'Ngôi nhà của Phở' nổi tiếng trời Âu của 9X người Việt
Lucia Thảo Hương Simekova - cô gái gốc Việt đầu tiên lọt vào Top bình chọn của tạp chí danh giá Forbes Slovakia.
Lucia Thảo Hương Simekova – người sáng lập chuỗi nhà hàng PHOČKÁREŇ có nghĩa là House of Pho (Ngôi nhà của Phở) từng được tạp chí Forbes Slovakia lựa chọn vào danh sách Under 30 vào năm 2020. Thảo Hương cũng là cô gái gốc Việt đầu tiên lọt vào Top bình chọn của tạp chí danh giá này.
Khẳng định đẳng cấp công dân toàn cầu bằng trình độ học vấn
Cha là người gốc Hà Nội, mẹ quê Nam Định, Lucia Thảo Hương Simekova (tên tiếng Việt là Vũ Thảo Hương) được sinh ra và lớn lên ở vùng ngoại ô thủ đô Slovakia.
Mấy chục năm trước, cha mẹ cô gặp nhau khi cùng là du học sinh tại châu Âu. Sau khi lập gia đình, cha mẹ cô quyết định ở lại trời Tây lập nghiệp và trụ lại với nghề kinh doanh quần áo. Để tồn tại và có chỗ đứng ở trời Âu vốn chẳng dễ dàng gì nên cha mẹ Thảo Hương phải rất tháo vát, giỏi giang mới nuôi được gia đình nhỏ với 4 đứa con và gây dựng được cơ nghiệp cho gia đình.
Từ nhỏ, cô gái sinh năm 1993 Vũ Thảo Hương đã được thừa hưởng đức tính cần cù chịu thương chịu khó và sự nhanh nhạy, tháo vát của cha mẹ. Là chị cả trong gia đình, ngoài giờ học cô phụ giúp cha mẹ việc kinh doanh ở cửa hàng. Cô thường xuyên cùng bố sang Ba Lan nhập hàng, tham gia hội chợ để về Slovakia kinh doanh.
Thảo Hương vẫn còn nhớ y nguyên ký ức những ngày bé xíu, 4 chị em cô thường xuyên gặp phải sự trêu chọc, chế giễu của lũ trẻ người bản địa, thậm chí những đứa trẻ châu Âu cao to, chỉ vì chị em cô là những người châu Á. Dưới cái nhìn của đám trẻ nước ngoài, những người gốc Á như chị em cô không chỉ nhỏ bé về ngoại hình mà còn thấp kém về nhiều mặt. Điều này khiến Thảo Hương càng quyết tâm học giỏi để vươn lên.
Vốn có năng khiếu toán học, cô tham gia nhiều cuộc thi dành cho học sinh trung học. Thảo Hương nhận được học bổng khoảng 35.000 USD của một trường quốc tế cũng như có khả năng ghi danh tại Havard hay Oxford nhưng cô chọn học đại học Seattle ở Bratislava, Slovakia.
Sau này cô tiếp tục sang Anh học thạc sỹ về đầu tư bất động sản và tài chính tại đại học Reading. Ra trường, Thảo Hương làm việc tại một quỹ đầu tư nước ngoài trước khi chuyển sang làm cho Sharow Capital chuyên về quản lý tài sản và bất động sản. Trẻ trung, thông minh, xinh đẹp và năng động, Thảo Hương cũng từng đạt danh hiệu Hoa khôi người Việt tại Slovekia.
Nặng lòng với ẩm thực quê nhà
Đang có một công việc tốt với thu nhập đỉnh cao tại các cơ quan danh tiếng thì Thảo Hương chuyển hướng sang kinh doanh phở Việt. Điều này khiến nhiều người thoạt nghe sẽ cho rằng cô gái 9X liều lĩnh, mạo hiểm, bởi mức lương cô đang được trả đã ở đỉnh cao mơ ước của nhiều người, vậy thì mở cửa hàng kinh doanh làm chi cho bận rộn và mệt?
Ở nước ngoài, để được cấp phép một cửa hàng kinh doanh ẩm thực đòi hỏi những điều kiện và thủ tục rất khắt khe. Tuy nhiên, điều đó không ngăn được quyết tâm trở thành cô chủ quán phở của Thảo Hương.
Thảo Hương được thừa hưởng năng khiếu nấu nướng từ người mẹ của mình. Mẹ cô thường nấu các món ăn Việt ở nhà cho gia đình và mời bạn bè thưởng thức. Những bữa tiệc với các món ăn thuần Việt được thực khách trong đó có bạn bè nước ngoài khen ngợi nên cô rất hãnh diện và cố gắng học hỏi để biết chế biến các món ngon như mẹ của mình. Tình yêu ẩm thực quê hương cùng với kinh nghiệm về quản lý bất động sản thôi thúc cô mở một nhà hàng của riêng mình, để được tự do kinh doanh.
Tháng 8/2017, Thảo Hương cùng anh họ của mình là Thắng Trần, người Nam Định mang một số món ăn Việt đến giới thiệu tại một lễ hội âm nhạc. Trong hai ngày, gian hàng của Thảo Hương không ngớt người chờ mua thưởng thức, đặc biệt là phở bò và bún bò Nam bộ.
Sự kiện này khiến cô càng thêm quyết tâm mở nhà hàng của riêng mình. Sau khi thảo luận thêm với chồng, Thảo Hương mời Thắng Trần cùng mình hợp tác kinh doanh với vai trò bếp trưởng còn cô phụ trách quản lý, vận hành. Thắng Trần có nhiều năm làm việc tại các nhà hàng ở Slovakia và Đức.
Tháng 6/2017, nhà hàng Phở đầu tiên được mở tại trung tâm thương mại Bory. Với kinh nghiệm 5 năm làm trong lĩnh vực quản lý bất động sản, tài chính, mô hình cửa hàng được Thảo Hương lựa chọn khá giống với các quán ăn Nhật Bản, nhỏ gọn, không tốn quá nhiều diện tích.
Về thực đơn cũng được cô nghiên cứu kỹ lưỡng về khẩu vị để lựa chọn món như: phở gà, phở bò, bún bò Nam bộ hay gỏi xoài. Sau này chuỗi cửa hàng của Thảo Hương còn mở rộng sang các món cơm rang, mỳ hay nem cuốn.
Đặc biệt để giữ được hương vị đúng chuẩn, nước lèo được giữ nguyên cách nấu và ninh khoảng 10 tiếng. Chuỗi cửa hàng của cô ngoài là nơi ghé thăm của người Việt xa quê, còn là nơi làm việc của các bạn trẻ Việt Nam khi chiếm tới 2/3 nhân sự.
Theo số liệu của Forbes Slovekia, chỉ trong hai năm hoạt động, doanh thu của nhà hàng Phở đạt 3,4 triệu USD. Đại diện của tạp chí nhấn mạnh thêm Vũ Thảo Hương cũng là người Việt đầu tiên lọt danh sách uy tín do Forbes bình chọn.
Đầu năm 2020, khi châu Âu trở thành tâm dịch COVID-19, Slovakia và hàng loạt quốc gia phải áp lệnh phong tỏa. Lượng hàng bán ra tại các cửa hàng của Phở sụt giảm mạnh, doanh thu mất đến 80%.
Để ứng phó với hoàn cảnh, Thảo Hương nhanh chóng chuyển sang hợp tác cùng các ứng dụng giao hàng online, công ty bán hàng trực tuyến, cắt giảm chi phí, dừng đầu tư mới, xem xét kết quả công việc của từng tuần. Hiện tại châu Âu đã dần trở lại nhịp sống bình thường, chuỗi nhà hàng Phở của Thảo Hương đang dần phục hồi hoạt động kinh doanh.
Dạ Quỳnh (t/h)