Ngồi ở ngõ Phất Lộc
Mênh mang dài rộng chi một con phố ngắn tủn có hơn 300 mét như ngõ Phất Lộc này? Nhưng hơi bị dài, rộng một quá vãng…
1. Sớm chót Thu, tôi theo mấy ông bên ngành văn hóa Hà Nội xuyên vào ngõ Phất Lộc. Chẳng phải là cuộc đi suông, dạo phố cổ, mà là có việc cả đấy. Xin được nói ở phần sau.
Cả bọn ghé vào quán bún riêu nghe đồn nổi tiếng phố cổ. Quán ngay trước cửa đền Tiên Hạ.
Cô hàng bún nhác bộ dạng tôi cứ loay hoay, một nhoáng đã thẩy ra một chiếc ghế cao kèm cái xuýt xoa: "Bác phải ngồi ghế này chứ đâu có bệt như đám trẻ được"! Chửa được xơi bún mà đã mát cả dạ trước cử chỉ của người phố cổ.
Bên tôi, ông bạn văn hóa chưa vướng chút gia vị bún riêu nào mà đã nổi cơn xuýt xoa. Ấy là ông đương khen cái thế đắc địa của con ngõ Phất Lộc này. Rằng cái quán ta ngồi đây là nơi hội tụ của cái ngõ gồm ba nhánh nhỏ có lối vào từ ba con phố khác nhau: cuối phố Hàng Mắm và đầu các phố Lương Ngọc Quyến, Nguyễn Hữu Huân. Ba nhánh này lại hội tụ ở cổng ngôi đền Tiên Hạ này. Mà nữa, tên Phất Lộc là cái tên làng mãi tít dưới huyện Đông Quan của tỉnh Thái Bình thiên di lên Thăng Long đấy nhé!
Rồi đương cơn thuận mồm, ông rành rẽ. Ấy là năm Vĩnh Thịnh thứ 13 (1717) có anh chàng thư sinh họ Bùi quê Thái Bình đến Thăng Long học trường Quốc Tử Giám rồi lập nghiệp tại thôn Tiên Hạ chính là cái làng của thành Thăng Long đây. Sau đó người làng dưới Thái Bình cũng theo lên, dần dần dân Phất Lộc chiếm đa số và hình thành tên ngõ. Người Phất Lộc dựng đình riêng của làng ở số nhà 46 chính là đình Tiên Hạ này. Còn phía ngách kia, số nhà 30 là nhà thờ họ Bùi, hàng năm con cháu vẫn tới giỗ tổ. Bùi Tú Lĩnh người soạn văn bia đình Thanh Hà cũng thuộc dòng họ này.
Chợt nhớ đến động thái kéo ghế của chị chủ quán. Chẳng hay chị bán hàng mau mắn thảo lão ấy, chị có phải con cháu nào của dòng, của chi họ Bùi nào không? Dưng dứt khoát động thái ấy, phản xạ ấy phải xuất phát từ cái gene lành của người quê hòa nhập hòa hợp với dân Kẻ Chợ? Như ngôi đền Tiên Hạ kia, ngôi đình làng của dân Tiên Hạ Phất Lộc thờ Nguyễn Trung Ngạn, nhà chính trị, một đại thần có tài của nước Đại Việt thời nhà Trần từng làm đến chức Kinh sư đại doãn trực tiếp cai quản kinh thành. Thăng Long có tận bảy nơi thờ Ngài, trong đó có Đền Tiên Hạ ở ngõ Phất Lộc này. Nhớ thêm ông thầy Mai Cao Chương, giáo sư dạy văn học cổ Khoa Văn chúng tôi.
Bên cạnh những trước tác uẩn súc hàn lâm của vị đại thần Nguyễn Trung Ngạn, thầy dành hẳn một buổi để phân tích cái chất dung dị dân dã trong văn thơ của ngài. Như cái câu tả nỗi nhớ quê khi ngài đi sứ Bắc phương "Dâu già lá rụng tằm vừa chín/ Lúa sớm đương nở hoa thơm, cua đang lúc béo. Ở Giang Nam tuy vui cũng không bằng về nhà…". Mà cũng lạ, vị thần Thành hoàng dân Tiên Hạ, dân Phất Lộc thờ, lại là ông quan uyên bác, dân dã này?
2. Thời khắc cuộc tụ bún riêu ở Ngõ Phất Lộc, tôi bỗng thân ái xích lại gần, chạm khẽ vào bờ vai của ông bạn thạo sử. Bờ vai ấy như đương rung lên những âm thanh của một quá vãng. Như lây, như xao xuyến thêm những trang hồi ký của học giả Nguyễn Hiến Lê. Hóa ra cụ sinh ở Ngõ Phất Lộc này. Trước khi được tiếp cận với cuốn hồi ký của cụ, cứ đinh ninh (qua nhiều tài liệu) Nguyễn Hiến Lê quê tổ đình mãi tận Phương Khê, Ba Vì, lớn lên mới xuống Hà thành học. Nhưng cái ngõ này không những sinh ra mà cả tuổi thơ cậu bé Nguyễn Hiến Lê đều loanh quanh ở Phất Lộc này.
"… Nằm sau lưng phố Bờ Sông (Quai du Commerce - nay là phố Trần Nhật Duật) đầu trông ra Cột đồng hồ bờ sông Nhị, đuôi trở ra phố Hàng Mắm, ngõ Phất Lộc hẹp độ 2 thước (mét) dài hơn 200 thước (địa bạ thời mới ghi chính xác là gần 300 thước) lát đá gồ ghề chỉ có một dãy nhà nhìn ra phía trước. Nhà nào cũng xây cất từ thời Tự Đức. Nhà đa số hẹp chỉ hai, ba thước và sâu có chỗ hơn 30 thước. Trước năm 1930 có vài nhà ông Phán hay ông Đồ. Khá phong lưu. Nhà có sân nhỏ ở trong.
Hai căn nhà số Hai và số Bốn ở đầu ngõ do các cụ tôi cất trong thời Tự Đức (chưa rõ năm nào) tiêu biểu cho những ngôi nhà cổ phong lưu ở Hà Nội. Mái ngói, tường gạch, rui, cột, xà đều bằng danh mộc, mọt khó đục. Ngôi nhà số Hai, chiều ngang ba thước sâu 32 thước. Ngoài đường bước vào là một căn bếp thấp hơn mặt đường ba, bốn tấc. Qua nhà bếp xuống ba bốn bực nữa tới nhà trong thông thống từ trước đến sau không ngăn từng phòng. Tiếp là cái sân gạch mỗi chiều hai thước cho nhà khỏi tối. Tiến vô sâu nữa, gặp một sân dài bốn thước choán hết chiều ngang. Sân có bể con chứa nước mưa. Gần cuối nhà có khúc quẹo qua bên trái thuộc về nhà số Bốn rộng hai thước rưỡi, sâu mười thước gồm 2 phòng mỗi phòng 2,5 x 3 thước. Lại cách nhau một cái sân dài bốn thước.
Nội thất ngôi nhà thực là một mê thất không tiện cho người thường ở mà rất tiện dụng cho các nhà cách mạng. Thì ra hai ông bác tôi (đều là yếu nhân trong phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục) dùng ngôi nhà làm chỗ tiếp các đồng chí của mình suốt từ năm 1906-1910. Cụ Lương Văn Can đã từng họp hành ẩn náu ở nhà này. Mật thám Pháp tới xét thì còn đang lần mò ở nhà ngoài thì các cụ nhà trong đã kịp ẩn thoát qua nhà số Bốn hoặc leo qua tường nhà bên cạnh". (Hồi ký Nguyễn Hiến Lê. NXB Văn nghệ TP Hồ Chí Minh, 2001. Trang 22, 23).
Giữa chừng chầu bún riêu, cả đám chúng tôi không ai bảo ai mà như cùng thở than cho một sự. Ấy là ai đó như thốt chung cho cả bọn, rằng gắn bó với Hà Nội đến như Nguyễn Hiến Lê, nhất là Vũ Bằng mà lạ, cả hai không một lần trở lại Hà Nội - Thăng Long sau thời điểm 30/4/1975? Nào đâu phải mắc, vướng phe này phe nọ vì cụ Nguyễn Hiến Lê là một học giả, nhà biên khảo nổi tiếng thuần văn hóa xã hội học. Còn nhà văn Vũ Bằng vốn là tình báo phe ta. Chả biết có phải như một ông đương thốt lên cái duyên do là nhị vị ấy đều so súi tiền eo hẹp thì Bắc tiến hơi bị khó (?)
3. Xin trở lại cuộc ngồi của mấy ông chức việc bên ngành văn hóa.
Họ đương làm cái việc điều nghiên, khảo sát để cho dựng một tấm biển Kỷ niệm Ngày Toàn quốc kháng chiến. Cụ thể là cuộc rút quân ngoạn mục của Trung đoàn Thủ đô!
Các nhà của ngõ Phất Lộc hoặc là châu tuần hoặc là thông thương với đền Tiên Hạ. Thời gian năm 1946, đầu năm 1947, các nhà đều đục tường thông với nhau để tự vệ quân dễ dàng lưu thông chống Pháp. Sự kiện đục tường, nối thông các nhà ở nội đô Hà Nội trong những ngày toàn quốc kháng chiến đã trở thành phương thức chiến đấu sáng tạo của quân ta. Vì đặc điểm kiến trúc của mỗi nhà khác nhau, nên những bức tường đục đã tạo nên ma trận với quân Pháp.
Sử nước còn ghi đậm một sự kiện. "Đầu năm 1947, kế hoạch "đánh nhanh thắng nhanh" của Pháp vào nội thành và các cửa ô thành phố Hà Nội đã không đạt được mục đích, phải chờ quân chi viện từ Pháp sang. Giữa lúc đó, lãnh sự Trung Hoa đề nghị Pháp và Việt Minh tạm ngừng bắn để Hoa Kiều rút khỏi thành phố. Tại một địa điểm gần Ô Chợ Dừa, các ông: Nguyễn Văn Trân - Chủ tịch Ủy ban Hành chính Kháng chiến Hà Nội, Bí thư Đảng ủy Mặt trận kiêm Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ Hà Nội; Hoàng Minh Giám - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao; Hoàng Hữu Nam - Thứ trưởng Bộ Nội vụ đã hội đàm với Tổng lãnh sự Trung Hoa Dân quốc, Tổng lãnh sự Anh, Tổng lãnh sự Mỹ bàn về các vấn đề cụ thể và đi đến thỏa thuận ngừng bắn để Hoa kiều rút lui ra ngoài. Ngày 16/2/1947, theo đề nghị của Lãnh sự quán Trung Quốc, ta và Pháp đồng ý tạm ngừng bắn một ngày (18/2/1947) để Hoa kiều phố Hàng Buồm đi tản cư công khai ra khỏi Hà Nội. Chớp lấy thời cơ, Trung đoàn Thủ đô quyết định vượt vòng vây rút ngay trong đêm bằng cách vượt sông Hồng!
Đêm 17/2/1947, đại bộ phận của Trung đoàn Thủ đô đã nhanh chóng bí mật tập kết tại đền Tiên Hạ và ngõ Phất Lộc.
Ngõ Phất Lộc được coi là căn cứ hiểm yếu lối ra bí mật, đoạn đường ngắn nhất và cũng là cần thời gian ngắn nhất để toàn bộ lực lượng Trung đoàn Thủ đô băng qua phố Trần Nhật Duật khi ấy trống trải thoát lên bờ đê sông Hồng. Những chiến sĩ tiểu đoàn 103 của Trung đoàn Thủ đô làm nhiệm vụ tập hậu băng qua con đê, đi trong sương mù dày đặc qua cầu Long Biên ngay dưới ánh đèn gác của kẻ thù. Đoàn quân lặng lẽ xuyên đêm, tay mỗi người cầm chặt vào một sợi dây tết bằng vải để anh em không lạc nhau. Để tránh Việt gian trà trộn, trên vai mỗi người lúc đó, thấp thoáng tấm băng in đậm TĐTĐ (Trung đoàn Thủ đô)
Chỉ trong vòng 1 tiếng, từ khi có lệnh của cấp trên, Ban Chỉ huy Trung đội tự vệ xã Tứ Liên đã huy động được 44 thuyền gỗ để làm nhiệm vụ đặc biệt chở Trung đoàn Thủ đô qua sông Hồng.
Trời đã sáng bạch của ngày 18/2/1946. Quân Pháp chờ mãi không thấy Hoa kiều tản cư (từ chặp tối khi biết Trung đoàn Thủ đô đã rút, bà con Hoa Kiều cũng dừng lại việc tản cư) thời điểm ấy mới ngã bổ chửng khi biết Trung đoàn Thủ đô đã thoát ra qua ngõ Phất Lộc từ hồi đêm.
Quân Pháp vội vã truy kích. Nhưng có lẽ đã quá muộn. Từ Gia Lâm, chúng đưa xe tăng thọc sâu lên Cơ Xá trên bờ Bắc sông Hồng. Từ bến Phà Đen, Pháp huy động chiến thuyền ngược sông tìm quân ta. Đến khoảng 8h30 vẫn mất dạng quân của Trung đoàn Thủ đô, chúng hèn hạ trả thù dân Tứ Liên và dân bãi giữa sông Hồng. Giặc Pháp đã gây tội ác bắn chết 27 người, bắt đi 70 người, đốt trụi 196 ngôi nhà, phá sập đình Vạn, đình Xuyên, phá nát 44 thuyền…". (Hết trích).
Chưa ấn định cụ thể, nhưng tấm biển có thể dựng bên đền Tiên Hạ hoặc đâu đó đầu con ngõ Phất Lộc sắp tới sẽ có những dòng đại loại như này: Nơi đây, tại ngõ Phất Lộc, đêm 17/2/1947, toàn bộ lực lượng của Trung đoàn Thủ đô đã bí mật tập kết và rút lui an toàn lên chiến khu và tỏa ra tham gia chiến đấu trên các mặt trận. Để đến sáng 10/10/1954, đại quân của Trung đoàn trở về tiếp quản từ 5 cửa ô Hà Nội!
Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/so-tay/ngoi-o-ngo-phat-loc-i752779/