Ngôi nhà của đôi vợ chồng già thành 'mái ấm' cho những đứa trẻ bơ vơ

Từ hơn chục năm nay, ngôi nhà nhỏ của vợ chồng ông bà Trương Thành Nhơn và Trần Thị Trà (ở ấp Bình Chánh, xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai) trở thành mái ấm của hơn 100 đứa trẻ bất hạnh.

 Ông bà Trương Thành Nhơn và Trần Thị Trà bên những đứa trẻ.

Ông bà Trương Thành Nhơn và Trần Thị Trà bên những đứa trẻ.

Ươm mầm cho những trẻ cơ nhỡ

Các cháu sinh sống tại đây đa phần là người dân tộc thiểu số ở khắp cả nước. Mỗi cháu một hoàn cảnh khác nhau, cháu thì mẹ mất cha đi bước nữa, cháu thì cha mẹ bỏ nhau…không có ai chăm sóc nên người thân đã tìm đến và gửi nhờ vợ chồng ông Nhơn nuôi dạy.

Cơ duyên khiến vợ chồng ông Nhơn dang tay giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh này là trong những lần đi làm thiện nguyện, thấy nhiều đứa trẻ không có cha mẹ, hoặc thiếu tình thương gia đình, thiếu cơm ăn áo mặc nên ông bà chạnh lòng, muốn góp một phần nhỏ bé, giúp cho những đứa trẻ có cơm ăn, áo mặc, được đến trường học con chữ.

Năm 2013, hai ông bà nhận 8 đứa trẻ về sống cùng gia đình mình. Tuy gia cảnh không khá giả gì, thêm 8 miệng ăn, vợ chồng ông Nhơn lại thêm phần lo toan. Thế nhưng, thấy những đứa trẻ dần có lại nụ cười trên môi, hai ông bà lại thấy ấm lòng và có nhiều động lực hơn nữa.

Tiếng lành đồn xa, từ 8 đứa trẻ dần dần ngôi nhà của vợ chồng ông Nhơn trở thành mái ấm của hơn 100 đứa trẻ mồ côi, trẻ có hoàn cảnh khó khăn.

Không máu mủ, ruột thịt nhưng vợ chồng ông Nhơn cùng các con chăm lo từng miếng ăn, giấc ngủ, học hành của các bé như người thân trong gia đình.

Với sự giúp đỡ của gia đình, bạn bè và những mạnh thường quân và sự tích cóp của mình, vợ chồng ông Nhơn đã lần lần xây thêm nơi ăn chốn ở cho các cháu.

 Nhiều cháu học giỏi, đạt thành tích cao trong học tập.

Nhiều cháu học giỏi, đạt thành tích cao trong học tập.

Đến nay, trên khu đất gần 3.000m2 của gia đình, nhiều căn nhà cấp 4 được xây dựng khang trang, chia thành nhiều phòng, nhiều khu vực có công năng khác nhau. Trong đó, phần lớn diện tích xây dựng được bố trí thành các phòng ở, có nhà vệ sinh riêng, có giường nệm để làm nơi nghỉ ngơi cho các cháu.

Bà Trà cho biết, nhiều cháu bé đến với cơ sở của bà có hoàn cảnh rất khó khăn, như trẻ mồ côi, trẻ không được cha mẹ chăm sóc, trẻ em dân tộc…tất cả đều được bà cưu mang, bố trí nơi ở, chăm sóc và tất cả đều được đến trường.

“Trẻ sống tại cơ sở ở nhiều độ tuổi khác nhau, cháu lớn chăm sóc cháu bé và các cháu đều rất ngoan, lễ phép, học giỏi. Điều đặc biệt là các cháu rất có ý thức, tự phân công công việc như bé gái nấu cơm thì bé trai rửa chén. Gia đình tôi ngoài việc chăm sóc, nuôi dạy, cho các cháu đi học thì còn nhắc nhở, giáo dục các cháu về giới tính và hướng dẫn các cháu nhiều quy tắc ứng xử cơ bản khác”, bà Trà nói.

Ánh mắt lấp lánh, bà Trà chỉ lên bức tường dán kín những tấm giấy khen trước thành tích học tập xuất sắc của các cháu khoe, “Thời gian đầu, do các cháu là người dân tộc, không biết tiếng kinh nên khi đi học không hiểu cô giáo nói gì, thành tích học tập rất kém. Sau này, các cháu đã cố gắng học hỏi và dần dần không chỉ hiểu bài mà còn học rất tốt”, bà Trà tự hào khoe.

Cũng theo bà Trà cho biết, năm nay có 4 cháu đã học xong lớp 12, được các mạnh thường quân giúp đỡ sang Hàn du học, hiện các cháu đang cố gắng học tiếng Hàn để kịp ngày tựu trường.

Khó khăn trong việc thành lập trung tâm bảo trợ xã hội

Khi số lượng trẻ ngày một tăng, nhận thấy việc nuôi dạy các cháu không thể gói gọn như một gia đình, năm 2016, vợ chồng ông Trương Thành Nhơn làm hồ sơ xin cấp phép thành lập trung tâm nuôi dạy trẻ em khó khăn ngoài công lập.

Tuy nhiên, hồ sơ xin phép gửi đi đã lâu mà không nhận được phản hồi nên ông bà tiếp tục làm đơn kêu cứu gửi các cơ quan chức năng của tỉnh Đồng Nai.

Ngày 31/7/2017, UBND xã Phú Lý có văn bản số 124/UBND gửi Phòng nội vụ huyện Vĩnh Cửu, thống nhất địa điểm thành lập cơ sở bảo trợ xã hội ngoài công lập tại hộ ông Trương Thành Nhơn, ấp Bình Chánh, xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai

Tới tháng 11/2017, UBND tỉnh đã có văn bản giao Sở Nội vụ “Khẩn trương chủ trì, phối hợp với Sở Lao động- Thương binh và xã hội, sở ngành liên quan cùng UBND huyện Vĩnh Cửu, thống nhất ý kiến, hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục, tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, quyết định việc cho phép thành lập Trung tâm bảo trợ xã hội Hy Vọng theo quy định”.

Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì, 8 năm trôi qua, vợ chồng ông Nhơn vẫn không nhận được hướng dẫn từ cơ quan chức năng và đơn xin thành lập trung tâm của ông bà vẫn bị “ngâm” ở đâu đó.

Đến đầu năm 2024, bất ngờ ông Nhơn nhận được thông báo của UBND huyện Vĩnh Cửu yêu cầu đưa tất cả các cháu nhỏ đang sinh sống tại gia đình ông đến Trung tâm Bảo trợ xã hội Tỉnh Đồng Nai, hoặc đưa các cháu trở về địa phương.

Thông báo này của UBND huyện Vĩnh Cửu không chỉ khiến vợ chồng ông Nhơn bất ngờ mà còn khiến các cháu bé đang sinh sống tại đây hoang mang, lo lắng.

Vẻ mặt buồn bã, hai chị em cháu Sồng Thị Hương (SN 2017) và Sồng Thị Nang (SN 2016) bày tỏ “Chị em con muốn sống ở đây với ông bà tới lớn”. Do hoàn cảnh khó khăn, năm 2020, mẹ của hai cháu bé đã đưa con tới gửi gắm ông bà Nhơn với hy vọng con mình sẽ được ăn no, mặc ấm, được cắp sách tới trường.

 Vợ chồng ông Trương Thành Nhơn và Trần Thị Trà mong được UBND huyện Vĩnh Cửu, UBND tỉnh Đồng Nai tạo điều kiện, hướng dẫn thủ tục và hỗ trợ để cho thành lập cơ sở bảo trợ xã hội.

Vợ chồng ông Trương Thành Nhơn và Trần Thị Trà mong được UBND huyện Vĩnh Cửu, UBND tỉnh Đồng Nai tạo điều kiện, hướng dẫn thủ tục và hỗ trợ để cho thành lập cơ sở bảo trợ xã hội.

Ôm cháu Đinh Thiện Hân trong tay, bà Trà nghẹn giọng kể, “Bé Hân mới 8 tuổi nhưng là chị của hai em nhỏ. Ba em mất, mẹ đi lấy chồng. Sau khi đưa 3 chị em Hân tới nhờ vợ chồng bà chăm sóc, mẹ các bé chưa một lần quay trở lại thăm các con. Nhìn các cháu hồn nhiên vậy, nhưng tôi biết các cháu luôn khao khát tình thương của cha mẹ”.

Cũng theo bà Trà, sau khi nhận được thông báo của UBND huyện yêu cầu đưa các cháu bé tới Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Đồng Nai, hoặc đưa các cháu trở về địa phương, thì bất ngờ hàng chục cháu bé cũng không được nhập học trong năm học mới.

“Chúng tôi không biết lý do vì sao khi nộp hồ sơ cho các cháu vào lớp 6, lớp 10 tại trường THCS THPT Huỳnh Văn Nghệ thì không được nhà trường tiếp nhận mà không nêu lý do”, bà Trà cho biết.

Nhìn đám trẻ hồn nhiên nô đùa, bà Trà nghẹn giọng nói “Trẻ em không được chọn nơi mình sinh ra, nên dù là ai, xuất thân trong hoàn cảnh nào cũng có quyền được sống, được chăm sóc, yêu thương và được đến trường”.

Bà Trà mong các cháu nhỏ mà bà đang cưu mang sẽ có cuộc sống tốt nhất, để các cháu dần quên đi tuổi thơ thiếu thốn. Theo bà Trà, việc nuôi dạy trẻ ngoài xuất phát từ tình yêu thương, vợ chồng bà cũng mong được san sẻ một phần gánh nặng xã hội. Vì thế, để việc nuôi dạy trẻ được tốt nhất, vợ chồng bà rất mong được UBND huyện Vĩnh Cửu, UBND tỉnh Đồng Nai tạo điều kiện, hướng dẫn thủ tục và hỗ trợ để cho thành lập cơ sở bảo trợ xã hội.

Việt Hoa

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/van-hoa-xa-hoi/vong-tay-nhan-ai/ngoi-nha-cua-doi-vo-chong-gia-thanh-mai-am-cho-nhung-dua-tre-bo-vo-163304.html