi chi phí cho nhà ở và giáo dục tăng vọt, gần 42% tổng số hộ gia đình trên toàn quốc hiện chỉ có một người.

Kim và Hwang tự mô tả mình là "gia đình DIY". Lối sống của họ là lựa chọn dành cho những phụ nữ không muốn sống một mình hay xây dựng gia đình Hàn Quốc truyền thống - trong đó người chồng chỉ dành 54 phút/ngày cho công việc gia đình, nhưng người vợ lại dành hơn 3 giờ, ngay cả khi cả hai đều làm việc toàn thời gian.

"Chúng tôi kết hợp quyền tự do của cuộc sống độc thân và lợi ích của việc chung sống cùng nhau", Kim nói.

Theo truyền thống, nghĩa vụ của người phụ nữ Hàn Quốc là trở thành "mẹ khôn, vợ đảm". Khi Hwang còn trẻ, mọi người có thể hỏi tình trạng hôn nhân của bà "tình cờ như nói về thời tiết". Ngày nay, phụ nữ trung niên thường được gọi là "eomeonim" hoặc "samonim" - kính ngữ dành cho phụ nữ có con hoặc chồng - bất kể họ đã kết hôn và có con hay chưa.

Cuốn sách của Hwang và Kim kể lại cách hai người sống cùng nhau bất chấp những khác biệt về lối sống, tính cách. Khi Hwang chuyển đến căn hộ mà cả hai cùng mua vào năm 2016, Kim - người theo chủ nghĩa tối giản - đã há hốc mồm trước đống quần áo và đồ đạc "như thảm họa" của Hwang.

Nhưng họ tìm thấy những điểm bù trừ hoàn hảo cho nhau. Hwang, cựu biên tập viên tạp chí thời trang, thích nấu ăn trong khi Kim, từng là copywriter, thích dọn dẹp bát đĩa. Cả hai đều viết sách, nuôi mèo (mỗi người hai con) và thích trò chuyện. Hiện tại, Kim và Hwang kiếm sống bằng nghề viết lách và làm podcast.

"Cần hiểu rằng phụ nữ ở độ tuổi 40 chưa kết hôn là chuyện bình thường. Đó không phải là một cuộc sống thất bại", Kim nói.

Phá vỡ cấu trúc gia đình truyền thống

Năm 2022, Ủy ban Nhân quyền Quốc gia Hàn Quốc khuyến khích hợp pháp hóa "civil union" (kết hợp dân sự, chung sống dân sự là chung sống có đăng ký cho các cặp đôi cùng giới) để cung cấp cho các cặp chưa kết hôn, bao gồm cả những người cùng giới tính, các lợi ích cũng như sự bảo vệ pháp lý về hôn nhân, bao gồm cả giấy ủy quyền y tế.

Năm ngoái, cuộc khảo sát của chính phủ nhận thấy rằng đa số người Hàn Quốc tin rằng xu hướng giảm tỷ lệ sinh có thể được cải thiện nếu nước này hỗ trợ cả các cặp chưa kết hôn.

 Những người như Hwang Sunwoo và Kim Hana đang thách thức các khái niệm truyền thống về gia đình.

Những người như Hwang Sunwoo và Kim Hana đang thách thức các khái niệm truyền thống về gia đình.

Hwang và Kim nhận ra rằng hệ thống hỗ trợ xã hội của Hàn Quốc đã loại trừ những người sống thử chưa kết hôn. Nhóm này bị từ chối giảm phí bảo hiểm dành cho các cặp vợ chồng đã kết hôn, không được hưởng lợi từ việc giảm giá dịch vụ điện thoại di động và chia sẻ số dặm bay dành cho các cặp vợ chồng.

Dù chung sống với nhau bao lâu, họ cũng không thể nghỉ làm để chăm sóc người còn lại bị ốm như các đôi đã kết hôn. Họ cũng không thể trở thành người giám hộ hợp pháp cho nhau trong trường hợp cấp cứu y tế như vợ chồng có thể.

Cấu trúc gia đình truyền thống đang mất đi sức hấp dẫn. Trong cuộc khảo sát do Bộ Bình đẳng giới và Gia đình ủy quyền vào năm 2020, gần 70% số người được hỏi cho rằng những người sống chung và chia sẻ chi phí phải được coi là một gia đình ngay cả khi họ không có mối quan hệ hôn nhân hay huyết thống.

Bộ cũng phát hiện ra rằng các cặp vợ chồng chưa kết hôn hạnh phúc và công bằng hơn trong phân chia công việc nhà so với các cặp vợ chồng đã kết hôn. Một cuộc khảo sát của chính phủ năm 2022 cho thấy gần 81% thanh niên Hàn Quốc chấp nhận ý tưởng sống thử mà không kết hôn.

Năm 2022, một người phụ nữ ở độ tuổi 40 gây chú ý khi nhận người bạn sống chung kém mình 4 tuổi làm con gái. Đó là cách duy nhất để hai người phụ nữ này có thể biến mình thành một gia đình được pháp luật bảo vệ.

Hwang và Kim không có ý định làm như vậy. Nhưng họ nói rằng việc Hàn Quốc chấp nhận các kết hợp dân sự chỉ là chuyện sớm muộn. "Điều đó sẽ xảy ra khi chúng tôi già đi", Hwang nói.

Lê Vy

Ảnh: NYTimes

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/ngoi-nha-chung-cua-hai-nguoi-ban-u50-khong-ket-hon-o-han-quoc-post1487145.html