Ngời sáng đạo lý 'Uống nước nhớ nguồn' với các liệt sỹ Công an nhân dân
Những ngày tháng 7 - 2020, từ các đơn vị Công an cơ sở đến các phòng nghiệp vụ cho tới các Cụm thi đua, Đảng ủy, Ban Giám đốc CATP Hà Nội đều giành những phút giây lắng đọng, xúc cảm đến anh linh những anh hùng liệt sỹ, thương binh, bệnh binh Công an nhân dân bằng những hành động thiết thực và cụ thể.
Kế thừa và phát huy truyền thống yêu nước, kiên cường bất khuất của dân tộc ta trong lịch sử dụng nước và giữ nước, trải qua 2 cuộc kháng chiến chống ngoại xâm và thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội, biết bao người con ưu tú của Tổ quốc đã anh dũng hy sinh, cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng cao cả của Đảng và dân tộc.
Những người con bất tử
Để báo đáp công lao to lớn đó, từ năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết định lấy ngày 27-7 là Ngày Thương binh (sau này là Ngày Thương binh - Liệt sĩ). Kể từ đó đến nay, ngày 27-7 hàng năm đã trở thành ngày có ý nghĩa lịch sử, chính trị xã hội sâu sắc, mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam là dịp để chúng ta tôn vinh, tỏ lòng biết ơn vô hạn đối với các anh hùng liệt sĩ, người có công với cách mạng, tiếp tục đẩy mạnh công tác đền ơn đáp nghĩa đối với người có công với cách mạng. Đồng thời là dịp để chúng ta giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” cho thế hệ trẻ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trải qua hơn 70 năm chiến đấu, xây dựng và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an, của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Hà Nội, được sự tín nhiệm, giúp đỡ của nhân dân Thủ đô, Công an Hà Nội đã lập được nhiều thành tích xuất sắc trong hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm và trong giai đoạn xây dựng chủ nghĩa xã hội, trực tiếp đấu tranh với các loại tội phạm, bảo vệ vững chắc an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội ở Thủ đô.
Nhưng có cuộc chiến nào mà không có những mất mát hi sinh và hơn 70 năm qua, 399 liệt sĩ Công an thành phố Hà Nội đã ngã xuống, hàng nghìn đồng chí khác đã để lại một phần xương máu trên khắp các chiến trường. Trong thời bình, máu các anh vẫn đổ vì bình yên cuộc sống. Chỉ mới đây thôi, vào những ngày đầu năm 2020, trong khi thực thi nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội, 3 liệt sỹ Công an nhân dân đã anh dũng hy sinh, để lại tiếc thương vô hạn cho gia đình, đồng đội, bạn bè và nhân dân.
Tri ân thương binh, liệt sỹ bằng những việc làm thiết thực
Thấm nhuần đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, ghi nhớ lời dạy của Bác, bám sát chỉ đạo của Bộ Công an, Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Hà Nội, với tấm lòng thành kính và biết ơn sâu sắc, các đơn vị trong CATP đã có nhiều hoạt động tình nghĩa, tri ân những người đã hy sinh, gửi lại một phần xương máu vì bình yên của Thủ đô.
3 liệt sỹ hy sinh tại xã Đồng Tâm, cùng với việc học tập gương anh dũng, chiến đấu hy sinh của các liệt sỹ, các cấp, các ngành, CATP Hà Nội và Công an các đơn vị, địa phương thuộc Bộ Công an đã tổ chức nhiều đoàn đến thăm hỏi, động viên gia đình các liệt sĩ nhằm có thể bù đắp được phần nào nỗi đau về tinh thần đối với gia đình các liệt sĩ.
Đảng ủy, Ban Giám đốc CATP Hà Nội cũng đã hoàn chỉnh hồ sơ báo cáo Bộ Công an tuyển dụng vợ liệt sĩ Phạm Công Huy vào công tác trong CATP và quyết nghị vận động CBCS ủng hộ nửa ngày với số tiền gần 4 tỷ đồng để mua nhà ở xã hội tặng gia đình 3 liệt sĩ. Với tinh thần khẩn trương và tích cực, các đơn vị chức năng đã phối hợp với gia đình liệt sĩ hoàn thiên hồ sơ mua nhà. CATP Hà Nội đã chuyển một lần toàn bộ kinh phí mua nhà cho các công ty xây dựng nhà ở xã hội; hiện đã bàn giao nhà ở xã hội đối với gia đình liệt sỹ Phạm Công Huy; đối với 2 gia đình liệt sỹ thuộc Bộ tư lệnh Cảnh sát cơ động, cũng sẽ bàn giao trong thời gian gần nhất.
Trong công tác xây dựng, sửa chữa nhà tình nghĩa tặng thương binh, gia đình liệt sĩ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về nhà ở, qua 10 năm thực hiện Công an thành phố đã xây dựng, sửa chữa 51 nhà tình nghĩa với tổng kinh phí gần 5 tỷ đồng; trong đó, kinh phí Bộ Công an hỗ trợ hơn 3 tỷ đồng, kinh phí CBCS - CATP đóng góp ủng hộ hơn 1 tỉ đồng.
Năm 2020, CATP đã rà soát, báo cáo, được Bộ Công an hỗ trợ kinh phí 100 triệu đồng; Cụm thi đua số 4 vận động CBCS ủng hộ 100 triệu đồng; CAH Đan Phượng vận động CBCS ủng hộ 20 triệu đồng để xây dựng nhà tình nghĩa tặng thân nhân liệt sĩ Công an nhân dân Đỗ Ngọc Đổng, tại xã Trung Châu, huyện Đan Phượng, Hà Nội; dự kiến khánh thành và bàn giao nhà tình nghĩa dịp 75 năm ngày truyền thống CAND Việt Nam (19/8/2020).
Nhằm xoa dịu nỗi đau do chiến tranh để lại, CATP Hà Nội cũng đã hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận danh hiệu liệt sỹ CAND hy sinh qua 2 cuộc chiến tranh; vận động đóng góp, ủng hộ quỹ nghĩa tình đồng đội CAND; trợ cấp khó khăn đối với 993 trường hợp là thương binh, bệnh binh, thân nhân gia đình liệt sỹ với tổng kinh phí gần 3 tỷ đồng; tôn tạo, chăm sóc các công trình ghi công liệt sĩ; biểu dương khen thưởng con thương binh, liệt sĩ vượt khó vươn lên, có thành tích xuất sắc trong học tập.