'Ngòi nổ' kích hoạt làn sóng bán tháo trên thị trường tài chính toàn cầu

Bất ổn kinh tế Mỹ và đảo chiều chính sách tiền tệ của Nhật Bản được cho là hai nguyên nhân chính dẫn tới các cuộc bán tháo gần đây trên thị trường tài chính.

Hoảng loạn

Trong phiên giao dịch ngày 5/8, thị trường chứng khoán toàn cầu đồng loạt giảm mạnh.

Dẫn đầu là thị trường chứng khoán Nhật Bản khi chỉ số Nikkei đã giảm tới 13%. Biến động ở Nhật Bản bắt đầu vào tuần trước khi Ngân hàng Trung ương (BOJ) tăng lãi suất lần thứ 2 trong năm nay và công bố kế hoạch thu hẹp chương trình mua trái phiếu.

Tiếp theo là chỉ số Kospi của Hàn Quốc cũng giảm mạnh tới 8,77%. Đây là mức giảm lớn nhất được ghi nhận trong một phiên giao dịch

Làn sóng bán tháo lớn đến mức khiến một số sàn giao dịch phải tạm "ngắt mạch". Các giao dịch trên sàn chứng khoán Hàn Quốc đã bị dừng trong 20 phút vào chiều 5/8 khi cả hai chỉ số đều giảm quá mức 8%.

Lần cuối cùng cơ chế "ngắt mạch" được kích hoạt trên thị trường Hàn Quốc là vào ngày 19/3/2020, giai đoạn đầu khi Covid-19 được công bố là đại dịch toàn cầu.

Các chỉ số S&P/ASX 200 của Úc, Hang Seng của Hồng Kông (Trung Quốc) và Shanghai Composite của Trung Quốc cũng lâm vào tình cảnh tương tự.

Tại Việt Nam, chỉ số VNIndex cũng có một phiên giảm mạnh gần 4%, tương đương 48,53 điểm, về mức 1.188 điểm.

Tối ngày hôm qua, chứng khoán Mỹ cũng có một phiên đầu tuần chao đảo. Nhóm cổ phiếu công nghệ lớn ngay lập tức “bốc hơi” khoảng 1 nghìn tỷ USD vốn hóa.

Đây là sự nối tiếp của xu hướng bán tháo cổ phiếu công nghệ ở Phố Wall. Đóng cửa chỉ số Nasdaq giảm 3,43%. Chỉ số công nghệ của Mỹ đã mất xu hướng khi ghi nhận mức giảm 10% so với đỉnh gần nhất.

Trong khi đó, chỉ số công nghiệp Dow Jones cũng giảm hơn 1.000 điểm, tương đương giảm 2,6%.

VIX – chỉ số dùng để đo lường nỗi sợ hãi của nhà đầu tư ở Phố Wall có lúc tăng tới 65 điểm, mức cao nhất kể từ những ngày đầu của đại dịch Covid19 năm 2020.

Ngoài cổ phiếu, nhiều tài sản có độ rủi ro cao hơn khác như tiền ảo cũng giảm giá chóng mặt. Giá bitcoin giảm từ mức gần 62.000 USD/bitcoin vào cuối tuần trước, xuống mức 54.000 USD/bitcoin, tương đương hơn 10% chỉ trong 1 ngày.

Trong khi đó, giá trái phiếu kho bạc Mỹ tăng cao khi nhà đầu tư đổ xô mua loại tài sản này để tìm kiếm sự an toàn.

Nguyên do từ đâu?

Theo các chuyên gia phân tích, mối lo kinh tế Mỹ suy thoái là “thủ phạm” chính nhấn chìm chứng khoán thế giới trong sắc đỏ.

CNBC nhận định, báo cáo việc làm tháng 7 gây thất vọng của Mỹ được công bố vào ngày 2/8 đã làm dấy lên lo ngại nền kinh tế hàng đầu thế giới này có thể đang rơi vào suy thoái, khiến thị trường chứng khoán toàn cầu lao dốc.

Nhà đầu tư lo ngại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã chậm trễ trong việc cắt giảm lãi suất để có thể ngăn được một cuộc suy thoái.

Ngoài mối lo kinh tế Mỹ, làn sóng bán tháo còn có thể khởi nguồn từ Nhật Bản, khi nhà đầu tư rút khỏi vị thế giao dịch chênh lệch lãi suất (carry-trade) đồng yên Nhật sau khi BOJ tăng lãi suất vào tuần trước.

Đây là một chiến lược mà các nhà đầu tư vay tiền từ những nơi có lãi suất thấp, chẳng hạn như Nhật Bản hoặc Trung Quốc, sau đó sử dụng số tiền này để đầu tư vào các đồng tiền có lãi suất cao hơn, như đồng peso Mexico.

Trong những năm gần đây, đồng yên Nhật đã trở thành đồng tiền được ưa chuộng nhất cho chiến lược này, chủ yếu do chính sách lãi suất cực thấp của Nhật Bản.

Sự tăng vọt của đồng Yên trong thời gian gần đây đã gây ra tác động mạnh mẽ đối với các nhà giao dịch carry-trade.

Khi đồng Yên tăng giá 7,5%, các nhà đầu tư đã vay yên phải đối mặt với các cuộc gọi ký quỹ (margin call), buộc họ phải mua thêm yên để bổ sung ký quỹ cho các vị thế trước đó. Điều này tạo ra một vòng luẩn quẩn, đẩy giá đồng yên lên cao hơn nữa và kích hoạt thêm nhiều cuộc gọi ký quỹ khác.

Sự xoay chiều trong chính sách tiền tệ của BOJ đã kích hoạt đà bán tháo của thị trường tài chính. Ảnh: Hoàng Anh

Sự xoay chiều trong chính sách tiền tệ của BOJ đã kích hoạt đà bán tháo của thị trường tài chính. Ảnh: Hoàng Anh

Mặc dù thị trường diễn biến khá tiêu cực, song những lo ngại về suy thoái có thể vẫn còn quá sớm. Ngân hàng Goldman Sachs (Mỹ) đã nâng xác suất xảy ra suy thoái ở Mỹ trong vòng 12 tháng tới lên 25%, so với mức 15% trước đó.

Mặc dù vậy, Goldman Sachs cho rằng mối đe dọa suy thoái có thể được hạn chế nhờ dư địa nới lỏng chính sách của Fed.

Dự báo mới nhất của ngân hàng này là Fed sẽ cắt giảm lãi suất 3 lần vào các tháng 9, 11 và 12/2024 với mức cắt giảm là 0,25% mỗi lần.

“Tăng trưởng việc làm sẽ phục hồi trong tháng 8 và Fed sẽ đánh giá mức cắt giảm 0,25% là đủ để đối phó với bất kỳ rủi ro giảm tăng trưởng kinh tế nào”, Goldman Sachs nhận định.

Trong kịch bản báo cáo kinh tế tháng 8 vẫn suy yếu, khả năng Fed có thể giảm tới 0,5% lãi suất ngay trong tháng 9 này. Trên thị trường, một số nhà đầu tư thậm chí đã “đặt cửa” Fed giảm lãi suất tới 0,75% trong lần đầu tiên. Giới đầu tư cũng ngày càng tin rằng các ngân hàng trung ương lớn sẽ nới lỏng mạnh mẽ hơn.

Sau một phiên giảm mạnh, thị trường chứng khoán ngày hôm nay đã dần lấy lại sắc xanh, thậm chí một số thị trường đã hồi phục mạnh.

Trần Anh

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/ngoi-no-kich-hoat-lan-song-ban-thao-tren-thi-truong-tai-chinh-toan-cau-1722917760134.htm