Ngôi nhà cổ gần 130 năm đang xuống cấp nghiêm trọng

Anh Nguyễn Anh Kiệt- hậu duệ đời thứ 5 của Đốc phủ sứ Nguyễn Văn Kiên- cho biết: 'Ngôi nhà cổ gần 130 năm, đã hai lần trùng tu, sửa chữa. Tuy nhiên, dưới sự tác động của thời tiết, khí hậu trong hơn thế kỷ, ngôi nhà tiếp tục bị xuống cấp'.

Ngôi nhà cổ gần 130 năm của Đốc phủ sứ Nguyễn Văn Kiên hiện nay.

Ngôi nhà cổ gần 130 năm của Đốc phủ sứ Nguyễn Văn Kiên hiện nay.

Nhiều nơi trong căn nhà bị bong tróc

Nhà cổ Đốc phủ sứ Nguyễn Văn Kiên tọa lạc số 39, đường Phan Chu Trinh, khu phố 2, phường 1, thành phố Tây Ninh. Ngôi nhà được xây dựng từ năm 1894, trong khuôn viên rộng thoáng.

Ngôi nhà cổ được xây dựng theo kiểu chữ Đinh (丁) chiều dài 20m, chiều rộng 12m; tường gạch dày 40cm kết dính bằng hồ vôi ô dước, mái lợp ngói vảy cá. Căn nhà có tổng cộng 32 cột gỗ.

Hai hàng cột giữa nhà cao khoảng 8m, đường kính khoảng 2m. Toàn bộ cột, kèo, vách, sàn cho đến bàn thờ được làm hoàn toàn bằng các loại gỗ quý. Nền nhà lót bằng gạch tàu hình lục lăng. Gian nhà trước (gian chính) dùng để tiếp đón khách. Ở chính diện ngôi nhà là một cửa cái và tám cửa phụ chia đều cho hai bên. Tất cả các cửa đều được làm từ gỗ, thiết kế theo dạng cửa xếp.

Mặc dù ngôi nhà được xây cất kiên cố và được các đời con, cháu của ông Kiên giữ gìn cẩn thận, nhưng theo thời gian, công trình này đang có dấu hiệu bị hư hỏng. Một số nơi trên tường đã nứt nẻ, nhiều đường nứt cỡ ngón tay út, chạy dọc- ngang trên tường.

Nhiều nơi khác, lớp xi măng tô bên ngoài bị tróc, lộ ra những viên gạch thẻ màu đỏ sẫm. Có nơi, lớp gạch bên ngoài tường đã bị thấm nước và mục, không còn nguyên vẹn những khối đất nung cứng cáp như xưa.

Một vài nơi khác đã tô trét xi măng lần 2, nhưng lớp bảo quản này tiếp tục bong tróc. Trong hàng ba, một cánh cửa chính bị sứt bản lề. Hầu hết các cánh cửa sổ làm bằng gỗ đã bị phai màu, do bị tác động bởi mưa, nắng.

Anh Nguyễn Anh Kiệt- hậu duệ đời thứ 5 của Đốc phủ sứ Nguyễn Văn Kiên- kể về lịch sử ngôi nhà của gia đình.

Anh Kiệt cho hay, căn nhà đã được trùng tu hai lần. Lần thứ nhất vào khoảng những năm 1960, căn nhà bị hư hại bởi chiến tranh, toàn bộ mái ngói âm dương cổ được thay bằng ngói móc. Tường nhà trước đây được kết dính bằng hồ vôi ô dước, không tô xi măng đã được tô thêm lớp xi măng bên ngoài, bên trong để tăng thêm tuổi thọ cho công trình.

Nhiều năm qua, nhà cổ Đốc phủ sứ Nguyễn Văn Kiên đã trở thành một địa điểm văn hóa - du lịch, đón tiếp rất nhiều đoàn khách tham quan, chiêm ngưỡng; sinh viên đến nghiên cứu, học tập; các đoàn phim dùng làm bối cảnh để quay cảnh sinh hoạt xưa. Hiện nay, ngôi nhà đã xuống cấp, con cháu họ Nguyễn mong ước được Nhà nước quan tâm và đầu tư kinh phí tu bổ ngôi nhà, cải tạo cảnh quan thành điểm tham quan tiêu biểu cho du khách trong và ngoài nước khi đến vùng đất Tây Ninh.

Trước đây, căn nhà chỉ có hàng ba, trong lần trùng tu này, gia đình cất thêm hàng tư- nối liền từ hàng ba ra sân thêm vài mét- để che mưa nắng, hạn chế sự tác động của thời tiết đến phía trước căn nhà.

Lần trùng tu thứ hai diễn ra vào năm 2003, gia đình phải thay nhiều mảnh sàn gỗ bị mục trên tầng hai, những phần còn lại ngôi nhà vẫn giữ nguyên. Đã có nhiều người thích chơi đồ cổ tìm đến hỏi mua những vật dụng xưa, nhưng gia đình quyết tâm bảo quản, giữ gìn chứ không bán.

Phía sau căn nhà chính này là nhà bếp, vựa lúa, nhà ở của những người giúp việc. Những năm trước, các công trình phụ này đã xuống cấp, sụp đổ. Năm 2015, anh Kiệt đầu tư xây dựng trên nền nhà sau một gian nhà mới có kiến trúc hài hòa, phù hợp với không gian chuyển tiếp giữa xưa và nay.

Hầu hết các cánh cửa sổ làm bằng gỗ trên gác có dấu hiệu xuống cấp do tác động bởi mưa, nắng.

Trăn trở của hậu duệ

Anh Kiệt tâm sự, vấn đề trăn trở lớn nhất của gia đình là công tác giữ gìn, bảo tồn căn nhà cổ của cha ông để lại. Gia đình mong muốn các cơ quan chức năng hỗ trợ bảo tồn kiến trúc ngôi nhà nguyên bản. Đồng thời giới thiệu di tích này đến với đông đảo du khách gần xa để các thế hệ sau hiểu được kiến trúc của giai đoạn lịch sử hơn 100 năm trước và góp phần phát triển du lịch tỉnh nhà.

Theo anh Kiệt, thời gian qua, có nhiều đoàn công tác của tỉnh kết hợp với chính quyền địa phương đến khảo sát hiện trạng ngôi nhà. Qua đó, khái toán chi phí trùng tu công trình kiến trúc này, chỉ riêng phần gỗ thay thế đã tốn hơn 2,5 tỷ đồng.

Trong khi đó, còn nhiều khoản chi phí thi công, chạm trổ, mua sắm lại những nguyên vật liệu cổ v.v… nên chưa thể khái quát phí trùng tu, sửa chữa căn nhà là bao nhiêu. Đến nay, gia đình chưa nhận được văn bản nào cho biết ngành chức năng có hỗ trợ kinh phí sửa chữa, trùng tu căn nhà hay không. Khả năng tài chính của gia đình, thêm việc vận động bà con dòng họ cũng chỉ có thể đáp ứng được khoảng 10%-20% tổng số chi phí đó.

Một vài chỗ trên tường của ngôi nhà cổ bị bong tróc, dù trước đó đã được sửa chữa, gia cố.

Ông Nguyễn Quốc Việt- người có nhiều năm nghiên cứu văn hóa, kiến trúc của Tây Ninh cho biết, ngôi nhà này có phong thủy rất tốt. Phía trước là ngọn núi Bà sừng sững, trước sân là dòng sông (rạch Tây Ninh) như một dải lụa.

Ông Việt kể thêm, trong một lần gia đình thuê người đào nền nhà lên để sửa chữa đã phát hiện 2 thân cây trai kích thước to được lắp đặt dưới nền nhà, có tác dụng như những thanh đà kiềng, giúp công trình vững chãi đến nay.

Đến thời điểm hiện nay, căn nhà có thể được xem là công trình duy nhất còn nguyên bản về kiến trúc, trang trí và nhiều vật dụng cổ xưa ở Tây Ninh. Căn nhà này rất có giá trị văn hóa, lịch sử, cần được chung tay bảo tồn, gìn giữ.

Năm 2017, nhà cổ Đốc phủ sứ Nguyễn Văn Kiên được UBND tỉnh xếp hạng di tích nghệ thuật kiến trúc cấp tỉnh.

Năm 2019, Thạc sĩ Nguyễn Thị Nguyệt- Trưởng Phòng nghiên cứu - sưu tầm, thuộc Bảo tàng tỉnh Đồng Nai hướng dẫn đoàn sinh viên Đại học Kiến trúc TP. Hồ Chí Minh đến tìm hiểu nhà cổ Đốc phủ sứ Nguyễn Văn Kiên.

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian này nhận định, bên cạnh những giá trị văn hóa vật thể, nhà cổ Đốc phủ sứ Nguyễn Văn Kiên còn có những giá trị văn hóa phi vật thể ẩn chứa qua những phong tục tập quán, tín ngưỡng, bài trí thờ tự, nghi lễ, ẩm thực, giai thoại về Đốc phủ sứ và các thành viên trong ngôi nhà sinh sống ở vùng đất này.

Đại Dương

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/ngoi-nha-co-gan-130-nam-dang-xuong-cap-nghiem-trong-a160547.html