'Ngôi nhà mới' của trẻ em nghèo vùng biên

Nhận các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn về nuôi dưỡng, chăm sóc tại đơn vị; tạo điều kiện để các em được ăn ở, học tập, phát triển toàn diện... chính là ý nghĩa của mô hình 'Con nuôi đồn Biên phòng' được Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh triển khai trong tháng 8-2019. Đến nay, đã có 4 đồn Biên phòng tổ chức nhận nuôi 5 cháu ở các xã: Ia O, Ia Chía (huyện Ia Grai) và Ia Pnôn, Ia Dom (huyện Đức Cơ, Gia Lai).

“Chỉ biết nói lời cảm ơn”

Đưa em gái Ksor Chơng lên Đội Công tác địa bàn Đồn Biên phòng Ia O và tham quan nơi ở mới của em tại đây, chị Ksor Chan (làng Dăng, xã Ia O, huyện Ia Grai) bật khóc nức nở, không phải vì buồn mà vì quá vui! Với chị, Đồn Biên phòng Ia O chính là chiếc “phao cứu sinh” để chị bám vào trong lúc cuộc sống đang chới với. Chị Chan bộc bạch: “Mình cũng không muốn xa em đâu nhưng nếu ở với mình, nó sẽ rất khổ”. Chơng là em út trong gia đình có 4 chị em gái mồ côi cha mẹ cách đây 4 năm. Khi ấy, Chơng vừa tròn 7 tuổi. 3 chị gái đều đã lấy chồng nhưng Chơng chỉ thích sống cùng gia đình chị Chan. Biết em gái ham học và cũng muốn em có kiến thức để sau này không nghèo khổ như mình nên chị Chan cố gắng làm thuê, làm mướn nuôi em. “4 miệng ăn trong nhà chỉ trông vào 6 sào lúa thì không đủ. Vậy nên, mình phải đi làm thuê. Lúc này, công việc không có, con mình còn nhỏ cũng cần người chăm sóc, chồng lại không chịu đi làm nên khổ lắm. Nhiều lúc nhìn em đến trường không có bộ quần áo mới, bữa cơm không có gì ăn, mình lại ứa nước mắt”-chị Chan nghẹn ngào. Cũng vì quá thương em nên chị Chan đã không chút đắn đo khi gật đầu đồng ý để em trở thành “Con nuôi đồn Biên phòng”.

Các em nhỏ được tặng xe đạp để đi học. Ảnh: P.D

Các em nhỏ được tặng xe đạp để đi học. Ảnh: P.D

Dắt cháu nội Lê Đại Vĩ lên giao tận tay các cán bộ Đội Công tác địa bàn Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh, bà Lê Thị Quyền (làng Mook Đen 2, xã Ia Dom, huyện Đức Cơ) rưng rưng: “Chỉ biết nói lời cảm ơn BĐBP thôi! Bố cháu mất năm 2010, còn mẹ bỏ đi lấy chồng khác nên suốt 9 năm qua, 2 bà cháu nương tựa vào nhau mà sống. Sức khỏe tôi ngày một giảm, chẳng biết sẽ sống được bao lâu, chỉ sợ lúc đó cháu nhỏ bơ vơ. Vì vậy để cháu làm con nuôi của Đồn, tôi yên tâm lắm! Bộ đội Biên phòng rất tốt, rất thương dân nên tôi tin chắc rằng cháu sẽ được ăn học đến nơi đến chốn, lớn lên sẽ là người có ích cho xã hội”.

Cùng thời điểm, Đồn Biên phòng Ia Pnôn cũng nhận cháu Rơ Mah Sim (làng Ba, xã Ia Pnôn, huyện Đức Cơ) về làm con nuôi. Sim có hoàn cảnh rất đáng thương: mồ côi mẹ, cha bị bệnh tâm thần bỏ làng đi nhiều năm không về. Cháu đang sống cùng gia đình bác ruột. Đồn Biên phòng Ia Chía (huyện Ia Grai) nhận nuôi 2 cháu gồm: Rơ Lan Tuen và Ksor Hội. Hội mồ côi cha, sống với mẹ ở làng Nú 1 nhưng mẹ không có việc làm ổn định; còn Tuen mồ côi mẹ, cha bỏ đi lấy vợ khác nên sống cùng bà nội già yếu ở làng Bang.

Niềm vui trong “ngôi nhà mới”

Rời vòng tay gia đình, người thân để chuyển đến nơi ở mới là điều không hề dễ dàng với các em nhỏ. Hiểu rõ điều đó nên nhiều ngày trước khi đón các cháu về ở cùng, cán bộ Biên phòng đã xuống tận nhà phối hợp cùng gia đình làm công tác tuyên truyền, động viên để các cháu yên tâm. Thượng úy Rơ Châm Juên-Đội trưởng Đội Vận động quần chúng (Đồn Biên phòng Ia Chía) cho hay: “Lúc mới đón về, cả 2 cháu Tuen và Hội đều chưa quen nơi ở mới, nhớ nhà, nhớ làng nên chúng tôi thường xuyên trò chuyện, động viên. Thứ bảy, chủ nhật, đơn vị cũng cử người chở các cháu về thăm nhà. 2 cháu ngang tuổi, lại được sắp xếp ở chung 1 phòng nên đã nhanh chóng làm quen với nhau và vơi đi nỗi nhớ nhà”. Không chỉ giúp các cháu ổn định nơi ở, đơn vị còn cử cán bộ chở các cháu đi mua sách vở, áo quần và lo các thủ tục nhập học: Tuen học lớp 6 Trường THCS Lê Hồng Phong, còn Hội học lớp 5 Trường Tiểu học Cù Chính Lan.

Xếp sách vở gọn gàng lên kệ của chiếc bàn học mới, cậu bé Vĩ dừng lại ngắm nghía một lúc rồi thốt lên: “Đẹp quá!”. Trên chiếc bàn học của em, ngoài bộ sách giáo khoa lớp 4 cùng tập vở, đồ dùng học tập còn có một chiếc đèn bàn và một chiếc đồng hồ rất đẹp. Đã từ lâu, Vĩ mơ ước có một chiếc bàn học như thế nhưng hiểu hoàn cảnh gia đình nên em chưa khi nào dám đòi hỏi. “Cháu hứa sẽ ngoan ngoãn, nghe lời các “cha nuôi” và cố gắng học tập tốt để sau này trở thành bộ đội”-Vĩ bộc bạch. Được xem là “anh cả” trong số 5 người con nuôi của Bộ Chỉ huy BĐBP đợt 1-2019, Sim tỏ ra vô cùng thích thú với cuộc sống mới. Ngoài thời gian đến trường (em học lớp 7 Trường THCS Lương Thế Vinh), Sim đã biết phụ các “cha nuôi” quét dọn nhà cửa và làm một số việc vặt khi cần.

Niềm vui của cô bé Chơng cũng hiện hữu trên khuôn mặt khi dọn về nơi ở mới, có phòng riêng, có tủ đựng áo quần, bàn học mới, giường mới... Mới đây, em còn được các “cha nuôi” chở đi mua sắm áo quần, sách vở, cặp sách, giày dép... để chuẩn bị cho năm học mới. Chơng chia sẻ: “Ước mơ sau này của em là trở thành cô giáo dạy Toán nên từ bây giờ, em sẽ chuyên tâm học cho thật tốt”. Trao đổi thêm, Đại úy Lê Minh Hải-Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Ia O-cho hay: “Đơn vị đã sắp xếp cho cháu ở tại Đội Công tác địa bàn để tiện việc đến trường và giao cho Đội trưởng Đội Vận động quần chúng trực tiếp chăm sóc, dạy dỗ cháu như con cái trong gia đình”.

Hơn vạn lời tri ân

Thượng tá Rơ Mah Tuân-Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh động viên cháu Vĩ. Ảnh: P.D

Thượng tá Rơ Mah Tuân-Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh động viên cháu Vĩ. Ảnh: P.D

Chẳng phải đến giờ mà từ nhiều năm trước đó, những người lính “Quân hàm xanh” đã có các chương trình, mô hình thiết thực để giúp đỡ các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn. Đó là mô hình “Bếp ăn tình thương” được triển khai từ năm 2013 và duy trì có hiệu quả suốt 6 năm qua tại Đội công tác địa bàn của Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh. Bếp ăn này đã hỗ trợ cho 14-16 cháu học sinh nghèo, nhà cách xa trường học được ăn, nghỉ và hướng dẫn học tập. Thượng tá Đinh Hữu Ninh-Chính trị viên Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh-thông tin: Kinh phí để duy trì “Bếp ăn tình thương” được cán bộ, quân nhân trong đơn vị đóng góp. Cán bộ chỉ huy đóng 200 ngàn đồng/tháng, còn lại mỗi người góp 100 ngàn đồng/tháng. Vào đầu năm học mới, Bộ Chỉ huy BĐBP còn hỗ trợ thêm sách vở, cặp, áo quần, xe đạp cho các cháu. Đến nay, tổng kinh phí để duy trì “Bếp ăn tình thương” khoảng 400 triệu đồng.

Ngoài mô hình “Bếp ăn tình thương”, hơn 3 năm qua, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh cũng triển khai, duy trì hiệu quả chương trình “Nâng bước em đến trường”. Hiện các đơn vị, cá nhân trong Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đang nhận đỡ đầu 51 cháu, trong đó có 4 cháu thuộc Vương quốc Campuchia, 46 cháu ở các xã biên giới của tỉnh và 1 cháu ở Trung tâm Bảo trợ Xã hội Tổng hợp tỉnh với hình thức hỗ trợ 500 ngàn đồng/tháng/cháu. Tính đến nay, kinh phí để thực hiện chương trình là trên 1 tỷ đồng do cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng BĐBP tỉnh đóng góp.

Vẫn với mục tiêu giúp đỡ các cháu học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên biên giới, trong đó tập trung vào các cháu mồ côi không nơi nương tựa, con cháu gia đình có công với cách mạng... tháng 8-2019, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh tiếp tục triển khai mô hình “Con nuôi đồn Biên phòng”. Theo Thượng tá Rơ Mah Tuân-Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, mô hình trên nhằm thể hiện sự tri ân của BĐBP tỉnh đối với nhân dân trên khu vực biên giới đã giúp đỡ lực lượng này trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới.

Cũng theo Thượng tá Tuân, khác với 2 mô hình trước đó, mô hình “Con nuôi đồn Biên phòng” sẽ đảm bảo việc nuôi các cháu ăn, ở, sinh hoạt, học tập tại Đội Công tác địa bàn của các đồn Biên phòng. Các đồn sẽ bố trí chỗ ở cho các cháu phù hợp, chu đáo, có góc học tập riêng, có đồ dùng và phương tiện sinh hoạt cần thiết; đồng thời phân công cán bộ trực tiếp chăm sóc, kèm cặp, hướng dẫn các cháu học tập, rèn luyện như con cái trong gia đình. Phấn đấu đến hết năm 2019, mỗi đồn Biên phòng sẽ nhận nuôi 2-3 cháu. Ngay sau khi các đồn nhận con nuôi, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh cũng đã trích kinh phí hỗ trợ mỗi cháu 5 triệu đồng và mua tặng mỗi cháu 1 chiếc xe đạp để tiện đến trường.

Ông Ngô Hữu Thiện-Chủ tịch UBND xã Ia Dom-nhìn nhận: “Những năm qua, BĐBP tỉnh đã có rất nhiều việc thiết thực giúp nâng cao nhận thức và đời sống cho người dân trên địa bàn. Qua đó đã động viên nhân dân tích cực hơn nữa trong việc tham gia bảo vệ tốt chủ quyền an ninh biên giới quốc gia”. Chủ tịch UBND xã Ia Dom cho biết, xã sẽ phân công các ban ngành, đoàn thể phối hợp với đồn Biên phòng để động viên, khích lệ và tạo điều kiện tốt nhất giúp các cháu vươn lên trong học tập.

...Chặng đường phía trước hẳn còn nhiều gian khó, song chúng tôi luôn tin rằng với tinh thần, trách nhiệm và quyết tâm cao, những người lính Biên phòng không chỉ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia mà còn làm tốt vai trò “cha nuôi” của các em nhỏ. Và các anh sẽ viết tiếp những câu chuyện đẹp về tình đoàn kết quân dân nơi biên viễn.

PHƯƠNG DUNG

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/12378/201909/ngoi-nha-moi-cua-tre-em-ngheo-vung-bien-5647915/