Ngời sáng những tấm gương Anh hùng của quê hương Đất Tổ

PTĐT - Xuất thân từ những thanh niên chân lấm tay bùn, vốn chỉ quen với cày cuốc trên ruộng vườn trung du, khi Tổ quốc lâm nguy, lớp lớp thanh niên trai tráng Đất Tổ đã lên đường nhập ngũ cùng với cả nước làm nên những chiến thắng vang dội...

Anh hùng LLVT Nguyễn Hữu Quyền (ngồi thứ 2 từ trái sang) chia sẻ với cán bộ chiến sĩ LLVT tỉnh về những năm tháng đánh đuổi giặc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Anh hùng LLVT Nguyễn Hữu Quyền (ngồi thứ 2 từ trái sang) chia sẻ với cán bộ chiến sĩ LLVT tỉnh về những năm tháng đánh đuổi giặc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

PTĐT - Xuất thân từ những thanh niên chân lấm tay bùn, vốn chỉ quen với cày cuốc trên ruộng vườn trung du, khi Tổ quốc lâm nguy, lớp lớp thanh niên trai tráng Đất Tổ đã lên đường nhập ngũ cùng với cả nước làm nên những chiến thắng vang dội, bảo vệ vững chắc độc lập tự do của dân tộc. Như vàng trong lửa, đối mặt với hiểm nguy nơi chiến trường ác liệt, tinh thần dũng cảm, quật cường, mưu trí, sáng tạo của nhiều người con Đất Tổ đã phát huy cao độ, làm nên những chiến công xuất sắc được Đảng, Nhà nước ghi nhận, trao tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Nhân kỷ niệm 74 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9 (1945-2019), Báo Phú Thọ trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc 5 Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân - 5 tấm gương sáng, niềm tự hào của Đảng bộ, chính quyền và người dân Phú Thọ…

Anh hùng LLVTND Nguyễn Hữu Quyền.

Anh hùng LLVTND Nguyễn Hữu Quyền.

Người cắm cờ trên cao điểm 689Hơn 50 năm trôi qua, tuổi đời cũng đã “xưa nay hiếm”, nhưng trong tâm thức của cựu chiến binh (CCB), Anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Hữu Quyền (ở khu 5, xã Phù Ninh, huyện Phù Ninh) - nguyên chỉ huy trận đánh cao điểm 689, vào ngày 7/7/1968, trận cuối cùng giải phóng Khe Sanh, Hướng Hóa vẫn chưa bao giờ phai nhạt.Ngày đến Khe Sanh, CCB Nguyễn Hữu Quyền tròn 23 tuổi được biên chế vào Tiểu đội 8, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 246, Quân khu Việt Bắc (nay là Quân khu 1). Thời điểm đó, cao điểm 689, có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, khống chế toàn bộ tập đoàn cứ điểm như sân bay Tà Cơn, thị trấn Khe Sanh... Nếu mất 689 là mất tất cả, vì thế, lực lượng Mỹ ở đây được tăng cường tối đa về vũ khí và quân số lên đến 1.200 quân với sự yểm trợ tối đa của pháo và hai căn cứ kế cận là điểm cao 845 và 832. “Đơn vị tôi đảm nhiệm hướng chiến đấu chủ yếu của Tiểu đoàn tiến công cứ điểm 689. Trong lịch sử, lần đầu tiên Trung đoàn 246 dùng bộ binh đánh tập kích”, Anh hùng Nguyễn Hữu Quyền kể.Ngày 7/7/1968, ông được Tiểu đoàn và Trung đoàn giao nhiệm vụ chỉ huy lực lượng cơ động của Tiểu đoàn tập kích tiêu diệt địch và cắm cờ Quyết thắng lên Sở chỉ huy của địch tại cao điểm 689. Ông nhớ lại: “13h ngày 7/7/1968 tôi được lệnh cùng Đại đội phó Nguyễn Văn Bình và Trung đội trưởng Nguyễn Hồng Quang có mặt tại chỉ huy Tiểu đoàn để nhận nhiệm vụ gấp. Trước tình hình cấp bách, cấp trên giao cho tôi trọng trách là Đại đội phó chỉ huy trận đánh. Hai đồng chí Đại đội phó và Trung đội trưởng cùng đi hỗ trợ tác chiến và làm công tác chính trị. Trung đội của tôi được trang bị thêm cối 82, ĐKZ, súng máy 12 ly 7, tổ công binh, tổ cáng thương. Biên chế giữ nguyên 3 tiểu đội 7, 8 và 9; tổng quân số của Trung đội có hơn 50 cán bộ, chiến sĩ”.“Trước khi kết thúc giao nhiệm vụ đồng chí Tiểu đoàn trưởng giao cho tôi lá cờ Quyết thắng và một đèn pin mới. Đồng chí nhắc tôi khi nào cắm được cờ lên trên Sở chỉ huy Mỹ tại cao điểm 689 thì bấm đèn pin quay 3 vòng báo hiệu để Tiểu đoàn và Trung đoàn biết”- ông Quyền nói thêm.Thời điểm chuẩn bị cho trận đánh quyết định, tuyến hàng rào điện tử của địch đã được ta mở từ ngày 28/6, gồm 9 hàng rào, mỗi tuyến cách nhau 5m. Mọi công tác chuẩn bị xong, đúng 20h ngày 7/7/1968 trung đội bắt đầu xuất kích, vượt qua nhiều bãi trống, qua suối, đồng thời phải tránh pháo cối của địch sau khi máy bay địch thả pháo sáng, khoảng 24h trung đội của ông mới vào đến hàng rào thứ nhất, vượt qua hàng rào, ông dẫn tiểu đội 7 tiến sát lô cốt, với cách đánh táo bạo, bất ngờ, cả trung đội hiệp đồng tác chiến, dũng mãnh dùng bộc phá, lựu dạn, đánh chiếm giao thông hào, diệt điểm hỏa, các ổ đề kháng các nhà bạt. Địch chống cự quyết liệt nhưng không cản được sức tấn công của quân ta. Ông chỉ huy tiểu đội 7 chiến đấu tiến sát vào chỉ huy sở của Mỹ, nhanh chóng dập tắt ổ trung liên và cầm cờ xông lên cắm lên nóc hầm chỉ huy của Mỹ tại cao điểm 689. Sau khoảng 40 phút chiến đấu, 3 tiểu đội của Trung đội do ông chỉ huy đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tiêu diệt địch trên điểm cao 689. Cho đến 6h sáng 8/7/1968 Trung đội của ông làm chủ hoàn toàn điểm cao và đưa hỏa lực 12 ly 7 lên cao điểm trực tiếp bắn máy bay. Ngày 9/7, Khe Sanh, Hướng Hóa sạch bóng quân thù.Suốt những ngày sau đó, Đài Tiếng nói Việt Nam liên tục phát đi bản tin thắng trận: “Hoan hô các dũng sĩ trên cao điểm 689, cả nước ôm hôn các dũng sĩ trên cao điểm”. Từ trận đánh đó và tham gia một số trận đánh sau này giành thắng lợi, ngày 20/12/1969 ông vinh dự được Nhà nước phong tặng Anh Hùng lực lượng vũ trang nhân dân.Năm 1992, ông nghỉ hưu với hàm Trung tá nhưng mỗi khi nhắc đến trận đánh Khe Sanh lịch sử trong ký ức của người lính già không bao giờ quên những ngày tháng cùng đồng đội. Những trận giữ chốt, những trận đánh tập kích tiêu diệt lính thủy đánh bộ Mỹ. Ôn lại kỷ niệm về thời khắc hào hùng đánh thắng trận Khe Sanh, Quảng Trị, ông bùi ngùi tưởng nhớ những đồng đội đã ngã xuống trong trận đánh có ý nghĩa lịch sử lớn lao trong cuộc kháng chiến chống Mỹ của quân dân ta. Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, nhưng niềm tự hào được đứng trong đội ngũ Quân đội nhân dân Việt Nam cùng những kỷ niệm về một thời hào hùng vẫn vẹn nguyên trong ký ức vị Trung tá - Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Anh hùng LLVTND Nguyễn Xước Hiện bên cháu nội.

Anh hùng LLVTND Nguyễn Xước Hiện bên cháu nội.

“Chiến đấu thì phải xông lên hoàn thành nhiệm vụ”TRONG trận Cheo Reo nổi tiếng Chiến dịch Tây Nguyên mùa xuân năm 1975 lịch sử, có người con vùng công giáo nghèo Phượng Vĩ, huyện Cẩm Khê Nguyễn Xước Hiện đã dũng cảm bắn 5 quả đạn B41 làm cháy 4 xe tăng M48 và 1 xe M113, tiêu diệt 20 tên địch, bắt sống 10 tên khác. Nói về chiến công hiển hách này người lính già cười bình thản: “Ai chả như mình, xác định chiến đấu thì phải xông lên mà hoàn thành nhiệm vụ!Ông Hiện tường thuật lại cho chúng tôi về trận đánh Cheo Reo ghi dấu tên tuổi ông: Ngày 10/3/1975, ta giải phóng Buôn Ma Thuột. Tổng thống chính quyền Sài Gòn Nguyễn Văn Thiệu ra lệnh rút khỏi Tây Nguyên, co cụm về đồng bằng duyên hải. Ngay sau đó, toàn bộ lực lượng còn lại của quân địch ở Tây Nguyên, chủ yếu là quân đoàn 2 tháo chạy, hình thành một đạo quân lớn rút về Tuy Hòa theo Đường số 7 qua Cheo Reo. Theo lệnh cấp trên, Trung đoàn 64 và Trung đoàn 48 của sư đoàn 320 phải nhanh chóng tiếp cận và bao vây toàn bộ Cheo Reo để chặn đường rút lui của địch. Suốt một đêm vượt qua núi đá hiểm trở và gần chục km đường rừng, sáng 18/3/1975, Đại đội 3, Tiểu đoàn 7 được lệnh chốt chặn tại cầu Cây Sung, phía Nam Cheo Reo. Lúc này, đoạn Đường số 7 từ cầu Sông Bờ đến cầu Cây Sung dài 4km tập trung hàng trăm xe thiết giáp và hàng chục nghìn lính địch cùng hàng trăm xe quân sự đang hành quân. Do bị Tiểu đoàn 9 của Trung đoàn 64 đánh vào đội hình trên cầu Sông Bờ, hàng chục xe tăng và thiết giáp mở đường máu điên cuồng bắn phá và rút chạy Đại đội 3 của tôi chốt chặn tại cầu Cây Sung quyết không cho địch chạy thoát về phía biển Tuy Hòa. Phía địch đã tổ chức nhiều đợt tấn công với hàng nghìn lính cùng hàng chục xe tăng tràn vào trận địa Đại đội 3. Lúc này, Đại đội có 44 tay súng AK, 8 khẩu B40 và 2 khẩu B41. Cuộc chiến đấu diễn ra vô cùng ác liệt. Tiểu đội trưởng là tôi dẫn 3 chiến sĩ mới lần đầu ra trận chặn xe tăng địch. Trong buổi sáng 19/3 đáng nhớ ấy, tôi dùng khẩu B41 bắn 5 quả đạn đều trúng mục tiêu, làm 4 xe tăng M48 của địch bốc cháy, 1 chiếc xe M113 chở đầy lính lao xuống sông. Sau khi hết đạn B41, tôi dùng súng AK của một đồng đội đã hy sinh tiêu diệt bộ binh địch, đuổi chúng ra tận bờ sông Ba. Đến chiều 19/3, tôi đã tiêu diệt 20 tên và bắt sống tại trận 10 tên địch. Suốt một ngày đánh địch, cơm không kịp ăn, nước bi đông cạn khô, mặt mũi đen sạm khói súng, Đại đội 3 của chúng tôi tiêu diệt hàng trăm tên địch và tiêu diệt hơn 10 xe tăng tại cầu Cây Sung. Ý đồ rút về duyên hải của quân đoàn 2 địch bị phá sản hoàn toàn.Kể xong câu chuyện về trận đánh, ông Hiện tự hào khoe: Sau trận này tôi được công nhận danh hiệu Dũng sĩ diệt xe cơ giới cấp Ưu tú, Dũng sĩ diệt địch cấp Ưu tú, được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhì. Những ngày sau, tôi cùng đơn vị đánh vào thị xã Củng Sơn, Phú Túc và ngày 1/4/1975 tiến công địch ở Hòn Một, Tuy Hòa. Tại đây, tôi bị trúng mảnh pháo vào đầu nhưng vẫn tiếp tục chiến đấu cùng đồng đội cho đến trận đánh cuối cùng của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Hơn một năm nay, ông Hiện vui lắm, bệnh tật trong người như đỡ hẳn. Sau bao năm tháng lầm lũi trong nghi kỵ của không ít người, tháng 4/2018, ông được Đảng, Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.

Anh hùng LLVTND Nguyễn Văn Toản.

Anh hùng LLVTND Nguyễn Văn Toản.

Người Anh hùng bắn rơi 5 máy bay địchTHAM gia nhiều trận đánh ác liệt, từng bắn rơi 5 máy bay địch trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, là những chiến tích mà Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Toản (sinh năm 1951 ở khu 4, phường Vân Cơ, thành phố Việt Trì) đã giành được trong cuộc đời quân ngũ của mình.Cũng như bao thanh niên yêu nước khác, năm 1971, ông Toản hăng hái lên đường nhập ngũ và được chọn đi học lớp “Trắc thủ tên lửa A72”, vũ khí bắn máy bay địch tầm thấp do chuyên gia Liên Xô hướng dẫn. Tháng 3/1972 ông được triệu tập đi B vào vùng Đông Nam Bộ. Tham gia trận chiến đấu đầu tiên vào tháng 5/1972, ông đã bị thương nặng, đơn vị đã định chuyển ông về tuyến sau. Nhưng với tinh thần quyết tâm cao, ông đã xung phong ở lại làm công tác hậu cần. Vết thương dần hồi phục, ông tiếp tục học tập, nghiên cứu kinh nghiệm của các xạ thủ bắn máy bay địch. Lần đầu tiên được làm xạ thủ tham gia trận đánh tại chốt Đức Huệ. Đây là trận địa đặt trên đồng lầy, không có điều kiện làm hầm hố và công sự, mà chỉ lợi dụng cỏ Lác cao khoảng 1,2m làm vật che khuất, tình thế ngàn cân treo sợi tóc, ngày nào cũng chịu mưa bom, bão đạn. Ngày 16/4/1974, giữa lúc trận đánh ác liệt nhất vào tuyến bộ binh của ta, lúc đó, 1 chiếc C130 của địch xuất hiện.Ông Toản nhớ lại: “Tình huống lúc này rất cấp thiết, nếu đứng lên bắn máy bay thì chắc chắn bị địch phát hiện và chúng tôi phải trả giá đắt bằng chính tính mạng của cả tổ chiến đấu. Ngay lúc đó, tôi đã nghĩ ra tư thế quỳ bắn cùng các động tác khôn khéo để quả đạn A72 không bị hở nhiều trên chiều cao của cỏ Lác. Khi bắt được tín hiệu máy bay, tôi đã phóng tên lửa chính xác vào chiếc C130 khiến nó nổ tung, toàn bộ các hòm đạn, tổ giặc lái cùng sỹ quan, binh sĩ ngụy trên máy bay bị tiêu diệt hoàn toàn. Cùng lúc đó trong chốt dồn dập nã pháo cối vào trận địa theo cụm khói đạn A72, rất may trời có gió, đám khói đã bay xa trận địa nên tổ chiến đấu của chúng tôi đã an toàn”. Với chiến công xuất sắc, lần đầu tiên, ông Toản đã được tặng Huân chương chiến công giải phóng hạng 2 và Huy hiệu Dũng sĩ diệt máy bay. Tiếp tục được giao nhiệm vụ bảo vệ thị trấn Lộc Ninh - thủ phủ của quân giải phóng, tại đây, ông đã dũng cảm, quyết tâm cao độ, tiếp tục bắn rơi máy bay C130. Vì góc phóng quá lớn, toàn bộ lực phóng của tên lửa đã hất ông ngã về phía sau, mặt bị bỏng, tóc cháy gần hết. Nhưng may nhờ đeo kính bảo vệ nên 2 mắt được an toàn. Lần này, ông đã được sư đoàn tặng thưởng Huân chương Giải phóng hạng Ba và Dũng sĩ diệt máy bay. Tiếp sau đó, ông lại được điều lên cao điểm 178, gần sân bay Lộc Ninh và tiếp tục ra phương án tiêu diệt máy bay không người lái. Ngày 17/1/1975. bằng 1 quả đạn A72 ông đã bắn rơi tại chỗ một máy bay trinh sát điện tử không người lái. Đây là chiếc máy bay hiện đại duy nhất của Mỹ bị bắn rơi ở chiến trường miền Nam Việt Nam. Và trận thắng không chỉ mang ý nghĩa đặc biệt sâu sắc cả về chính trị và quân sự mà còn góp tiếng nói mạnh mẽ trên bàn ngoại giao quốc tế. Với chiến công đặc biệt này, Đại đội của ông lúc đó được tặng Huân chương Chiến công Giải phóng hạng Nhất. Đầu năm 1975, ông tham gia chiến dịch giải phóng Sài Gòn. Ngày 13/3/1975, ông đã bắn rơi chiếc máy bay ném bom A37 và ngày 14/3/1975, ông tiếp tục bắn rơi máy bay trinh sát L19. Với thành tích đặc biệt xuất sắc trong 2 ngày đầu tiên của chiến dịch, với 2 quả đạn bắn rơi tại chỗ 2 máy bay, tiêu diệt toàn bộ giặc lái, bảo vệ vững chắc và chi viện đắc lực, kịp thời cho bộ binh trong lúc ác liệt nhất, ông được Bộ Tư lệnh Sư đoàn 3 bộ binh tặng 2 Huy hiệu Dũng sĩ diệt máy bay và đề nghị tặng thưởng Huân chương Chiến công giải phóng hạng 2.Với chiến công bắn rơi 5 máy bay, trong đó có 1 chiếc C130 hành quân tiếp viện và 1 máy bay không người lái, ngoài Huân chương Chiến công, Dũng sĩ diệt máy bay, ông Toản còn được tặng Huy hiệu Bác Hồ. Nhiều lần bị thương nhưng ông Toản vẫn xung phong tiếp tục chiến đấu ở các chiến trường Campuchia và biên giới phía Bắc Vị Xuyên, vết thương tái phát, năm 1987 ông về nghỉ chế độ. Trở về đời thường, ông tiếp tục phát huy bản chất bộ đội Cụ Hồ, tích cực tham gia công tác tại địa phương, xây dựng Hội CCB vững mạnh; nuôi dạy 2 con trưởng thành, đóng góp tích cực vào sự phát triển của quê hương, đất nước. Ngày 10/8/2015, ông vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Ông chính là tấm gương để thế hệ trẻ hôm nay học tập, noi gương về ý chí, nghị lực vươn lên mọi khó khăn trong lửa đạn chiến tranh cũng như trong thời bình; xứng đáng với danh hiệu Anh hùng của quân đội Anh hùng.

Anh hùng LLVTND Vũ Thanh Sơn.

Anh hùng LLVTND Vũ Thanh Sơn.

Chiến công mở “Cánh cửa thép” Đồng DùVới Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân - Vũ Thanh Sơn (ở khu 12, phường Gia Cẩm, thành phố Việt Trì), chiến thắng ngày 30/4/1975 không chỉ là dấu son của lịch sử mà còn là niềm tự hào của lớp lớp thanh niên anh dũng đã không tiếc máu xương vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Không chỉ là nhân chứng, tư liệu sống của những ngày tháng hào hùng với lòng quả cảm, chiến công xuất sắc của mình, ông đã góp phần tích cực cùng cả dân tộc làm nên chiến thắng vang dội, khơi dậy tinh thần yêu nước, đấu tranh bảo vệ Tổ quốc trong mọi thế hệ.Trực tiếp tham gia trận đánh giải phóng Đồng Dù, ông Vũ Thanh Sơn nhớ lại: Một trong số những mũi tiến công của quân ta là tấn công theo hướng căn cứ Đồng Dù (khi ấy được coi là “cánh cửa thép” án ngữ phía Tây Bắc Sài Gòn), đó cũng là nơi đóng quân của Sư đoàn 25, một trong những sư đoàn chủ lực mạnh nhất của Ngụy quân Sài Gòn được biết đến với biệt danh “tia chớp nhiệt đới”. Đêm 28/4, rạng 29/4/1975, chúng tôi nhận lệnh tấn công, giải phóng căn cứ Đồng Dù, tạo đường tiến công cho các quân, binh chủng tiến đánh Sài Gòn - Gia Định. 5 giờ 30 phút ngày 29/4/1975, pháo binh của Binh đoàn và Sư đoàn dồn dập nổ súng, dội lửa vào khu thông tin, Sở chỉ huy của địch. Với mục đích làm cho địch mất liên lạc, mất chỉ huy sẽ bị tan dã. Nhiệm vụ chính của Đại đội ông là đánh “mở cửa” và thọc sâu cắm cờ quyết chiến, quyết thắng lên sở Chỉ huy địch. Chiến đấu ở mũi thọc sâu, khi Đại đội đánh “mở cửa” bị địch bắn trả dữ dội, 38 chiến sĩ hy sinh, ông đã làm thay nhiệm vụ “mở cửa” phá hàng rào, chiếm lô cốt, đánh thọc sâu để cầm cờ Quyết thắng cắm lên Sở chỉ huy Sư đoàn 25 Ngụy. Ông đã dũng mãnh tiêu diệt được 3 xe tăng của địch bằng vũ khí B40, B41. Khi tiến đến gần sở chỉ huy của địch thì ông bị thương vào đầu, bụng, tay ngất đi, được đồng đội đưa vào bệnh viện. Trong hơn 2 tiếng giao tranh, ông Sơn không nhớ nổi có bao nhiêu chiến sĩ đã hy sinh, chỉ nhớ là quyết tâm mở đường của cấp trên rất cao, các chiến sĩ ôm bộc phá cứ tiếp nối nhau, người này ngã thì đã có người khác xông lên với quyết tâm sắt đá tiêu diệt cứ điểm địch. Giải phóng được Đồng Dù, là mở đường tiến công cho lực lượng của ta tấn công Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Với tinh thần mưu trí, dũng cảm, ý chí kiên cường và thành tích xuất sắc trong trận đấu, năm 1976, ông Vũ Thanh Sơn vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Sau ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, cựu chiến binh Vũ Thanh Sơn tiếp tục cống hiến sức mình cho quân đội, ông luôn tâm niệm phải sống đúng với phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, kiên cường, bất khuất, không ngại khó, ngại khổ, xứng đáng với những hy sinh, mất mát của biết bao đồng đội đã nằm lại khắp các chiến trường để dân tộc thanh bình, thịnh vượng như hôm nay.

Anh hùng LLVTND Hoàng Văn Lượng chăm sóc vườn cây của gia đình.

Anh hùng LLVTND Hoàng Văn Lượng chăm sóc vườn cây của gia đình.

Huyền thoại người Anh hùng đặc côngNGÀY 19/3/1967, lực lượng đặc công Việt Nam được thành lập và binh chủng đặc biệt này đã ghi dấu ấn sâu đậm trong lịch sử dân tộc với những chiến công xuất sắc khiến kẻ thù run sợ. Đóng góp vào chiến công vẻ vang đó, quê hương Đất Tổ Vua Hùng có một chiến sĩ thuộc binh chủng đặc công đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân với chuỗi dài những thành tích chiến đấu quả cảm, kiên gan khắp các chiến trường từ Bắc tới Nam và cả nước bạn Lào, Campuchia. Ông là Hoàng Văn Lượng, đồng bào dân tộc Mường ở xã Tân Phú, huyện Tân Sơn.Ông Lượng tái hiện lại một thời oanh liệt: Tháng 4/1974, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, vừa tròn 18 tuổi, tôi lên đường nhập ngũ và được biên chế về Đại đội 5, Tiểu đoàn 30, Trung đoàn 60 thuộc Bộ Tư lệnh đặc công và được huấn luyện ở Bắc Giang. Lên đường vào Nam chiến đấu giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ xâm lược đang bước vào giai đoạn cam go, ác liệt, đơn vị đặc công của tôi đã giáng cho kẻ thù nhiều đòn đánh bất ngờ, chí tử, khiến họ tổn thất về sinh lực, phương tiện chiến tranh và hoang mang, lo sợ đến mất khả năng chiến đấu mỗi khi đối đầu với lực lượng đặc biệt tinh nhuệ này.Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đơn vị lập nhiều chiến công trong chiến dịch Tây Nguyên, đánh chiếm sân bay Hòa Bình tại thành phố Buôn Ma Thuột. Trong đó, riêng tôi đã mưu trí, sáng tạo chỉ huy đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ sau 3 ngày cơ động theo Quốc lộ 14 về Bình Dương chuẩn bị bàn đạp đánh chiếm cầu Bông và cầu Sám (ngày 26/4/1975), tạo hành lang cho Quân đoàn 3 thọc sâu vào giải phóng Sài Gòn. Trên cương vị Tiểu đội trưởng - C2D198 - Lữ đoàn 372 Phòng không - Không quân, tôi đã cùng đơn vị chiến đấu ngoan cường, tiêu diệt nhiều sinh lực, phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh của địch, không cho địch đánh sập cầu Bông.Miền Nam hoàn toàn giải phóng, non sông thu về một mối nhưng các thế lực thù địch vẫn không ngừng chống phá, tiến hành xâm lược biên giới hai đầu Tổ quốc. Tôi lại cùng đồng đội ba lô trên lưng tiếp tục hành quân đến những chiến trường ác liệt, góp sức giữ gìn cương thổ quốc gia cũng như làm nghĩa vụ quốc tế cao cả giúp nước bạn thoát khỏi họa diệt chủng. Tháng 9/1977, tôi cùng đơn vị tham gia đánh PolPot tại Tây Ninh rồi truy quét quân địch tại Tà Keo (Campuchia) giáp biên giới tỉnh An Giang.Chiến tranh biên giới phía Bắc nổ ra, đầu năm 1981 tôi được phân công nhiệm vụ phục vụ tác chiến tại xã Lao Chải, huyện Vị Xuyên (Hà Giang) rồi hành quân sang nước bạn Lào thực hiện nghĩa vụ quốc tế. Chiến trường trên đất nước bạn là quãng thời gian khốc liệt nhất trong cuộc đời quân ngũ. Cuối năm 1981, tôi cùng đồng đội xây dựng xong bàn đạp hành lang tổ chức 4 trận đánh (trong đó tôi trực tiếp chỉ huy 2 trận, tiêu diệt và phá hủy hơn 300 tấn đạn dược các loại. Tiếp đó, ngày 28/5/1982, đơn vị do tôi chỉ huy đã đánh vào sào huyệt Sở chỉ huy tiền phương Bộ Tổng tham mưu PolPot, tiêu diệt 29 tên địch đồng thời đảm bảo an toàn tuyệt đối cho bộ đội.Chiến công nối tiếp chiến công, ngày 29/1/1983, Nhà nước đã tuyên dương, phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân cho Đại đội 7 đoàn A381 và cá nhân đồng chí Hoàng Văn Lượng. Ba năm sau, vị Anh hùng người Mường đất Tân Phú lại được điều động lên Vị Xuyên (Hà Giang) với vai trò trợ lý trinh sát đặc công trực tiếp chỉ đạo trận đánh cửa khẩu Thanh Thủy. Một lần nữa, anh cùng đồng đội đã tỏ rõ bản lĩnh của lực lượng đặc biệt chiến đấu dũng cảm, mưu trí, bẻ gãy sự tấn công của địch, giữ vững trận địa...Cả đời gắn bó với quân ngũ và những chiến trường cam go, khốc liệt, Anh hùng LLVT nhân dân Hoàng Văn Lượng đã vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng thưởng 9 Huân chương chiến công các loại; Huân chương Ăng-ko hạng Nhất (Campuchia); Huân chương Quân kỳ quyết thắng; Huân chương bảo vệ Tổ quốc; 3 Huân chương chiến công hạng Nhất, Nhì, Ba; 3 Huân chương chiến sĩ vẻ vang; 30 Bằng khen...

Nhóm PV phòng CT-XH

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/chinh-tri/201908/ngoi-sang-nhung-tam-guong-anh-hung-cua-que-huong-dat-to-166277